Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Hình ảnh về những biểu tượng Sài Gòn một thời trước khi giải tỏa

Cùng với sự phát triển của đô thị, những biểu tượng của Sài Gòn một thời giờ đây chỉ còn được gợi nhớ trong kí ức của người dân thành phố.

Bùng binh Quách Thị Trang:

Đó là cái tên thân thuộc mà người dân Sài Gòn đã gọi vòng xoay trước cổng chính chợ Bến Thành từ mấy mươi năm qua: công trường xây dựng Quách Thị Trang. Lịch sử đã ghi tên người thiếu nữ tích cực tham gia phong trào đấu tranh chống thiên vị tôn giáo và chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Trong cuộc biểu tình tháng 8 năm 1963 trước cổng chợ Bến Thành cho học sinh - sinh viên, Quách Thị Trang đã hi sinh khi vừa mới 15 tuổi.

Bùng binh Quách Thị Trang trước ngày dở bỏ để xây tuyến đường sắt metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên.

Trong kí ức của người Sài Gòn ngày ấy, bùng binh Quách Thị Trang là điểm đến mơ ước vào mỗi dịp Tết với những hàng bóng bay rực rỡ sắc màu. Cùng với chợ Bến Thành thì vòng xoay đã đi vào tiềm thức của nhiều người như một dấu ấn độc đáo của thành phố. Nhưng ngày 18/2 vừa qua, bùng binh Quách Thị Trang bị tháo dở do phục vụ thi công tuyến đường sắt metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên.

Chuyện của chung cư số 42:

Nhắc tới chung cư 42 Nguyễn Huệ là nhắc tới biểu tượng của giới trẻ Sài Gòn, hơn thế là một lối sống của người Sài Gòn. Từ lâu rồi người ta ta đã quen nhìn những ô cửa sổ đầy hoa và lá xanh tỏa ra từ một góc ban công và phủ đầy ánh đèn sặc sỡ khi màn đêm buông xuống. Hay quen với những bức tường ố vàng sau chừng ấy tháng năm và quen cả những bậc thang nằm im thế thôi như đợi chờ Sài Gòn đổi khác. Nơi đó đã bắt đầu cho những giấc mơ.

Nhưng người mơ không thể tiếp tục hành trình thêu dệt đời mình như chiếc kén không thể hóa thành bướm.Trong cái chung cư ngày nào chỉ còn lại những khung sắt và cánh cửa khóa chặt hay vài chiếc lá úa vàng trên ban công màu xanh. Rất lâu sau này người ta sẽ nhớ về chung cư số 42 với những quán cà phê yên tĩnh với mùi hương đặc biệt mà mỗi quán như nói lên sự hiện diện cho người chủ của nó. Người Sài Gòn có đang tiếc nhớ một chốn bình yên?

Chợ của người muôn năm cũ:

Chợ Tôn Thất Đạm (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) còn được nhiều người gọi với cái tên thân thuộc hơn, Chợ Cũ. Nhưng ít ai biết rằng khu chợ xưa nhất Sài Gòn này từng là nơi lui tới của tầng lớp quý tộc, thượng lưu thời ấy nên Chợ Cũ còn có biệt danh “Chợ nhà giàu”. Nhiều người vẫn còn chuyền tai nhau về tiểu thương của một khu chợ chỉ rao bán chứ không chèo kéo, ấy vậy mà hàng hóa lại chất lượng nhất xứ Nam Kì.

Tiếng tăm của Chợ Cũ còn vang xa với tiệm cơm thố Chuyên Ký nức tiếng, cùng những câu chuyện về gà tiềm thuốc bắc, sườn xào chua ngọt đã đi vào kí ức của người Sài Gòn nhiều thế hệ.

“Chợ Bến Thành dời đổi,
Người sao khỏi hợp tan.
Xa gần giữ nghĩa tào khang,
Chớ ham nơi quờn quới, (mà) phụ phàng bạn xưa!”

Trước đây Chợ Cũ có tên gọi là chợ Bến Thành. Sau khi người Pháp cho xây dựng Chợ Mới (tức Chợ Bến Thành ngày nay) thì thời hoàng kim của Chợ Cũ chính thức sụp đổ. Năm 2017, UBND TP.HCM có lệnh di dời Chợ Cũ sau nhiều năm trì trệ.

Nghe tin, cô Dương Thị Kim Nga (48 tuổi), cho hay: “Cô bán ở đây hơn ba chục năm rồi. Hai ba năm nay khách ít dần, chủ yếu là bán cho khách quen. Cô sẵn sang dời đi chỗ khác nhưng hi vọng nhà nước có chính sách hợp lí để người dân mưu sinh”. Đa số tiểu thương ở Chợ Cũ đều buôn bán hơn hai, ba chục năm. Dưới những con số và biển hiệu kia vẫn là con người của Sài Gòn năm cũ: phóng khoáng, chân thật, đậm tình. Với họ, chợ là cuộc sống, là nguồn vui và cũng là cái nghề được lưu truyền từ ba, bốn đời.

Khi hỏi về những ngày sắp sửa, một tiểu thương chia sẻ: “Xa Chợ Cũ thì nhớ lắm chứ!” Họ nhớ gì? Nhớ bạn hàng? Nhớ những buổi mưu sinh? Hay phải chăng họ nhớ tiếng rao giữa đô thị nhộp nhịp và những câu chuyện của người muôn năm cũ.

Nhà ga 3A:

Khi giới trẻ đã quá ngán ngẩm với những buổi cà phê bệt và các khu vui chơi không còn đủ sức lôi cuốn thì nhà ga 3A xuất hiện với tổ hợp kinh doanh- giải trí như cửa hàng thời trang, cà phê, vẽ tranh graffiti,… như một thiên đường cho những ai yêu nghệ thuật và sự sáng tạo. Các bạn trẻ bắt đầu khởi nghiệp từ mô hình những quán cà phê độc đáo. Nhiều bức tranh graffiti được sáng tạo bởi những nghệ sĩ đường phố cũng trở thành nơi lui tới của các tay chụp ảnh nghiệp dư.

Đào thải là quy luật tất yếu của sự phát triển, thế nhưng với những người trẻ Sài Gòn thì ga 3A còn mang ý nghĩa là điểm hẹn của ước mơ và đam mê, ga của sáng tạo và khởi nghiệp, của hành trình khẳng định chính mình.

Việc nhà ga 3A phải đóng cửa vào đầu tháng 5 vì lí do quy hoạch đô thị khiến nhiều người tiếc nuối. Bạn Mỹ Linh (sinh viên, 20 tuổi) chia sẻ: “Cùng với vòng xoay Quách Thị Trang hay chung cư 42 Nguyễn Huệ thì nhà ga là một nơi rất riêng của Sài Gòn. Thật sự cảm thấy tiếc nuối khi những “biểu tượng” đó không còn nữa”.

 “Em còn nhớ hay em đã quên?
Bên hàng xóm đôi khi ghé thăm
Có hai mùa vẫn đi về
Có con đường nằm nghe nắng mưa”

Sài Gòn sáng nay bỗng chông chênh như bài hát xưa mấy ai còn nhớ? Lời ca da diết ấy vẫn âm ỉ chảy trong lòng thành phố dù qua bao tháng năm. Những biểu tượng Sài Gòn cũng sẽ mãi ở đó, trên vòm lá chờ mùa về hay ở góc đường nằm nghe nắng mưa.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Nghĩa CoCo

Được quan tâm

Tin mới nhất