Chiêu trò này lợi dụng tâm lý lo sợ của người dùng khi nhận được thông báo giả mạo từ Meta for Business, cáo buộc rằng tài khoản của họ có dấu hiệu vi phạm các chính sách và quy định mà Meta đề ra.
Các đối tượng lừa đảo gửi email giả danh Meta for Business, cáo buộc tài khoản của doanh nghiệp đã đăng tải bài viết có nội dung không phù hợp, đính kèm đường dẫn tới tài khoản Messenger giả mạo. Nội dung email mang tính đe dọa, yêu cầu nạn nhân nhanh chóng truy cập đường dẫn để phản hồi và xác minh thông tin, nếu không tài khoản sẽ bị khóa vĩnh viễn.
Sau khi truy cập đường dẫn, nạn nhân sẽ được chuyển hướng tới nền tảng Messenger. Tại đây, các đối tượng sẽ yêu cầu thông tin đăng nhập cùng các dữ liệu nhạy cảm khác, từ đó chiếm quyền kiểm soát tài khoản doanh nghiệp. Việc tiếp cận thông qua nền tảng chính thức như Messenger làm gia tăng tính thuyết phục cho thủ đoạn lừa đảo, khiến cho nạn nhân dễ dàng tin tưởng và làm theo lời của các đối tượng.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận được tin nhắn với nội dung tương tự. Cẩn trọng xác minh nội dung tin nhắn, địa chỉ Email thông qua cổng thông tin chính thống. Tuyệt đối không chia sẻ thông tin đăng nhập, mã xác thực hay bất kỳ thông tin cá nhân nào qua email hoặc tin nhắn Messenger.
Các doanh nghiệp cũng nên sử dụng phần mềm bảo mật đáng tin cậy, áp dụng phương thức bảo mật nhiều lớp trên các thiết bị làm việc và tài khoản trực tuyến để phòng ngừa và phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn.
Khi phát hiện dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần nhanh chóng trình báo với lực lượng chức năng thông qua số điện thoại hoặc cổng thông tin chính thống để kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo.