Cái thành phố sôi động hằng ngày với nhịp sống hối hả trên 9 triệu dân mà tôi từng thấy, vậy mà trước cơn bão dữ cũng bắt đầu trở nên e dè, lo sợ. Đường phố im lặng không hề bắt đầu ngày mới, thưa người, thưa xe hay nói đúng hơn là nhìn đâu cũng thấy nước ngập cao quá đầu gối. Có lẽ, vì đã có sự cảnh báo và chuẩn bị tinh thần trước nên thiệt hại về người và của đều giảm thiểu tối đa, người dân cũng không quá sốc mà đón bão với tâm thế bình tĩnh hơn.
Thế những, cái cảm giác tan hoang sau mưa bão dữ khiến tôi nhớ đến những ngày từ tháng 8 đến tháng 1 hằng năm, người dân miền Trung luôn sống trong thấp thỏm vì không biết bão về lúc nào. Thình lình trong đêm, vội vã vào buổi sáng, hay thậm chí dữ dội suốt nhiều ngày liền,… bão không còn là vị khách lạ, dân miền Trung gọi là mùa bão về.
Để rồi, nơi nó đi qua, sau một đêm chỉ lại những mái nhá tốc mái, không ánh đèn, người dân ngồi bơ phờ và không còn đủ sức lực để khóc một ai nữa mới ra đi vì bão. Con người ở mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” quê tôi, đã từng hơn 1 lần sống trong những ngày của sự im lặng như thế!
Năm trước, cũng tầm thời điểm này, tôi nhận lệnh về miền Trung theo chuyến công tác của toà soạn: cập nhật tình hình cơn bão Damrey.
2h chiều, bắt chuyến xe về Quy Nhơn. Sài Gòn buổi chiều lúc này vẫn trời trong, nắng ráo. Chuyến xe đi qua Ninh Thuận-Bình Thuận nắng vẫn khô, đến Nha Trang thì chập choạng tối, mưa.
Từ trên xe, người người gọi nhau bật dậy, dáo dác nhìn, và gần như không còn tin vào mắt mình. Mọi thứ tín hiệu tốt lành chúng tôi nhận được từ buổi chiều bị giật ngược 180 độ.
Nha Trang chỉ còn khung cảnh tan hoang. Những ngôi nhà chỉ còn sót một mảng tường, gạch vữa nằm vương vãi, cây cổ thủ to cao trốc gốc, cây nhỏ thì trơ lá, dừa bẻ làm đôi,… nhiều địa điểm 1/3 ngôi làng ngập chìm trong biển nước.
Không gian bắt đầu im bặt đi. Trên xe chỉ còn tiếng xì xào nhỏ to của một vài hành khách lớn tuổi gọi điện về nhà hỏi han tình hình, sóng đứt. Ngoài xe, tiếng động cơ xe tải đang rì bánh qua vũng nước sâu, kèm tiếng mưa đập vội vào nền cửa kính. Về tới Bình Định hơn 10 tiếng đồng hồ, qua ba tỉnh Khánh Hoà-Phú Yên-Bình Định với sự im lặng nối dài.
Tôi đã cố thức trắng đêm, giương mắt nhìn rõ ra ngoài bệ cửa sổ, và không ngừng khóc. Không nơi nào còn ánh sáng. Ôi, cái không khí đầm ấm yên vui của những bữa cơm tối mà tôi thấy hằng ngày, ở mỗi quê hương,… nay đều đã dập tắt. Thay vào đó, một vài đốm sáng lập loè ẩn hiển trên mái nhà còn sót lại, chuyền qua chuyền lại những dãy nhà nằm sát nhau, 8-10 người ngồi bó giò cạnh nhau. Tất cả đều được soi bởi ánh đèn pha nhập nhoẹ của chiếc xe khách, thoắt ẩn thoắt hiện.
Đó đã là ngày thứ 3 sau cơn bão Damrey đổ bộ.
Mưa bão ở quê tôi không phải là điều gì lạ lẫm. Sập nhà, tốc mái, cây đổ, hay thậm chí nghe tin một ai đó gần gũi bên bạn vừa bị nước cuốn đi…cũng không lạ.
Mỗi năm, quê tôi đón 9-10 cơn bão. Bão nhỏ, ngập cầu, chia cắt các xã trong huyện, tụi học sinh hớn hở nghỉ học, người lớn đi vớt củi, đánh cà bằng lờ, chèo ghe trên cánh đồng ngập nước để đặt bẫy rắn…
Bão vừa vừa, nước mấp mé qua đầu gối, cúp điện toàn vùng, nâng cao đồ đạc lên kệ gỗ, xúc cát chắn tôn bay, nước tràn tới đâu thì thóc lên tới đó, chờ 1-2 ngày thì nước rút.
Bão lớn, nước ngập nửa nhà. Trước khi xây nhà, ông bà ngày trước đã dặn họ phải thủ sẵn một chỗ trú ẩn. Nhà giàu thì làm cái gác, nhà khá giả thì đổ mê thêm gác lửng, nhà nghèo thì phó mặc, trèo lên mái mà ngồi bó giò chờ đợi.
Năm đó, má tôi vì tiếc rẻ con heo nái nuôi 2 năm mà nhường cho nó nằm ngủ an toàn trên giường, cùng tôi và anh Hai. Chỉ còn Má với Ba chịu ngâm mình trong nước, quay qua quay lại giữa ánh đèn hột vịt leo lét, khuân đồ lên cao. Nước chảy siết, mạnh lắm, tôi nhớ cái dáng má xắn ống quần qua bẹn, chống hai chân dưới nước làm nổi cả những đường cơ đùi săn chắc, mặt má đanh lại, thở dốc. Ba Má cứ đứng đó, trời trồng từ sáng tới tối, tối tới sáng.
Nửa đêm nước từ thượng nguồn kéo về đột ngột, hơn nửa nhà. Con heo nái, bao lúa mới, mớ bắp vừa hái non,… má vứt cho nổi lềnh bềnh. Còn lại thằng con Út. Má quyết định đưa tôi qua nhà cô Hồng trú. Nhà cô thời đó giàu nhất xóm, có một lầu làm chỗ trú ẩn an toàn cho bọn trẻ con.
Đoạn đường qua nhà cô Hồng, hằng ngày tôi vẫn chạy nhảy, chơi nhảy dây, banh đao, năm mười. Hôm nay chỉ còn một màu nước đen sóng sánh. Qua khỏi sân nhà, xuống bục đường là thụt chân những nửa mét, nước càng dữ hơn. Hết ngã tư đường, nước chảy về ruộng, rồi tháo đổ ra con sông Lục Giang sau nhà… không ngừng. Chỉ cần sơ sảy trật chân, kể cả sức lực lưỡng như ba tôi cũng dễ dàng bị cuốn trôi như cuốn một con chuột chết đuối.
Vậy mà, ba vẫn cõng tôi trên vai, bước qua khỏi cái sân nhà lội xuống mép đường đó. Nước tràn qua ngực ba, hấp háp qua chân tôi từng đợt nhỏ, lạnh ngắt. Ba đi từng chân một, hết chân này cố nắn xuống đất định hình rồi mới bước tiếp chân thứ 2. Hai tay ôm vào thân người chắc nịch, ba lặng im tiến về trước.
Qua nửa đường, nước tràn qua mông tôi, chạm cằm ba. Nước chạy từng đợt lớn tạt mạnh qua người. Tôi hoảng sợ, chỉ cố cố bấu vào tóc ba, kêu la và khóc quấy. Ba chẳng còn chút sức lực để nói: Ngoan nào, con yên tâm, chẳng sao cả, như ngày nào ba vẫn dỗ dành thằng con nhỏ. Lúc đó, chỉ còn cánh tay ba cố nắn hai mạn sườn, giữ tôi lại giữa đợt nước chảy xiết như muốn xô ngã.
Chuyến đi hết thảy 15 phút, đoạn đường dài 10m. Ba đứng trên bậc thềm, hớt hãi gõ cửa nhà: “cho cháu nó ở lại một đêm”. “Vào đi” - cô Hồng nói.
Ba vội vàng trao tay: mai ba qua đón con nhé, rồi lẵng quay đi.
Mãi năm tháng sau này, mỗi khi nhớ về ba, tôi vẫn không quên được cái mùa bão năm đó, không quên đôi bàn tay chắc nịch, và không quên cái lưng trần lúc ba từ giã tôi, từ từ đi về phía trước…