Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Kỳ lạ bản 'nát' - nơi đàn ông uống rượu thay cơm, say sưa tối ngày

Một bản ở khu vực biên giới phía Bắc có nguy cơ bị tổn hại bởi tình trạng "nát" rượu của cánh đàn ông nơi đây.

Một hình ảnh quen thuộc của cánh đàn ông ở bản Nậm Ban.

Từ TP.Lai Châu, vòng vèo về hướng tây chừng 100km nữa là đến trung tâm xã biên giới Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn. Bản “nát” nằm ở đó. Nghèo đói. Xác xơ. Chênh vênh giữa đỉnh trời…

Bản “nát” là cách người ta vẫn gọi vui một bản nghèo xa xôi của xã Nậm Ban. Nhưng vui đâu chưa thấy, chỉ thấy bệ rạc, cay nhức.

Ở đó, dưới những nếp nhà gỗ chực chờ đổ ụp, đàn ông uống rượu thay cơm, thâu đêm suốt sáng, đàn bà sụt sùi khóc vì bất lực còn trẻ con thì nheo nhóc, tồng ngồng.

Những người đàn ông ở bản “nát” đang bù khú bên bàn nhậu trước ánh mắt trẻ thơ.

Theo thống kê nhân khẩu, cả bản “nát” có hơn 1.000 hộ dân sinh sống, chủ yếu là người đồng bào dân tộc Mảng - 1 trong 9 tộc người thiểu số là đối tượng được đưa vào chương trình cần bảo tồn, khai sáng và duy trì của Chính phủ.

Thấy chúng tôi, một người địa phương là anh Lý Á Cản mau mắn kéo vào nhà tiếp rượu. Dòng dịch lỏng trong vắt được anh chắt ra từ một túi nilông xuống 4 chiếc chén cọc cạch và lỡ cỡ. Cả chiếc bàn gỗ ghép xộc xệch tuyệt nhiên không có nổi một món ăn. Chỉ có rượu.

Phần đa các bữa nhậu của người Mảng chỉ có rượu suông với thuốc lào.

“Sáng ra tầm 6h đã uống rượu rồi. Không uống là không chịu được, cứ nôn. Nói chung là một ngày phải hết 2 lít. Uống thay cơm luôn mà, không ăn cơm đấy” - anh Cản thực thà kể.

Rồi anh xòe bàn tay thô ráp khoe bên trong có một nắm lá sao khô như lá chè, cho biết, với nắm lá này, anh có thể uống rượu thoải mái mà không say. Tuy nhiên khi uống được khoảng chục chén, anh lập tức bước đi lảo đảo rồi lăn quay ra giữa nhà, miệng lảm nhảm nói những câu vô nghĩa.

Nắm lá khô không cứu nổi anh Cản khỏi cơn say bổ ngửa.

Ở bản “nát”, không chỉ có mình anh Cản uống rượu thay cơm, mà phần đa đàn ông đều vậy. Cả bản nghèo dường như chìm trong hơi men. Quẩn quanh chỉ là những ánh mắt đờ đẫn vì rượu.

Rượu nhiều, rượu vô tội vạ đã khiến vẻ bề ngoài của những người đàn ông sức dài vai rộng nơi đây, tuy đang độ tuổi lao động, nhưng hết sức nhàu nhĩ, chán nản.

Những thân hình tàn tạ vì rượu.

Ngay cả cán bộ văn hóa xã Nậm Ban là anh Lò Văn Nhoán khi xuống tuyên truyền về những tác hại của rượu cũng phải bắt đầu buổi nói chuyện bằng vài chén rượu.

Anh Nhoán nói, không ngồi xuống mâm rượu thì tuyên truyền họ cũng chẳng nghe. Thà uống mà được nói dăm ba câu còn hơn không được tí nào.

“Phải uống một chén thì họ mới cảm động là mình quan tâm” - anh Nhoán chia sẻ.

Điều đáng nói, rượu tại đây mua rất rẻ. Chỉ từ 15.000 - 20.000 đồng/lít. Cũng không cần cầu kỳ đựng vào chai lọ. Chỉ cần túi ni lông hoặc bát nhựa.

Người Mảng sẵn sàng đổi mọi thứ trong nhà như gà, lợn, củi… thành rượu để uống. Khi không còn gì để đổi, họ mua nợ hoặc bán củi non, lúa non…

Lạm dụng quá nhiều rượu nên những hệ lụy để lại cho người Mảng là rất nặng nề. Đói nghèo, bệnh tật, đánh nhau, cãi nhau hoặc ngã xuống vực chết.

Việc mua rượu tại bản “nát” rất dễ dàng.

Được biết, tộc người Mảng chỉ còn khoảng trên 5.000 người, sống chủ yếu tại Lai Châu và rất nghèo đói vì chỉ biết trông mong vào nương rẫy. Tuy nhiên với việc cánh đàn ông uống rượu tràn lan như hiện nay, bỏ bê hết cả gia đình, công việc, tương lai của người dân ở đây là đáng lo ngại.

Mặc dù căn bệnh “nát” tại bản Nậm Ban theo ghi nhận từ thực tế vẫn còn rất trầm kha nhưng theo ông Phạm Đức Minh - Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn - thì là đã giảm nhiều trong mấy năm qua.

Cận cảnh một pha “vồ ếch” vì rượu.

Ông Minh cho biết, do đặc thù địa lý quá xa xôi nên ngày trước, người Mảng chưa nhận được quan tâm đúng mực. Tuy nhiên kể từ ngày tách huyện (năm 2012), mọi việc đã có nhiều thay đổi.

“Chúng tôi cũng phải tăng cường người xuống, bám nắm cơ sở rồi tuyên truyền, vận động tác hại của uống rượu, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, tuổi thọ, kết quả làm ăn kinh tế. Người Mảng giờ biết khai hoang ruộng đất, trồng lúa nước, chăn nuôi, bảo vệ rừng, rồi có những bản sắc văn hóa, rồi giữ gìn an ninh biên giới” - ông Minh thông tin.

Dưới đây là một số khung hình đầy ám ảnh PV ghi lại được tại bản “nát”:

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Lao Động

Được quan tâm

Tin mới nhất