Luật Giáo dục năm 2019 (gồm 9 chương, 115 điều) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Luật Giáo dục năm 2019 thay thế Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009. So với quy định Luật Giáo dục hiện hành, Luật Giáo dục có nhiều điểm mới.
Theo quy định của Hiến pháp 2013 thì Nhà nước "bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí" và theo Nghị quyết số 29-NQ/TW thì Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục bắt buộc 9 năm sau năm 2020.
Cụ thể, điều 14 ghi:
Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc. Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước; quyết định kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục.
Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.
Gia đình, người giám hộ có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.
Về học phí, chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo:
Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Trẻ em mầm non 05 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện đối với trẻ em mầm non 05 tuổi và học sinh trung học cơ sở (Điều 99).