Theo báo VietNamNet, ngày 18/11, BSCKII Phạm Thanh Phong, Phó GĐ Chuyên môn - Giám Đốc trung tâm tim mạch BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, vừa thực hiện can thiệp cấp cứu tái thông mạch vành và cứu sống thành công bệnh nhân Nguyễn Nhựt C. (23 tuổi, trú huyện Phong Điền, TP Cần Thơ).
Theo đó, nam bệnh nhân C nhập viện lúc 3 giờ ngày 16/11 trong tình trạng đau ngực trái nhiều rất nguy hiểm. Trước đó 3 giờ, bệnh nhân sau khi uống bia thì bất ngờ bị nôn ói, rồi tự dùng thuốc điều trị dạ dày nhưng không giảm. Ngoài ra, Cường cho biết, mỗi ngày hút 1 gói thuốc và không có tiền sử bị tim mạch.
Chẩn đoán anh C. bị cơn đau thắt ngực không ổn định nên các bác sĩ chuyển tới Khoa tim mạch theo dõi và điều trị. Tuy nhiên, anh C. bất ngờ ngưng tim, ngưng thở khi vừa đến Khoa tim mạch nên các bác sĩ nhanh chóng hồi sức cấp cứu và sốc điện.
Sau khi anh C. có nhịp tim trở lại, các bác sĩ đo điện tim và phát hiện bị nhồi máu cơ tim tối cấp nên nhanh chóng thực hiện tái thông mạch vành. Sau 15 phút can thiệp, huyết động anh C. ổn định, dễ thở và bớt đau ngực nhiều.
Bác sỹ CKII Phạm Thanh Phong chia sẻ trên báo Tiền Phong, nhồi máu cơ tim xảy ra ở tuổi 45 được đánh giá là trẻ, còn nếu dưới 35 tuổi mắc bệnh là rất trẻ. Tình trạng này gây những cơn đau thắt ngực và sau đó là hoại tử cơ tim dẫn đến suy tim hoặc đột tử.
Cũng theo bác sỹ Phong, có nhiều nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi như: Stress, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá nhiều năm. Trong đó, nguyên nhân chính là chế độ sinh hoạt không khoa học, thiếu lành mạnh gây hình thành các mảng xơ vữa nhanh chóng và dẫn đến nhồi máu cơ tim ở người trẻ. Nhưng họ thường chủ quan không nghĩ mình mắc phải căn bệnh này nên càng dễ nguy hiểm đến tính mạng.