Khung cảnh tan hoang tại ngôi nhà của ông Nguyễn Xuân Đường. Ông cụ 84 tuổi một mình chống chọi với cơn lũ tại xóm Trung Thương, xã Phương Mỹ, Hà Tĩnh.
Bà Nguyễn Thị Lan, 79 tuổi đang cặm cụi soi đèn dầu để kiểm tra sức khỏe của con bê duy nhất trong gia đình. Sau thiên tai, nhà mất điện, bà Lan phải di chuyển con bê vào nhà để tiện chăm sóc.
Các xã thuộc huyện Hương Khê là “rốn lũ” của Hà Tĩnh. Người dân nơi đây đã sớm học cách sống chung cùng lũ. Trong ảnh là ông Nguyễn Văn Hà (xã Phương Điền) đang di chuyển đàn chó và vật dụng cá nhân của gia đình lên thuyền để tránh hư hại.
Bà Đặng Thị Hương (xã Phương Điền, Hương Khê) phải tạm trú trên mái nhà vì nước dâng cao, ngập hết các phòng.
Để chống chọi với thiên tai, người dân chọn cách leo lên mái nhà và chờ người đến giúp. Trong ảnh là một cụ bà dùng thang để di chuyển xuống thuyền.
Với tinh thần kiên cường, người dân bắt đầu tìm lại các đồ dùng, vật nuôi. Ông Hoàng Xuân Khánh (xóm Trung Thượng, xã Phương Mỹ) đang lùa con gà của gia đình vào nơi an toàn.
Phương tiện di chuyển duy nhất tại nơi đây là thuyền. Một gia đình đang vượt qua những dây điện chằng chịt để đến thăm hỏi nhà hàng xóm. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, người miền Trung vẫn giữ được niềm lạc quan, vượt lên thử thách.
Chị Nguyễn Thị Thương vác những miếng gỗ nặng trên vai. Theo nước lũ, gỗ và củi từ thượng nguồn tràn về nhiều. Thấy vậy, người dân tận dụng cơ hội này để làm kinh tế, bất chấp mưa lũ kéo gỗ và củi về bán.
Cũng với tinh thần khắc phục cơ sở vật chất sau thiên tai, khi nước rút, các nữ nhân viên y tế xã Sơn Bằng cùng nhau dọn sạch bùn đất theo lũ tràn về.
Luôn lạc quan dù trước mọi hoàn cảnh, người dân miền Trung đã sáng tạo ra nhiều lễ hội để khuyến khích tăng gia sản xuất. Lễ hội bắt cá Đồng Hoa là một ví dụ điển hình. Tại đây, hàng trăm người cùng bắt cá, mong đợi mùa màng bội thu, khắc phục thiên tai, hạn hán.