Những bản làng Tây Bắc từ lâu đã mang trong mình một nét quyến rũ lạ kỳ, trong đó có một "nàng thơ" e ấp, nấp sâu trong núi rùng đó là bản Lao Chải. Một "nàng thơ" mà chỉ cần trót một lần ghé qua thì sẽ trọn đời thương nhớ.
Trong chuyến hành trình ghé thăm bản Lao Chải mới đây, đoàn tham quan Amazing Tour 7 đã cùng nhau học hỏi và trải nghiệm về kỹ thuật vẽ sáp ong và nhuộm vải của người dân bản địa. Chuyến hành trình càng thêm thú vị và màu sắc khi có sự góp mặt của Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2022 Lương Kỳ Duyên. Đây chắc chắn là chuyến trải nghiệm đắt giá và tuyệt vời của đoàn.
Khởi hành từ quãng 8h sáng, ấy nhưng lúc này sương vẫn còn mịt giăng lối. Mặt trời không thể xiên ánh sáng xuống qua những cánh rừng và những rặng núi cao. Những người lữ hành đi theo tín hiệu đèn báo thời tiết xấu của xe trước, nối nhau theo đường đoạn đường đất mà đi. Đường tuy xấu, nhưng xe đi vẫn rất êm. Khi thấy cây cầu độc đủ một xe hơi đi qua, họ biết mình đã đến được Lao Chải.
Từng nhóm người bước qua những thửa ruộng trơ đã gặt xong vụ xuân. Đàn bà, con gái bản địa thấy du khách đến liền tới chào một vài món hàng thổ cẩm, nào là túi, nào là khăn hay vải treo trong nhà. Kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải lanh, rồi ghép trên trang phục truyền thống của người dân tộc Mông ở Sa Pa đã được sử dụng từ lâu đời. Các họa tiết không chỉ có tác dụng trang trí, mà còn thể hiện thế giới tâm hồn phong phú, sống động của người Mông và làm tôn lên giá trị của thổ cẩm truyền thống.
Cạnh một thửa ruộng, ngay sát chân đồi, đoàn tham quan đến một nhà người dân tộc Mông để tìm hiểu về kỹ thuật này. Căn nhà đơn sơ, bé nhỏ nép vào cảnh quan hùng vĩ của núi rừng nơi Tây Bắc, nhưng bù lại có khoảng sân rất nổi bật, được che bốn phía bởi vải thổ cẩm đang phơi, trông như điểm mực chấm lên bức tranh phong cảnh núi đồi.
Giữa sân, một người phụ nữ lớn tuổi đang cần mẫn vẽ từng nét họa tiết lên tấm vải trắng. Những người khác đang xay ngô hay cho lợn ăn nhưng khi thấy có khách ghé thăm liền ngưng công việc để ra đón tiếp. Gương mặt ai cũng hồ hởi và vui vẻ chào đón khách phương xa như người thân quen lâu ngày gặp lại.
Sau ít thời gian nghỉ ngơi, đoàn theo chân những nghệ nhân người Mông khám phá cách nhuộm vải truyền thông của họ. Được biết, để tạo nên một bộ trang phục truyền thống hoàn chỉnh và đẹp mắt, người Mông phải trải qua rất nhiều công đoạn như: Se lanh, dệt vải bằng khung cửi, vẽ sáp ong tạo hoa văn, nhuộm chàm, thêu chỉ màu tạo hoa văn nổi… Giờ, những công nghệ đã bắt chước được nét hoa văn này, tạo ra 10 bộ đều tăm tắp cả nhưng trang phục của nghệ nhân chính gốc làm ra nó lại mang cái hồn, cái nét đẹp riêng, không lẫn vào đâu được.
Công đoạn nào trong quá trình tạo ra vải thổ cẩm cũng quan trọng, trong đó khâu vẽ sáp ong để tạo hoa văn là kỳ công và đòi hỏi nhiều kỹ năng thuần thục được đúc kết qua nhiều thế hệ. Sáp ong có hai loại (màu vàng là sáp non, màu đen là sáp già), sau khi lấy hết mật, sáp được nấu cho đến khi nóng chảy rồi đem trộn lẫn với nhau. Khi bắt đầu vẽ sáp lên vải, sáp ong luôn phải đun ở nhiệt độ cao từ 70-80 độ, thì sáp mới không bị khô.
Bút để vẽ thực chất là một thanh tre hoặc gỗ dài từ 7-10 cm, đầu ngòi bút được nẹp vào thanh tre được làm từ ba lá đồng hình tam giác, ngòi bút càng mỏng thì hoa văn càng đẹp và dễ vẽ. Mỗi công đoạn sau cũng đòi hỏi óc sáng tạo và sự tinh tế để tạo ra những hoa văn đẹp mắt và liên kết với màu sắc tổng thể.
Nói về chuyến tham quan trải nghiệm văn hóa bản Lao Chải lần này, Hoa hậu Lương Kỳ Duyên cho biết cô đặc biệt thích những trang phục và họa tiết thổ cẩm nơi đây. Nàng Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2022 cũng bỏ ra nhiều thời gian để học hỏi, trò chuyện và làm theo từng bước dạy của nghệ nhân.
Giữa trưa, sắc trời đỏ ửng, ánh nắng lấp loáng qua các khe của lá, của những tấm vải thổ cẩm, xanh đen có đủ. Đoàn tham quan Amazing Tour 7 xin tạm biệt những người bản địa hiếu khách của Lao Chải để xin phép ra về và cũng không quên chân thành cảm ơn họ vì những trải nghiệm tuyệt vời có được của buổi ngày hôm nay.
(Ảnh: Vũ Bảo Khánh - HACHI8)