“Con cố gắng tới sáng mai nghen, khi đói hãy lấy mì ra ăn”, ba nói rồi treo bịch mì gói đã được vòng 3 lớp ni lông lên trước cổ tôi. Nước mắt tôi rơi lã chã trong lúc trèo lên vai ba.
Chỉ một ngày sau cơn bão, mực nước sông “giận dữ” đã nuốt trọn ngôi làng tôi ở. Nước chảy xiết qua những bức tường, sân vườn, đường xá, và cuỗm tất cả xuống mương, cống, bờ ruộng sâu không thấy đáy.
Hồi đó, nhà tôi nghèo nhất xóm, ba má làm lụng suốt 10 năm mới đủ tiền mua được miếng đất ở vùng trũng lũ, dựng thêm mái nhà cấp 4 sơ sài nhằm có chỗ che nắng, che mưa cho chúng tôi đi học.
Trong xóm, nhà ai có điều kiện, trong lúc xây đều đổ nền cao hơn mặt đất 3-4 tấc, phía sau triền sông còn xây cả bờ đê đắp riêng cho dãy nhà chống bão lũ, chỉ riêng ba má tôi không đủ sức. Vì vậy, mỗi lần nước lũ tràn vào nhà, ba lại cõng anh em tôi mang qua những căn nhà 2 tầng của hàng xóm để làm chỗ trú ẩn. Ba má ở nhà, gà vịt cột giỏ treo lên nóc, quần áo đóng gói vứt lên kho, đàn lợn béo thì được kê giường lên cao, còn ba má đứng chịu trận ngâm nước lũ suốt 2 ngày 2 đêm.
Đó mãi mãi là cảnh tượng tôi không bao giờ quên trong suốt ký ức tuổi thơ của mình, rằng: “Bão lũ miền Trung đã trở thành chuyện thường ngày, cơm bữa…”.
“Đừng buông cổ ba ra nghen”, ba ràng sợi dây thừng quanh người tôi rồi thắt chặt vào bụng. Ông đeo thêm chiếc đèn pin tự tụ chế rồi lặng lẽ bước ra khỏi nhà, trong khi đứng ở góc tường, gần như chết lặng.
Lúc ra cái sân đất, nước đã chảy xiết qua quá nửa bụng của ba, ba phải lần dò mặt đất từng bước một. Một lúc sau ba bước xuống mặt đường thì nước đã dâng qua ngực. Ba bởi thật chậm rãi, nhịp tim ba tăng đến mức tôi cảm nhận nó đã nung nóng cả lòng nước lạnh cóng xung quanh. Bởi lẽ, nếu một phút sơ sẩy, tôi và ba đều có thể bị nước cuốn trôi xuống những cống thoát.
Tối hôm đó, tôi ở lại nhà cô Hồng - một trong những căn nhà ít ỏi 2 tầng có nền móng kiên cố trong làng. Ông chào tạm biệt, rồi lại ngược con nước trở về nhà trong ánh đèn nhập nhoạng.
Đêm đó, căn nhà của cô Hồng đã tụ tập hơn chục đứa trẻ đồng tuổi tôi. Tất cả được ăn một ít mì gói, trải tấm chiếu nằm cạnh nhau trên sàn nhà. Tiếng gió rít ngoài trời như tiếng răng đay nghiến của ông trời khiến bọn con nít sợ sệt, không ai dám chợp mắt.
Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam chịu ảnh hưởng của khoảng 5 đến 10 cơn bão. Thiên tai của thiên nhiên luôn để lại hậu quả nặng nề cho người dân miền biển quê tôi từ biết bao đời nay. Lúc nhỏ, chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng đón bão từ tháng 9 đến tháng 12. Điều này được chứng minh bằng việc nhà trường luôn đẩy nhanh lịch học để chúng tôi kết thúc môn sớm hơn vào những tháng gió lớn. Thậm chí, có nhiều năm bão liên tiếp nhảy số trên tivi kèm theo tiếng thở dài của ba má trong những mâm cơm.
Lớn lên hơn nữa, tôi và anh Hai nhận trách nhiệm đóng gói quần áo, kê bàn tủ và treo lũ vịt gà lên cao. Ba má thì quanh quẩn trên nóc nhà để chất cát, đóng đinh, kiêng cố mái tôn. Gần như những đứa trẻ sinh ra ở vùng quê tôi đều quen thuộc với chuyện chống bão. Khi trở thành những chàng thanh niên, chúng tôi sẽ xung phong đến các xóm nhỏ để vận động người dân đến trường tiểu học trú ẩn, cõng các cụ ông, cụ bà tá tục tại khu vực cao ráo, an toàn… Mỗi người một tay đều mong tất cả an toàn qua cơn bão.
Một tuần vừa qua, các tỉnh miền Bắc luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó với siêu bão số 3 Yagi. Những con người ở tâm bão lẫn bà con phía Nam, người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài đều hướng về miền Bắc Tổ Quốc.
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, 0 giờ sáng 8/9, bão Yagi đã suy yếu và vẫn còn trên trên đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Dự báo, bão sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, thế nhưg bão Yagi sẽ tạo mưa to rất to cho các tỉnh miền Bắc. Các sông ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có thể xuất hiện một đợt lũ, với biên độ lũ lên trên các sông từ 2 đến 6m.
Dự báo đến ngày 10/9, trên các sông ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có thể xuất hiện một đợt lũ, với biên độ lũ lên trên các sông từ 2 đến 6m.
Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc (đặc biệt tại các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn và Hòa Bình) có thể lên mức báo động 2 - báo động 3; đỉnh lũ trên sông Thao, thượng lưu sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Hoàng Long lên mức báo động 1 - báo động 2.
Mức độ nguy hiểm trong và sau bão Yagi là vô cùng lớn, trong đó vô số bạn bè, người thân của tôi tại các tỉnh phía Bắc lần đầu tiên phải ứng phó với bão nên vô cùng hoang mang. Thế nhưng, trong tình huống như thế này, bạn hãy thật bình tĩnh!
Người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin và làm theo sự hướng dẫn của cơ quan chức năng; kiên cố chắc chắn tất cả vật dụng quan trọng trong gia đình; dự trữ lương thực, nước uống, thiết bị y tế, số điện thoại khẩn cấp; thông tin kịp thời vị trí của bạn cho đội cứu hộ cứu nạn khi xảy ra trường hợp khẩn cấp… Bằng những công tác đơn giản, bạn sẽ có thể bảo vệ được bản thân lẫn gia đình của mình.
Bên cạnh đó, mạng xã hội đã chia sẻ thông tin các mạnh thường quân tổ chức những khu vực tá túc, phân phối đồ ăn cho người dân cần trong và sau bão. Chính hành động nhân viên này càng tô đậm thêm sự đoàn kết, tình người của người dân Việt Nam.
Cơn bão đã đi qua, tiếp theo chúng ta bước vào giai đoạn khắc phục, tôi chỉ mong rằng tất cả chúng ta sẽ đủ mạnh mẽ vượt qua, và lời động viên đến những bà con hứng chịu thiệt hại từ cơn bão Yagi. Hãy tin rằng: Ngày mai trời lại sáng. Con người chúng ta trước sức mạnh thiên nhiên là vô cùng nhỏ bé, nhưng tấm lòng giữa người và người thì không giờ cạn kiệt.
Cố lên miền Bắc Tổ Quốc! Cố lên những con người Việt Nam hùng cường!