30 tuổi đứng trên đỉnh cao sự nghiệp, 40 tuổi băn khoăn với câu hỏi: “Rốt cuộc mình đã làm được gì cho đời, kiến thức mình học cuối cùng có giá trị gì?”
Những năm 20 tuổi, trong khi nhiều người còn đang vật vã vì chuyện tình dang dở, khóc cạn nước mắt sau 1 lần chia tay hay băn khoăn với câu hỏi tôi là ai, tương lai tôi sẽ ra sao… thì Phạm Đình Quý lúc đó đã sống một cuộc đời hoàn toàn khác: Vui vẻ, độc lập và giàu có.
Ngoài 20 tuổi, anh đã thành công khi mở doanh nghiệp xây dựng và đứng top những ông chủ trẻ nhất tỉnh Hưng Yên lúc bấy giờ. Khoảng năm 2000, Phạm Đình Quý bước lên đỉnh cao sự nghiệp với số tiền kiếm được một năm lên tới hàng chục tỷ đồng. Rất nhiều dự án lớn liên tiếp rơi vào tay đã khiến vị KTS này dễ dàng gặt hái được thành công. Giống như anh thường nói: “Đã có lúc tôi thấy mình kiếm được rất nhiều tiền một cách quá dễ dàng”.
Nhưng rồi thành công không tồn tại quá lâu. Như một cơn gió lạ thổi chiếc diều lên cao vùn vụt rồi bỗng chốc tắt ngấm khiến cánh diều chao đảo, cuộc đời Phạm Đình Quý gần như cũng lâm vào cảnh tương tự. Thời thế thay đổi khiến doanh nghiệp của anh nhanh chóng phá sản. Ở tuổi 34, sau quãng thời gian trở thành người giàu có, Phạm Đình Quý bỗng biến thành gã đàn ông tay trắng. Tất cả gia tài kiếm được lúc đang ở đỉnh cao phong độ, khối tài sản hàng chục tỷ/năm bỗng 1 ngày hóa thành gió bay đi, không để lại chút dấu vết.
Đã có người tự tử khi phá sản, bị trầm cảm hoặc mất phương hướng trong khoảng thời gian dài vì thất bại đến bất ngờ nhưng Phạm Đình Quý thì khác. Anh vui vẻ chấp nhận.
“2006 tôi thất nghiệp, phá sản, trở về vạch xuất phát với con số 0 tròn trĩnh, chỉ còn duy nhất một chiếc ô tô để đi lại cũng bị lừa mất. Tôi thở nhẹ, coi như mây của trời cứ để gió cuốn đi”.
34 tuổi tay trắng, mất hết tiền bạc, gia đình lục đục, đứng trước nguy cơ tan vỡ hôn nhân nhưng nếu hỏi Phạm Đình Quý có tiếc không, anh thẳng thắn nói một chữ KHÔNG. “Mình kiếm tiền dễ quá, thành công đến dễ quá và phá sản cũng dễ quá nên hóa ra tất cả lại thành điều bình thường, chẳng có gì để tiếc nuối”.
Trong tay còn duy nhất một chiếc xe tải, Phạm Đình Quý quyết định làm công việc chở hàng từ thiện lên vùng cao. Và cũng từ đây, cuộc đời bắt đầu ban cho anh một cơ duyên mới. Những thứ không ngờ tới, không hẹn trước đã dần dần dẫn dắt anh bước vào 1 cuộc phiêu lưu mới mà mỗi chương trong cuốn tiểu thuyết ấy đều chứa đầy sự mạo hiểm, thú vị.
“Năm 2012, khi đó tôi 40 tuổi, trong 1 lần lái xe tải lên vùng cao làm từ thiện, chứng kiến cuộc sống quá khó khăn của bà con nơi đã đi qua… tôi ngồi lặng lẽ. Tôi tự hỏi, 40 năm qua, mình đã làm được gì cho đời: Kiếm được hàng chục tỷ rồi đánh mất, hay là một anh lái xe chỉ biết chở đồ từ thiện lên vùng cao? Kiến thức mình học được cuối cùng có tác dụng gì?… Và tôi quyết định, mình phải vượt khỏi vũng an toàn này và sẽ làm một điều gì đó không bình thường”.
Cuộc khởi nghiệp năm 20 tuổi từng giành được thành công đáng ghi nhận nhưng phải đến năm 40 tuổi, vị KTS này mới thật sự tìm thấy một sự nghiệp xứng đáng và phù hợp hơn cả: Vác gạch đi xây trường vùng cao.
Đúng như anh nói: “40 tuổi tôi mới băn khoăn với câu hỏi tôi là ai và tôi sẽ làm gì. Rất may, tôi đã không mất quá nhiều thời gian để tìm ra câu trả lời”.
Người đã dùng 1.005 tấn xi măng, 1.050.000 viên gạch, 3.150 khối cát và vượt 9 vòng trái đất để xây trường học vì trẻ em nghèo vùng núi
Ai từng lên Hà Giang chắc vẫn nhớ những cung đường quanh co ở đây. Cuộc sống nơi vùng đất địa đầu Tổ quốc tuy thanh bình với khung cảnh hoang sơ, hùng vĩ nhưng bấy lâu vẫn nổi tiếng khó khăn cùng cực. Và rồi cũng chính từ những nẻo đường heo hút, chênh vênh giữa 1 bên núi, 1 bên vực thẳm ấy đã nhen nhóm lên trong trái tim người KTS quê gốc Hưng Yên một tình yêu mãnh liệt với núi rừng.
“Ngày hôm ấy, anh Chủ tịch xã Nậm Luông chở tôi vào bản trên chiếc xe Dream cũ. Tôi ngồi sau xe và thầm thán phục làm sao anh có thể phóng như bay trên những con đường ngoằn nghèo, hiểm hóc như thế. Càng đi, tôi càng muốn khám phá tiếp xem cuộc sống ở nơi đây ra sao nhưng rồi, chút háo hức ấy dần tan biến khi trước mắt là một bức tranh tồi tệ”.
Nậm Luông nghèo đến tiêu điều. Đó là xã nghèo nhất trong một huyện nghèo nhất tỉnh Hà Giang. Ở một bản có 103 hộ dân thì hầu như gia đình nào cũng có người mắc bệnh. Chuyện những đứa trẻ giữa trời rét căm căm, băng tuyết bao phủ trên đỉnh núi vẫn phải cởi truồng, đi chân đất là điều hết sức bình thường.
KTS Phạm Đình Quý vẫn nhớ như in hình ảnh đến thăm một ngôi nhà mà bà mẹ ngồi bên cạnh đứa con. Trong khi đứa nhỏ vẫn hồn nhiên vui cười, gương mặt lấm lem đất cát, không mặc đủ quần áo thì bà mẹ ngồi ôm cột nhà, bụng to lên bất thường và sức khỏe đã ở độ sắp kiệt quệ, chỉ còn chờ chết… Đứa trẻ không biết được nỗi đau mà mẹ nó đang phải gánh chịu. Chỉ có người mẹ biết rằng, thần chết có thể cướp mình đi bất cứ lúc nào. Đớn đau về thể xác có lẽ cũng khiến người phụ nữ ấy không còn nhiều thời gian để suy tính chuyện tương lai cho các con mình.
Cái chết ở đây bỗng bình thường đến lạ thường. Có những người phụ nữ sinh con và rồi đứa bé chết ngay sau đó không lâu. Họ âm thầm đem đi chôn cất, không ai khóc thương vì xem như đứa bé xấu số ấy đã bị ma rừng bắt đi.
Cuộc sống với một gam màu đen u ám bao phủ lên mảnh đất Nậm Luông. Giống như một xứ sở bị bỏ quên giữa 4 bề cao nguyên đá toát lạnh, có quá nhiều người dân ở đây sống vật vờ, lặng lẽ để chờ chết. Họ chấp nhận số phận và dường như cũng không còn quá bận tâm việc tìm cách chống chọi.
“Và tôi quyết định phải làm một điều gì đó giúp họ. Tôi sẽ xây trường học“, KTS Phạm Đình Quý từng tự hứa với lòng mình như thế.
Anh bảo người dân ở đây nghèo quá và thiếu tất cả mọi thứ: Giáo dục, y tế, đường xá, nhà ở, cơm ăn, áo mặc… Nhưng thứ đầu tiên anh muốn giúp họ là xây một ngôi trường.
“Bởi vì phải có học thì tương lai mới khác được. Tôi muốn xây trường để các em nhỏ có một chỗ học mưa không dột tới đâu, Đông đến gió không lùa vào thốc tháo, rét buốt. Có chữ, có hiểu biết rồi các em cũng chưa chắc đã thành những người giàu có, kiếm được cả tỷ đồng/năm nhưng ít nhất sẽ biết cách ăn cái gì cho tốt, ở thế nào cho sạch…
Lúc đi khảo sát xây trường, tôi thấy có quá nhiều đứa trẻ ăn toàn kẹo, kem hóa học, nghịch đất cát, ngủ không mắc màn… Có rất nhiều bệnh đáng lẽ có thể tránh được thì lại vì sự thiếu hiểu biết bào mòn sức khỏe. Tôi nghĩ, xây trường học sẽ là cách giúp họ”.
Nghĩ là làm, KTS Phạm Đình Quý đã viết bài chia sẻ trên Facebook kèm theo lời kêu gọi vận động từ thiện vật dụng (quần áo, chăn màn) để tặng cho người dân nơi đây và tiền mặt để xây trường. “Tôi nghĩ nếu mình không làm sẽ không có ai làm hoặc là phải rất lâu sau, các em nhỏ ở đây mới có một ngôi trường mới”.
Từng là một ông chủ làm ăn lớn, lời kêu gọi của anh Quý nhanh chóng được rất nhiều người hưởng ứng. Anh gọi đội thợ xây từng gắn bó với mình quay lại và điểm trường đầu tiên đã thành công ngoài mong đợi. Thừa tiền, anh xây tiếp trường khác và cứ thế, hoàn thành 3 ngôi trường ở xã Nậm Luông. Các nhà hảo tâm xây thêm 2 ngôi trường khác. Hiện cả xã đã có 5 ngôi trường mới, xóa gần như toàn bộ các điểm trường tồi tàn vốn chỉ là những chiếc lều bán trú.
Cứ nghĩ chỉ xây trường học thôi sẽ không thể khiến một “mảnh đất chết” như Nậm Luông hồi sinh. Nhưng không. Những ngôi trường từ thiện với vẻ ngoài khang trang, sáng sủa hiện lên giữa 4 bề rừng núi như một điểm tựa của hy vọng rực sáng. Người ta bắt đầu mong chờ vào một tương lai mới và sự tỏa sáng của những thế hệ trẻ có tri thức sau này.
Và người đã khởi xướng, sát sao làm nên những ngôi trường ấy - KTS Phạm Đình Quý bỗng thấy áng mây đen ở Nậm Luông dần tan biến theo màu ngói đỏ. Lần đầu tiên sau hơn 40 năm cuộc đời, người đàn ông ấy mới thấy mình thực sự làm được một công việc có ý nghĩa to lớn.
“Có lúc tôi từng cầm hàng chục tỷ đồng trong tay nhưng vẫn thấy không hạnh phúc vì mình chính là kẻ đã gây nhiều tác động tiêu cực cho mọi người xung quanh. Tôi chợt nhận ra, khi người dân xung quanh nghèo khó, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nhưng mình lại có một ngôi nhà đẹp đẽ, lộng lẫy như cung điện thì đó không phải là hạnh phúc.
Lúc nhìn các em nhỏ Nậm Luông cười trong ngày khánh thành trường, tôi hiểu rằng hạnh phúc là phải làm cho người khác hạnh phúc. Lần đầu tiên sau 40 năm, tôi cảm thấy mình thực sự hạnh phúc, mãn nguyện dù lúc đó trắng tay, chẳng hề giàu có”.
Chính suy nghĩ ấy đã khiến KTS Phạm Đình Quý đi tiếp và xây liên tiếp những ngôi trường khác. Hành trình ấy đến nay đã kéo dài hơn 5 năm, xây xong hơn 100 ngôi trường nhưng đôi chân anh dường như vẫn chưa hề biết mệt mỏi.
Ngồi nhẩm tính một chút, anh Quý bảo mỗi một ngôi trường trung bình tiêu tốn hết 10 tấn xi măng, 30 khối cát, 10.000 viên gạch. 5 năm qua, vị KTS ấy đã lần lượt vượt qua những kỳ tích mà chính mình cũng không thể ngờ nổi.
Ban đầu chỉ định xây 1 trường, cuối cùng lại xây trường thứ 2 và rồi thật bất ngờ khi giờ đây, con số đã là 105. Ban đầu không nghĩ mình sẽ sống ở vùng núi, giờ đây lại độc hành trong những chuyến đi nối dài hành trình vượt 365.000km tương đương với 9 vòng trái đất. Ban đầu nghĩ mình phá sản sẽ phải tay trắng, nào ngờ đã có khoảng 50 tỷ đồng quyên góp trôi qua tay để hóa thành hơn 100 ngôi trường mới hiện sừng sững giữa núi đồi. Từng nghĩ sự nghiệp xây dựng sẽ chấm hết ở tuổi 34, nào ngờ chỉ trong vòng 5 năm đã mua và tiêu dùng hết khối lượng nguyên vật liệu đồ sộ: 1.005 tấn xi măng, 1.050.000 viên gạch, 3.150 khối cát.
Cách biến một ngôi trường trở thành nguồn sức mạnh thay đổi cuộc sống của hàng nghìn người. Và triết lý “cho đi thôi nhưng đừng cho không ai bất cứ điều gì”
Bây giờ nếu ai đó hỏi Phạm Đình Quý vì sao xây nhiều trường thế, vì sao một ngôi trường lại có sức mạnh thay đổi cuộc sống của người dân chắc có lẽ, anh sẽ đủ chất liệu để viết thành một phóng sự dài trả lời.
Điều đặc biệt nhất trong hành trình biến túp lều bán trú tạm bợ thành một ngôi trường kiên cố của KTS Phạm Đình Quý chính là tất cả 105 ngôi trường đều có sự tham gia tích cực của người dân địa phương.
“Xây trường vùng cao sẽ rất khó nếu bạn không biết cách. Người miền núi trọng lời hứa nhưng họ cũng hơi khôn vặt. Nếu không có thỏa thuận trước, xe chở vật liệu vào xây trường cũng bị thu tiền, đứng chụp ảnh, đi trên đất của dân bản cũng bị thu tiền rồi có cả chuyện ăn cắp nguyên vật liệu đem bán nữa”, anh Quý kể.
Thấu hiểu điều ấy qua những lần đi khảo sát, trước khi xây bất cứ ngôi trường nào, anh Quý đều đến làm việc với xã trong vai trò đại diện cho nhà hảo tâm, yêu cầu người dân hỗ trợ vận chuyển, bảo vệ vật liệu xây dựng.
Người dân vùng cao rất giữ lời hứa nên nếu đã hứa, dù khó cách mấy họ cũng sẽ dốc sức hoàn thành. Trong một trận mưa ở Nậm Luông, cây cầu đứt gãy, đội thợ xây và dân bản đã phải làm việc liên tục, chuyển từng viên gạch, bao xi măng vào nơi xây trường. Có những lần, chỉ vừa nhìn thấy xe chở vật liệu lấp ló dưới chân núi thì người dân đã hò nhau ra khuân vác. Trong quá tình xây dựng, các thầy cô, các bậc phụ huynh cũng tham gia tích cực việc giám sát thi công.
Ngôi trường đã vượt ra ngoài ý nghĩa các nhà hảo tâm xây hộ dân bản. Thay vào đó, người dân nơi đây cảm thấy ngôi trường ấy là của chính họ. Ở đó có một phần mồ hôi, nước mắt mà họ đã đóng góp với hy vọng, con em mình sau này sẽ có cơ hội sống khác với thế hệ bố mẹ chúng đã từng.
“Tôi thường nói vui, 1 ngôi trường có giá 500 triệu thì 300 triệu thuộc về nỗ lực và sự giúp sức của dân bản. Tôi cũng không phải là anh hùng đơn thương độc mã, để xây một ngôi trường là sự nỗ lực của biết bao anh em công nhân xây dựng, những người đã tin và đồng hành cùng mình suốt 5 năm gian khó”.
Nói đến đây, anh Quý nhớ đến lần thực hiện dự án xây 30 trường ở miền Trung mà vốn do một doanh nghiệp lớn cung ứng. Chỉ vì chậm tiến độ vì thời tiết mưa lũ, nhóm của anh Quý bị phạt khá nặng. Lúc đó, anh em chấp nhận để mất cả tỷ đồng. Số tiền ấy ngoài đi vay, anh em thợ xây phải tự trừ vào tiền công của mình.
Cuộc sống ở miền núi khó khăn nhường nào chắc không cần nói thêm ai cũng hiểu. Đường đi vất vả nên chỉ cần vác 1 viên gạch đi bộ thôi đã đủ toát mồ hôi. Vậy mà những người thợ xây phải cõng cả bao xi măng lên núi, ăn dầm nằm dề cùng nắng mưa núi rừng, sống trong điều kiện kham khổ để xây trường với đồng lương thấp nay còn bị trừ do phạt nặng. Vậy mà vì tin anh Quý, vì tình yêu với trẻ em nghèo, cuối cùng họ cũng đã vượt qua.
“Tôi thường biết ơn và vô cùng cảm động bởi tình nghĩa anh em thợ xây dành cho mình. Tôi cũng nghĩ, những gì đã đi qua, tất cả mọi khó khăn trong việc xây trường từ thiện đều là bài học, là cái giá phải trả để tôi nhớ rằng: Có thể xây 105 trường, có được lòng tin của hàng trăm, hàng nghìn người, mình đã đánh đổi bằng những gì?“.
Ngẫm lại hơn 40 năm đã qua, anh Quý nhận thấy cuộc đời mình là những lần cho đi không tiếc bất cứ điều gì… Nhưng người đàn ông ấy đồng thời cũng tin rằng, chỉ những gì đánh đổi bằng mồ hôi công sức, sự thử thách mới đem lại giá trị bền vững. Vì thế, anh thường nói đem cho thôi nhưng đừng cho không ai điều gì.
“Ngôi trường không phải là cho không, người dân cũng phải tham gia xây đắp thì họ mới yêu, mới tha thiết muốn con em mình đến lớp. Lòng tin tôi có được từ phía các nhà hảo tâm, chính quyền và người dân địa phương cũng không tự nhiên mà có. Tất cả đều phải trả giá. Quý “Bừa” cũng không xây trường không công, tôi có lương do nhà hảo tâm trả, dù là rất thấp… nhưng bạn thấy đấy, mọi thứ đều có giá trị của riêng nó và rồi tất cả hóa thành nền tảng để biến những gì đang hiện hữu tồn tại lâu dài, bền vững hơn“.
Một đời người, bao nhiêu hoài bão, ước mơ. Từng làm ông chủ chuyên tính lời lãi khi khởi công bất cứ một công trình nào, Phạm Đình Quý cuối cùng lại biến thành anh “thợ” xây chăm chỉ không biết đến 1 đồng lãi và chỉ dám nhận về một khoản tiền công rất rẻ. Ước muốn giàu có không biết đâu là điểm dừng nhưng cuối cùng lại nằm lại trên mái ngói đỏ tươi của những ngôi trường từ thiện hiện lên giữa núi đồi. Từ một người tay trắng, vào năm 40 tuổi, cuộc đời anh Quý đã rẽ sang một ngã khác, không giàu tiền bạc nhưng rất giàu tình yêu, nghĩa khí và niềm tin.
Ở tuổi 46, Phạm Đình Quý thường tự nhận mình là một người đàn ông quyền lực khi anh đi đến đâu, định xây ngôi trường nào thì chắc chắn ý tưởng ấy sẽ thành công tốt đep. Anh đi nhiều và dành 20/24h cho công việc. Những chuyến đi bất tận và chưa hẹn ngày sẽ dừng lại nhưng luôn hẹn trước sẽ tiếp tục cùng anh Quý phá vỡ nhiều kỷ lục cũ.
“Chưa bao giờ tôi thấy mình tự do và hạnh phúc như bây giờ. Có lẽ đúng là phải ngoài 40 tuổi, tôi mới trở thành 1 startup thành công với đại dự án xây trường học thiện nguyện. Nhiều người hỏi tôi, ly hôn rồi sao chưa đi bước nữa và trong sự nghiệp thì hãy tính lãi đi thôi nhưng tôi nghĩ, tình yêu hay sự nghiệp, hãy cứ để mọi chuyện tùy duyên.
Khi mình không tính lãi cho đời mình thì cuộc đời sẽ tính hộ. Bạn sẽ thấy, hóa ra cái lãi ấy mới là giá trị, là cái đáng quý mà nếu phải tính toán thì chẳng bao giờ có được”.