Mùa nước nổi miền Tây rơi vào độ tháng 7 âm lịch. Suốt mấy tháng liền, ruộng đồng khoác lên chiếc áo bạc trắng, cỏ cây chìm dưới nước khiến những chú trâu không có thức ăn, chỗ nghỉ. Người nông dân buộc phải dẫn trâu đi đến những miền xa, từ cánh đồng này tới cánh đồng khác, nơi mà con nước chưa len lỏi tới và những vạt cỏ vẫn còn mướt xanh. Câu chuyện về nghề len trâu từ đó mà bắt đầu.
“Bây giờ làm gì còn trâu, người ta chỉ nuôi bò thôi”, một người quen than thở sau khi nghe tôi quyết định khăn gói xuống Đồng Tháp. Hành trang tôi mang theo là những kí ức tuyệt đẹp trong bộ phim Mùa Len Trâu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Đẹp mà buồn. Khi máy móc đã len lỏi vào sâu tận trong những cánh đồng sát biên giới Campuchia, mùa len trâu dường như chỉ còn nằm lại trong kí ức. Trâu không còn nhiều, và nghề len trâu trở thành những câu chuyện mà những lão nông kì cựu miền Tây Nam Bộ kể về.
Ông Nguyễn Văn Rằn (78 tuổi) là một lão nông có trọn vẹn những kí ức về len trâu. Thời còn trẻ, bờ vai rắn rỏi của ông từng vác những bao lúa nặng trĩu, đôi chân khỏe mạnh đã đi qua biết bao quãng đồng xa. Ông bắt đầu len trâu khi mới 16 tuổi, trong kí ức của lão nông hiện tại luôn lấp loáng những đàn trâu vượt con nước lũ để đi tìm vùng đất mới.
Ông kể: “Con trâu coi vậy chứ rất khôn à nghen. Lúc nó còn là nghé, mình phải dạy, dí là rẽ trái, thá là rẽ phải. Nhớ vậy mình có thể ngồi lên nó để cưỡi, di chuyển đến nhiều cánh đồng xa hơn. Hồng Ngự là vùng thấp của Đồng Tháp, có năm nước dâng lên tận 3 thước. Từ tháng 6 âm lịch, mấy thanh niên trong xóm rủ nhau tập hợp trâu thành từng đàn để đi gửi trên huyện Tân Hồng. Vùng đất khi ấy vừa mới được khai hoang, cao ráo nên có chỗ cho trâu ăn, trâu nằm”.
Trời tờ mờ sáng, bà đã ở trong bếp để thổi lửa nấu cơm, dắt theo cho ông đi đưa trâu. Những con trâu trong xóm gom lại được hàng chục con, đàn này gặp đàn khác có khi lên đến hàng trăm con, lũ lượt đi từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Lúc mệt quá thì ngồi lại nghỉ, ai có gì ăn nấy, không có thì được người khác chia cho.
Cứ vậy mà dắt díu nhau đến những miền đất hứa, lâu dần len trâu thành cái nghề của bao nhiêu con người miền Tây. Giọng ông trầm ấm: “Con trâu là bạn, là tài sản quý giá nhất của của người nông dân. Mình phải bắt bọ chét, canh muỗi có đốt nó không, hay thuộc làu làu mấy ngã rẻ vào đồng cỏ… Hồi máy móc chưa len lỏi vào những cánh đồng, con trâu cày bừa quần quật. Mùa nước nổi là dịp cho trâu ngơi nghỉ để tháng 10 mình mang nó về để tiếp tục mùa lúa sạ”.
Mùa nước nổi miền Tây đẹp mà buồn, thi vị mà hanh hao. Con nước đem theo cá tôm, phù sa trĩu nặng. Sau mỗi mùa len trâu, bà đứng đợi ông ở bục cửa trước nhà. Dẫn trâu về, lòng ông bà vui mừng khấp khởi để bắt đầu một vụ mùa mới. Ngồi nghe ông kể chuyện, chính bản thân tôi cũng được ông phác họa bức tranh tuyệt đẹp về miền quê châu thổ. Nơi có đàn trâu đen trùi trũi thong thả gặm cỏ non, dưới những tán cây rộng lớn, người nông dân chân lấm bùn ngả chiếc nón lá, tựa lưng ngơi nghỉ.
Chuyện trò với những “lão nông” kì cựu, chúng tôi mới thấy thấm thía sự gắn bó giữa con người và trâu. “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, ông Rằn cho là vậy. Bởi thời đại của ông, những thanh niên trong vùng đều muốn tậu trâu trước khi lấy vợ. Con vật hiền lành, lầm lũi, cần mẫn là biểu tượng cho sức lao động không ngừng nghỉ. Vì vậy, giữa đàn trâu hàng trăm con người ta mới không nhầm lẫn trâu của mình và trâu của người khác. Họ thuộc luôn tính cách, dáng điệu và đặc điểm của con trâu nhà mình.
“Nhà nào có trâu được coi là no cơm ấm gạo. Cứ mỗi buổi chiều là chồng tui lại đi thui rơm đuổi muỗi cho nó. Cả năm làm việc quần quật, không ngơi nghỉ, mùa len trâu là dịp để người nông dân trả ơn cho con vật đã cùng mình băng qua bao quãng đồng, cày bừa hết lực”, cô Tư, một người chăn trâu lâu năm kể lại.
Huyện Hồng Ngự hiện nay nhà cửa đà mọc san sát, trâu không còn nhiều nữa. Mùa len trâu năm nào cũng đã lùi lại trong kí ức. Nhưng mỗi lần được nhắc nhớ về, những cảm xúc ấy vẫn cuồn cuộn chảy…