Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Làng đàn ông ế vợ ở Trung Quốc

Làng Laoya ở phía đông Trung Quốc có tới hơn 100 đàn ông độc thân trên tổng dân số 1.600 người nên được gọi là "làng ế vợ".

1

Làng Laoya nằm ở vị trí hẻo lánh và việc đi lại rất khó khăn. Ảnh: BBC

Ngôi làng Laoya, có nghĩa là “vịt già”, nằm ở vùng nông thôn của tỉnh An Huy. Một cuộc khảo sát vào năm 2014 cho thấy dân số của làng là 1.600 người nhưng có đến 112 đàn ông ở độ tuổi từ 30 đến 55 còn độc thân, một con số cao bất thường.

'Lỗi ở con đường'

“Ngôi làng bị cô lập và giao thông rất khó khăn”, người đàn ông tên Xiong Jigen nói. Phía sau anh là chuồng gà và những ruộng ngô bên ngoài ngôi nhà nằm gần đỉnh đồi.

Để đến được ngôi làng, mọi người phải mất một giờ chạy xe máy chậm chạp qua con đường đất dốc không khác gì đi bộ.

Nhà của Xiong là một trong 7 ngôi nhà được bao quanh bởi rừng tre và cây cối. Tuy nhiên, ở tuổi 43, Xiong lại là điển hình cho một “cành cây khô” ở Trung Quốc. Đây là biệt danh để chỉ những người đàn ông không tìm nổi vợ như anh tại một quốc gia mà đàn ông ở trong độ tuổi 20 thường sẽ kết hôn, lập gia đình và có con cái nối dõi.

Xiong cho biết có hơn 100 người đàn ông địa phương vẫn ở trong tình trạng “chăn đơn gối chiếc”.

“Tôi không thể kiếm được vợ, phụ nữ đã đến nơi khác làm việc, vậy tôi biết tìm ai mà kết hôn?”, anh nói.

Rồi anh lại đề cập đến con đường. “Giao thông ở đây rất khó khăn, không thể qua sông khi trời mưa. Phụ nữ không ai muốn sống ở đây cả”, anh nói.

Ở Trung Quốc, các bậc cha mẹ vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc sắp xếp hôn nhân cho con cái. Tại các ngôi làng, họ thường nhờ đến bà mối để tìm con dâu, con rể.

Xiong cho biết anh từng tìm đến dịch vụ mai mối. “Một số phụ nữ đến đây thông qua mai mối nhưng rồi bỏ đi vì ấn tượng khủng khiếp đối với giao thông”, anh kể. “Tôi từng có một mối quan hệ nhưng chẳng đi đến đâu cả. Cô ấy phàn nàn rằng về điều kiện sống tại ngôi làng này, đặc biệt là những con đường”.

Anh gặp cô gái này qua bà mối. Anh tả lại: “Cô ấy cao gần bằng tôi, không quá béo cũng không quá gầy. Cô ấy khá hướng ngoại”.

Xiong Jigen (phải) ở lại làng để chăm sóc cho chú của mình. Ảnh: BBC

Xiong Jigen (phải) ở lại làng để chăm sóc cho chú của mình. Ảnh: BBC

Ngoài việc sinh sống ở một ngôi làng xa xôi hẻo lánh, tỷ lệ nam nữ mất cân bằng ở Trung Quốc cũng là một bất lợi với những người như Xiong. Hiện Trung Quốc có số lượng nam giới nhiều hơn nữ giới với tỷ lệ khoảng 115 bé trai trên 100 bé gái.

Tư tưởng trọng nam khinh nữ và chính sách một con của chính quyền Trung Quốc đã dẫn đến việc phá thai và rất nhiều bé trai chào đời từ năm 1980 trở đi, gây ra cuộc khủng hoảng hôn nhân ở nam giới nước này vào thế kỷ 21.

Cũng như mọi thôn làng khác trên khắp Trung Quốc, phụ nữ ở làng Laoya đều bỏ quê lên thành phố tìm việc. Tại An Huy, Thượng Hải là một địa danh quyến rũ với phụ nữ. Ở đó, họ có thu nhập tốt hơn và tìm được chồng. Một số quay trở lại nhưng tất nhiên khi đó họ cũng đã kết hôn.

Những người ra đi và ở lại

Đàn ông thường chỉ rời làng để kiếm sống. Một số ở lại để chăm sóc cha mẹ già.

Xiong Jigen cũng ở lại để chăm sóc cho chú của mình. Đó là một người đàn ông già mặc chiếc quần đã cũ sờn đứng bên ngoài ngôi nhà, tay đảo bát hạt ngô đã khô.

“Ông cụ sẽ không có gì ăn nếu tôi đi”, Xiong nói. “Ông cũng không thể đến nhà dưỡng lão”.

Ngôi nhà khang trang của Xiong không đủ để thuyết phục các cô gái về làm vợ anh. Ảnh: BBC

Ngôi nhà khang trang của Xiong không đủ để thuyết phục các cô gái về làm vợ anh. Ảnh: BBC

Một số phụ nữ cũng ở lại làng. Hàng xóm của Xiong, Wang Caifeng, 39 tuổi, đã kết hôn và hiện có hai cô con gái.

“Quê hương vẫn là nhất”, cô nói. “Tôi nhất quyết ở lại”.

Hiện hai con gái của cô phải đi bộ hai lần một ngày, mỗi lần hơn một giờ, để đến trường. Khi được hỏi về tương lai của hai cô bé, và liệu họ có rời khỏi làng khi đã đủ tuổi, Wang cho biết mình hy vọng các con sẽ ở lại.

Tuy nhiên, cô con gái 14 tuổi lại có cách nghĩ khác. Fujing muốn trở thành một bác sĩ giống như cha mình, nhưng tốt nhất là làm việc “ở bên ngoài”.

Thế giới bên ngoài đó không hề xa xôi. Họ có truyền hình vệ tinh. Xiong có một chiếc xe. Con đường chính của thị trấn nhỏ cách đó không xa. Nhưng những người dân ở Laoya vẫn cảm thấy hoàn toàn hẻo lánh và cô lập.

Ngay cả những người phụ nữ đã đến xem ngôi nhà khang trang của Xiong, mới được xây dựng 3 năm trước, điều đó vẫn chưa đủ để thuyết phục họ ở lại làm vợ của anh.

Đây không phải là “làng ế vợ” duy nhất ở Trung Quốc. Laoya là điển hình cho hoàn cảnh của vùng nông thôn nước này hiện nay: người dân nỗ lực không ngừng để thoát nghèo, bám trụ lại quê hương, bị ảnh hưởng bởi sự mất cân bằng giới tính và sự ràng buộc trách nhiệm với người thân.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo VnExpress

Được quan tâm

Tin mới nhất