Người dân kể rằng, đã có nhiều lần các cô bé đóng vai "Tướng bà" bị đoàn khác bắt cóc đi mất, sau đó gia đình phải "chuộc" với số tiền lớn. Do vậy, công tác bảo vệ được chuẩn bị kỹ. Từ lúc bắt đầu lễ rước cho đến khi đưa về đền Hạ, hàng chục bảo vệ bao quanh, bảo vệ Tướng bà.
Theo truyền thuyết, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) là nơi dừng chân cuối cùng trước khi Thánh Gióng về trời. Vì thế, hàng năm vào ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch, tại đền thờ thánh Gióng, dân làng ở đây mở hội, làm lễ linh đình tới ngày 8 tháng giêng mới kết thúc.
Vì nổi tiếng linh thiêng nên năm nào, du khách thập phương cũng đổ về đây rất đông. Để phục vụ nhu cầu du xuân, trẩy hội của người dân, năm nay, lễ dâng hương bắt đầu sớm hơn từ 6h45 thay vì 7h sáng như mọi năm. Đáng chú ý nhất là BTC bãi bỏ nghi thức rước từ đền Thượng xuống đền Hạ để tránh hiện tượng cướp hoa tre, cây trầu gây lộn xộn, phản cảm.
Người dân quan niệm, ai mà cướp được lộc hoa tre, lá trâu hay bắt cóc được Tướng bà thì sẽ gặp may. Vì thế, Tướng bà cùng các lễ vật đều được BTC bảo vệ kỹ càng. BTC đã chuẩn bị sẵn 15.000 phần lộc để phát cho người dân, tránh xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy.
Ngoài việc bảo vệ hoa tre, cây trầu để tránh bị tranh cướp, lực lượng an ninh ở Sóc Sơn (Hà Nội) còn phải cõng, bảo vệ cô bé 9 tuổi đóng vai Tướng bà để khỏi bị bắt cóc.
Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận tại lễ hội Gióng năm nay:
Theo quy định từ xưa “Tướng bà” phải có gia đình mẫu mực, gương mặt ưa nhìn, sáng sủa, học giỏi. Ảnh: Thế Đại/ Thời đại.
Với nhiều gia đình, việc con cháu được ngồi lên kiệu là niềm hãnh diện của cả dòng tộc.
Đoàn rước kiệu “Tướng bà” có đầy đủ các thành phần gồm các cụ cao tuổi, cán bộ đoàn thể trong xã và 12 thanh niên trên 18 tuổi khiêng kiêm bảo vệ kiệu.
6h sáng, đoàn xuất phát từ đình làng Yên Tàng tiến về đền Sóc tham dự lễ hội.
Người dân kể rằng, đã có nhiều lần các cô bé đóng vai “Tướng bà” bị đoàn khác bắt cóc đi mất, sau đó gia đình phải “chuộc” với số tiền lớn. Do vậy, công tác bảo vệ được chuẩn bị kỹ.
“Tướng bà” cùng đoàn tháp tùng vào hậu cung làm lễ, trút bỏ chiến bào rồi cùng đoàn bảo vệ xuống đền Hạ. Ảnh: Thế Đại/ Thời đại.
7h ngày 21/2 (mùng 6 Tết), Lễ hội Gióng khai mạc tại Khu di tích lịch sử đền Sóc, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Ảnh: VnExpress
Đây là lễ hội nổi tiếng với tục “cướp giò hoa tre” và “cướp giò hoa cau” hay còn gọi là cây hoa tre và cây trầu. Ảnh: VnExpress
Những năm qua, việc phát giò hoa tre cho du khách lấy may đầu năm đã được Ban tổ chức lễ hội nỗ lực kiểm soát. Tuy nhiên, tình trạng chen lấn, xô đẩy, đôi khi là cả tranh cướp vẫn diễn ra, khiến hình ảnh lễ hội bị ảnh hưởng. Vì thế, năm nay việc rước lễ xuống đền Hạ đã bị bãi bỏ.
Thay vào đó, BTC phát lộc cho người dân. Ảnh: VnExpress
Sau lễ cung tiến, giò hoa tre được di chuyển vào hậu cung đền Thượng và tổ chức phát lộc tại ba điểm trong quần thể đền Sóc để tránh tình trạng cướp lộc như mọi năm. Ảnh: VnExpress.
Lễ hội Gióng được tổ chức để tri ân công đức Phù Đổng Thiên vương - một trong Tứ bất tử của dân tộc Việt Nam, đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc, UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Năm nay, lễ hội sẽ diễn ra trong 3 ngày, kéo dài từ hôm nay (21/2) đến 23/2, tức mùng 8 tháng Giêng.