Mới đây vụ phụ huynh hành hung học sinh lớp 1 trường Tiểu học Hữu Nghị (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) nhập viện gây xôn xao dư luận. Chiều 15/7, chị Ngô Thị N. (mẹ cháu Nguyễn Gia Kh.) cho biết, hiện tại cháu Kh. vẫn kêu đau đầu, tâm trạng hoảng loạn nên bác sỹ yêu cầu phải ở lại bệnh viện để theo dõi thêm.
Theo chị N., sáng nay (15/7), cán bộ công an đã đến bệnh viện lấy lời khai cháu Kh. Cháu Kh. kể tường tận việc anh Phạm Duy Đức vào bên trong trường dắt cháu ra ngoài rồi đánh. Nguồn cơn của sự việc cách đó mấy ngày cháu Kh. có lấy mũ của con anh Đức tung lên để cả nhóm cùng chơi. Tuy nhiên anh Đức lại nghĩ rằng cháu Kh. đã lấy mũ của con anh ấy nên đến đòi và đánh đập cháu.
Theo lời chị N., giữa gia đình anh và nhà anh Đức không có quan hệ, quen biết hay mâu thuẫn xích mích gì với nhau. Chính vì vậy, khi biết việc anh Đức đánh cháu Gia K. khiến gia đình chị hết sức bất ngờ và bức xúc.
“Hiện gia đình anh Đức cũng đã đến hỏi thăm và xin lỗi tuy nhiên gia đình tôi không yêu cầu bồi thường mà mong muốn cơ quan chức năng làm rõ động cơ cũng như việc anh Đức vào bên trong trường kéo con tôi ra ngoài đánh hay chỉ bắt gặp ngoài cổng trường. Trong ngày hôm qua (14/7), gia đình tôi đã gửi đơn đến cơ quan chức năng của tỉnh Hoà Bình, Cục Trẻ em và Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đề nghị vào cuộc làm rõ trách nhiệm thuộc về ai khi để xảy ra sự việc”, chị N. nói thêm.
Chiều 15/7, bà Ninh Thị Hồng - Phó chủ tịch thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết cơ quan này vừa tiếp nhận được đơn của gia đình cháu Nguyễn Gia Kh.
Bà Hồng nhấn mạnh, qua nắm nắm bắt sự việc, bà lên án cách hành xử của ông Phạm Duy Đức.
“Chúng ta muốn dạy con trẻ tốt thì hãy làm điều tốt hoặc chí ít cũng đừng làm việc xấu, bạo lực trước mặt con. Tôi cũng quan tâm đến trách nhiệm của Nhà trường, của bảo vệ trong trường hợp này”, bà Hồng cho hay.
Sự việc này cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh để giáo viên chủ nhiệm phải sát sao hơn với mâu thuẫn của học sinh trong lớp và phụ huynh phải lý trí hơn, tỉnh táo hơn khi đối diện với các xung đột của con trẻ.
“Một vết thương thể xác thì sau thời gian có thể lành nhưng vết thương tinh thần thì tổn hại và ảnh hưởng rất lâu. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam sẽ sớm có văn bản chính thức về sự việc”, bà Hồng nhấn mạnh.