Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Khối trượt lớn trên sườn đèo Hải Vân đang dịch chuyển

Cả khối trượt có chiều sâu ăn ngầm vào trong đất khoảng 51 m. Nếu xảy ra trượt lở sẽ là thảm họa vì tàu Bắc Nam chạy qua đây.

Ngày 23/5, TS Đinh Văn Tiến, Viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, ông và nhóm nghiên cứu đang hàng ngày theo dõi thông số về sự dịch chuyển của các khối đất trên sườn núi Hải Vân nhằm đánh giá nguy cơ trượt lở tại đây. Thiết bị được quan trắc trực tuyến, truyền số liệu qua đường vệ tinh. Thông số được phân tích tự động, đến ngưỡng nguy hiểm sẽ đưa ra tín hiệu cảnh báo.

Từ năm 2014, thiết bị quan trắc được lắp đặt tại nhiều điểm quanh khu vực gần ga tàu Hải Vân (Đà Nẵng). Các thông số cho thấy toàn bộ khối trượt có chiều sâu ăn ngầm vào trong đất khoảng 51 m. Khối này nằm trên sườn núi của đèo Hải Vân và phân hóa thành nhiều khối, mảng. Khối lớn đang dịch chuyển khoảng 2 cm, khối nhỏ dịch chuyển khoảng 10 cm.

TS Đinh Văn Tiến giới thiệu về các thông số truyền trực tiếp về Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải 24/24h. Ảnh: Bích Ngọc.

Sở dĩ chọn Hải Vân để lắp đặt thiết bị quan trắc là qua khảo sát của Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải và các chuyên gia Nhật Bản, tại đây có khối trượt lớn, bán kính trượt sâu, đang có hiện tượng thức giấc sau kỳ nghỉ dài.

“Hải Vân nằm trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, nếu xảy ra trượt lớn rất nguy hiểm. Phía dưới là vịnh Đà Nẵng, nếu trượt sẽ đẩy khối đất về sát vịnh, gây sóng thần”, ông Tiến nói. Tuy nhiên, qua mô hình nghiên cứu tính toán khối lượng đất nếu xảy ra trượt lở gây sóng thần chỉ cao khoảng 60 cm, không nguy hiểm. “Nếu có đoàn tàu chạy đúng thời điểm trượt lở thì thực sự là thảm họa”, ông Tiến lo ngại.

Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải mong muốn từ những thông số thực tế đo được cùng với nghiên cứu về mặt lý thuyết có thể cảnh báo được sớm nguy cơ sạt trượt. “Các nghiên cứu cụ thể, nếu đạt giá trị khoa học có thể áp dụng nhân rộng ở các điểm nguy cơ sạt trượt, từ đó xây dựng quy trình và quy chuẩn để áp dụng trên cả nước”, ông Tiến cho biết.

Sạt trượt đất tại Đèo Hải Vân tháng 11/2017 gây tê liệt giao thông. Ảnh: Báo Thừa Thiên - Huế.

Nghiên cứu này được thực hiện nối tiếp từ Dự án “Phát triển công nghệ đánh giá rủi ro trượt đất dọc theo các tuyến giao thông chính ở Việt Nam” đã kết thúc từ năm 2016. Sau đó Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục cấp kinh phí để triển khai trong 3 năm (2017-2019).

Thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, từ năm 2000 đến năm 2015, cả nước có khoảng trên 250 đợt lũ quét, sạt lở, làm chết và mất tích 646 người. Hơn 9.700 ngôi nhà bị hư hỏng, nhiều công trình dân sinh, giao thông, thủy lợi bị hư hại, gây thiệt hại về kinh tế ước tính 3.300 tỷ đồng.

Từ năm 2012, Thủ tướng phê duyệt đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”, phạm vi thực hiện tại vùng miền núi có nguy cơ trượt lở đất đá thuộc 37 tỉnh thành. Đề án đặt mục tiêu xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt trượt đất đá tại các vùng miền núi, trung du làm cơ sở phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư đảm bảo ổn định, bền vững; nâng cao khả năng cảnh báo sớm nguy cơ trượt lở đất đá, phục vụ chỉ đạo sơ tán dân cư kịp thời, phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo VnExpress

Được quan tâm

Tin mới nhất
Tín hiệu vui của Hoài Linh
Ngọc Trinh đã trưởng thành?