“Cho vô tư ăn không độc”
Đó là lời quảng cáo của người bán hàng tại chợ Ngã Tư Sở khi phóng viên tỏ ra băn khoăn về loại đường hóa học được giới thiệu.
Khảo sát một số chợ trên địa bàn Hà Nội như: chợ Phùng Khoang, chợ Đồng Xuân, chợ Ngã Tư Sở, chợ Mỹ Đình,… hỏi mua đường hóa học rất dễ dàng. Đường này có nhiều loại khác nhau, mỗi loại mỗi giá và đều được cất kín đáo khi có người hỏi mua chủ cửa hàng mới mang ra cho khách xem.
Một tiểu thương ở chợ Đồng Xuân cho biết, hai loại đường hóa học được hỏi mua nhiều nhất là đường cây mía và đường B1. Đường cây mía là đường của Trung Quốc, hạt đường trong, dẹp và to hơn đường kính, có giá 60 nghìn đồng/gói 1kg; còn đường B1 được giới thiệu là đường của Việt Nam sản xuất (nhưng không ghi rõ nơi sản xuất trên bao bì), hạt đường to nhìn rất giống viên thuốc B1, giá 120 nghìn đồng/kg.
Những người bán hàng cũng quảng cáo rằng loại đường hóa học tuy mua giá có cao hơn đường kính (đường kính giá 20 nghìn đồng/kg), nhưng tính ra lại tiết kiệm hơn rất nhiều. Bởi đường này ngọt gấp 500 lần đường mía, 1 viên đường hóa học có độ ngọt tương đương với 1 lạng đường mía.
Đươc biết, đường hóa học chỉ tạo vị ngọt, không có giá trị dinh dưỡng và không chuyển hóa được. Có tới 500 loại đường hóa học, trong đó chỉ một số loại được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm với giới hạn tối đa và có quy định rõ ràng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều chất tạo ngọt tổng hợp bị cấm dùng vẫn được bày bán tràn lan trên thị trường. Chất tạo độc hại phải nói đến là sodium cyclamate - một trong những thành phần có trong đường hóa học, chất này vào cơ thể dễ dẫn đến nguy cơ ung thư gan, thận, phổi, dị dạng bào thai…
Ấy vậy mà, những người bán hàng ở chợ Ngã Tư Sở lại hồn nhiên tư vấn: “Đường hóa học cho vô tư, ăn không độc. Độc thì người ta ăn chết hết rồi”.
Đồng thời người này cũng tiết lộ thêm rằng, loại “phép màu vi diệu” đó thường được các hàng quán bán bún, phở mua để bỏ vào nước dùng cho nhanh ngọt, chỉ cần cho vài viên vào nồi nước dùng là sẽ được vị ngọt đậm đà mà không cần ninh nhiều xương.
Cho đường hóa học vào nước dùng là bình thường
Để kiếm chứng lời những người bán đường hóa học nói, phóng viên báo Phụ nữ Tp.HCM đã tiếp cận những nhân viên từng làm việc ở một số quán cơm, hàng bún, phở, quán nước giải khát trên địa bàn Hà Nội… thì được biết sự thật kinh hoàng đằng sau những nồi nước dùng đậm đà mà chúng ta vẫn tưởng ngon từ thịt, ngọt từ xương.
Giá không quá cao, tiết kiệm lại hiệu quả nhanh nên nhiều chủ cửa hàng đã bất chấp tất cả để có lợi nhuận cao nhất.
Thu Dung (sinh viên ĐH Quốc Gia), từng làm ở 1 quán cơm và hai quán phở cho biết: “Bỏ cái đó (đường hóa học) là bình thường mà, hàng ăn nào mình làm cũng cho loại đường đó vào nước dùng cả. Họ còn cho cả gói bột gì đó vào nữa cơ, mình không rõ lắm vì khi làm họ không cho mình thấy tận mắt đâu. Chỉ thi thoảng bọn mình phải đến sớm dọn dẹp thì biết được thôi.”
Dung cũng nói thêm, người ta trước khi cho đường vào nồi thì hay phải nghiền cho thành dạng bột nếu không bỏ cả hạt to vào sẽ rất lâu tan. Dùng đường hóa học sẽ giúp chủ quán tiết kiệm được một khoản kha khá vì không phải ninh nhiều xương và thêm nhiều mì chính, hạt nêm mà vẫn có được vị ngọt “như thật”. Nhưng dùng loại đường này không được tham, vì nếu bỏ nhiều quá, vị ngọt sẽ chuyển sang vị đắng sẽ hỏng cả nồi nước.
Làm thêm ở quán chè chưa đầy một tuần, Hòa (sinh viên ĐH Bách Khoa) cũng phải bỏ vì ghê sợ độ bẩn và độc hại từ những nguyên liệu người bán sử dụng để làm chè.
“Không chỉ có đường hóa học đâu, còn phẩm màu, tạo mùi, chất tẩy nữa cơ. Mình nhìn thấy mà ghê đến tận cổ, cứ mỗi lần tưởng tượng ra thôi cũng muốn ói rồi. Giờ mình có dám ăn chè ngoài quán nữa đâu. Lần nào mà bạn bè có rủ đi mìnhcũng chỉ dám gọi cốc sữa chua chứ không dám ăn cái gì khác. Rất sợ”.
Đường hóa học tạo vị ngọt lợ sau khi ăn, kể cả khi uống nước xong vẫn đọng lại vị ngọt thậm chí có hơi chát đắng trong miệng. Tuy nhiên, loại đường rất khó nhận biết vì không màu, không mùi dễ tan trong nước đặc biệt khi cho vào thực phẩm thì việc xác định bằng giác quan thông thường hầu như không hiệu quả.
Do đó, để bảo vệ an toàn sức khỏe thậm chí là tính mạng của bản thân mình, chúng ta nên hạn chế ăn những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, và cũng cần cảnh giác khi ăn ở các hàng quán không đảm bảo.