Ngày 22/4, Bộ Công an cho biết thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an về đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã điều tra, xác minh làm rõ sai phạm trong quá trình chỉ định thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội và một số đơn vị liên quan.
Quá trình điều tra bước đầu xác định các đối tượng đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm COVID-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Căn cứ kết quả điều tra và tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 22/4/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan; Quyết định khởi tố bị can; Lệnh khám xét và Lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, đối với:
1. Nguyễn Nhật Cảm, sinh năm 1963, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội;
2. Nguyễn Vũ Hà Thanh, sinh năm 1979, Trưởng phòng Tài chính kế toán Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội;
3. Đào Thế Vinh, sinh năm 1975, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST);
4. Nguyễn Trần Duy, sinh năm 1980, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành;
5. Nguyễn Ngọc Nhất, sinh năm 1986, nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech;
6. Nguyễn Thanh Tuyền, sinh năm 1985, nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông;
7. Lê Xuân Tuấn, sinh năm 1982, nhân viên Phòng Tài chính kế toán Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội.
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã thi hành các Quyết định và Lệnh trên theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang tập trung khẩn trương làm rõ hành vi của các bị can, thu hồi tài sản Nhà nước và tiến hành điều tra mở rộng vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 22/4, thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, Bộ Công an cho biết, qua kết quả điều tra ban đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) đã chứng minh một số hành vi sai phạm của một số cán bộ tại Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội (CDC Hà Nội) và một số đơn vị chức năng ở Hà Nội.
Thiếu tướng Xô nêu rõ, sai phạm chủ yếu xảy ra trong việc tổ chức mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ việc xét nghiệm, phòng chống COVID-19. Theo đó, việc điều tra ở CDC Hà Nội đã diễn ra hơn một tuần nay dựa trên đơn tố giác tội phạm của người dân. Nhà chức trách tiếp tục làm việc với nhiều cán bộ của CDC Hà Nội để làm rõ việc mua sắm.
Trước đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 thành phố Hà Nội diễn ra sáng 17/4, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, Sở Y tế được giao toàn quyền chỉ đạo mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch; Ban chỉ đạo thường xuyên đôn đốc để đảm bảo chất lượng, số lượng.
Lãnh đạo thành phố cũng giao các ngành công an, Sở Công Thương thường xuyên kiểm tra, xử lý những đơn vị cung cấp trang thiết bị tăng giá. CDC Hà Nội là đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và thực hiện các hoạt động chuyên môn về công tác y tế dự phòng trên địa bàn Hà Nội.
Ngoài ra CDC Hà Nội có trách nhiệm và hoạt động với mục đích làm giảm tỷ lệ mắc, chết do các dịch, bệnh, truyền nhiễm, không truyền nhiễm với toàn bộ người dân, giảm thiểu tác hại kinh tế, sức khoẻ, thời gian do dịch bệnh gây ra, thông qua các hoạt động dự phòng tích cực.
Đây cũng là đơn vị thuộc tuyến đầu trong phòng chống COVID-19 với các nhiệm vụ sàng lọc, kiểm soát, xét nghiệm, đưa ra cảnh báo và công bố những người nhiễm.
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng dịch COVID-19 diễn ra ngày 20/4, ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Y tế, các quận huyện rà soát lại toàn bộ công tác mua sắm thời gian vừa qua. Báo cáo lại sớm cho Ban chỉ đạo TP về số lượng mua được, tiếp tục triển khai mua sắm trang thiết bị thiết yếu.
Ông Chung giao Sở Công thương chủ trì thành lập đoàn liên ngành cùng Sở Tài chính, Công an TP rà soát lại toàn bộ các đơn vị mua sắm, nhất là các bệnh viện và những đơn vị doanh nghiệp y tế cung cấp trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao cho các hoạt động phòng chống dịch.
“Việc kiểm tra này để xem các đơn vị này có đủ năng lực hay không, trang thiết bị y tế có đảm bảo chất lượng hay không. Sở Công thương rà soát về giá trang thiết bị y tế, Sở Tài chính tham gia kiểm tra về đơn giá, định mức để xem các đơn vị có thực hiện có hiệu quả hay không, mua bao nhiêu, còn bao nhiêu. Giám sát mua đúng, mua đủ không?” - ông Chung nói.
Người đứng đầu TP Hà Nội cũng nhấn mạnh rút kinh nghiệm dịch SARS năm 2003-2004, nhiều đơn vị thi nhau mua nhưng sau đó cũng thừa. “Dịch bệnh thì chúng ta không tiếc, nhưng chúng ta mua phải đảm bảo tính hiệu quả.
Đoàn liên ngành có thể mời phía HĐND TP vào cùng kiểm tra và báo cáo lại Ban chỉ đạo. Cuối tuần này, Ban chỉ đạo sẽ có cuộc họp về công tác mua sắm, đảm bảo trang thiết bị y tế vật tư phòng chống dịch để chúng ta chấn chỉnh, đảm bảo đúng, đủ, tiết kiệm, tránh tình trạng lãng phí” - ông Chung nói thêm.