Hãy cùng Saostar vén tấm màn nhung sân khấu xiếc, ngắm nhìn hình ảnh các nghệ sĩ trong hậu trường và nghe họ tâm sự về chuyện nghề khắc nghiệt.
Những năm gần đây, các thiết bị công nghệ trở nên phổ biến, chỉ cần ngồi ở nhà là chúng ta có thể xem được tất cả những màn biểu diễn ấn tượng trên khắp thế giới và điều đó vô tình làm nhiều người quên đi thói quen đến các tụ điểm nghệ thuật để xem biểu diễn. Trong khi các sân khấu nghệ thuật khác như ca nhạc, kịch vẫn đang duy trì ổn định và thu hút được một lượng đối tượng khán giả riêng thì nghệ thuật xiếc lại rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng.
Sân khấu xiếc tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn một rạp duy nhất hoạt động và chỉ sáng đèn vào tối thứ bảy và chủ nhật vì lượng khán giả đến xem rất thưa thớt.
Từ 6h tối đã có các hoạt náo viên thú bông mời chào các em nhỏ đến xem xiếc.
Các em nhỏ rất thích thú các buổi biểu diễn xiếc và cũng là đối tượng khán giả chính của sân khấu xiếc.
6h30 Các nghệ sĩ tranh thủ trang điểm trước khi lên sân khấu.
Tập lại một số động tác trước khi diễn.
Chuẩn bị lại trang phục trước khi ra sàn diễn.
Và chờ đợi đến giờ diễn.
Đúng 7h30 buổi biểu diễn bắt đầu, dù khán giả trong hội trường rất thưa thớt.
Thế nhưng vì tình yêu nghề và trân trọng khán giả, những nghệ sĩ vẫn biểu diễn hết mình.
Sau khi kết thúc màn trình diễn đầu tiên, người nghệ sĩ vào cánh gà để nghỉ ngơi lấy lại sức và thay trang phục cho tiết mục tiếp theo.
Chuẩn bị cho tiết mục tiếp theo.
Tranh thủ tập bài trong khi đợi đến lượt diễn.
Những pha trình diễn đẹp mắt.
Tự tạo những tiếng cười cho nhau trong cánh gà.
NSƯT Lưu Thị Kim Liêu (46 tuổi) tâm sự: “Trước đây cô làm nghệ sĩ uốn dẻo, nhưng bây giờ chuyển sang bộ môn ảo thuật. Làm diễn viên xiếc vất vả lắm, cô không dám hướng con cô theo nghề, đời mẹ đam mê là đủ rồi”.
Nghệ sĩ trẻ Đỗ Anh Quý (23 Tuổi) trước đây học xiếc tại trường trung cấp xiếc Việt Nam ngoài Hà nội, sau khi tốt nghiệp Anh Quý vào TPHCM lập nghiệp và theo đoàn được 7 năm. Quý cho biết: “Vì là lương nhà nước nên rất ít ỏi, người nghệ sĩ phải tự kiếm những công việc bên ngoài như biểu diễn trong các chương trình tạp kỹ tại các tụ điểm khác. Nghề khắc nghiệt từ khâu tuyển chọn, đến khi hành nghề và đào thải. Thế nhưng em vẫn đeo đuổi nó. Sau này hết tuổi nghề em sẽ học thêm sư phạm để xin đi dạy”.
Những màn biểu diễn đẹp mắt nhưng ẩn chứa rất nhiều sự nguy hiểm. Đã có rất nhiều nghệ sĩ phải bỏ nghề vì tai nạn nghề nghiệp.
Nghệ sĩ xiếc ở Việt Nam vẫn chưa có một thu nhập tốt để toàn tâm toàn ý cho cái nghiệp mà mình theo đuổi.
Nghệ thuật xiếc ở TPHCM nói riêng và Việt nam nói chung đang loay hoay tìm kiếm một hướng phát triển riêng cho mình.
Đôi lúc chúng ta chỉ trầm trồ thán phục khi vô tình được xem một màn biểu diễn xiếc nào đó trên truyền hình mà ít biết rằng để có được ánh hào quang rạng ngời trên sân khấu xiếc, người nghệ sĩ phải cật lực làm việc không kể ngày đêm để hoàn thành một tiết mục vài phút.
Để chạm ngõ được môn nghệ thuật đầy hấp dẫn này, các diễn viên phải qua những “cửa ải” vô cùng khắc nghiệt . Thế nhưng trong thời buổi hiện đại, nghệ thuật xiếc vẫn chưa có một chỗ đứng xứng đáng trong ngành giải trí nước nhà.
Để công sức của những nghệ sĩ không bị hoang phí thì chính các nghệ sĩ xiếc ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung cần phải nghiên cứu thêm nhiều đổi mới để thu hút các khán giả đến với sân khấu.
Chắc chắn một điều, dù bất kỳ lý do nào thì khán giả cũng sẽ không quay lưng với những nghệ sĩ có tâm với nghề.