Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam xảy ra sự cố cùng lúc ở cả ba đường kết nối internet đi quốc tế khiến tốc độ truy cập internet trở nên rất chậm, chập chờn, không ổn định.
Theo các nhà mạng, các tuyến cáp biển sẽ lần lượt được sửa chữa, nhưng dự kiến phải đến ngày 7-2 (11 tháng Giêng), tuyến cáp quang biển đi quốc tế chủ lực của Việt Nam là AAG mới khắc phục được sự cố, khôi phục lại tốc độ internet như bình thường.
Cụ thể, tuyến APG vừa đưa vào sử dụng tháng 12-2016 bị hai sự cố đồng thời ngày 31-12-2016 (tại Singapore và Chongming - Trung Quốc dẫn tới mất lưu lượng đi Singapore). Dự kiến tới 23-1 sẽ khắc phục xong.
Tuyến AAG bị sự cố ngày 8-1 dẫn tới mất lưu lượng từ Việt Nam, Hong Kong, Singapore và Mỹ, dự kiến hoàn tất việc sửa chữa sẽ vào ngày ngày 29-1.
Trong khi đó, tuyến cáp quang biển Liên Á (IA) bị lỗi sự cố tại nhánh đi Hong Kong vào ngày 10-1, tuy nhiên ngay trong ngày đã cấu hình lại nguồn nên đã hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, vào ngày 11-1 lại phát hiện tiếp lỗi rò rỉ nguồn tại nhánh đi Singapore. Hiện nay chưa có thông báo từ Ban Quản lý tuyến cáp về lịch trình sửa chữa.
Viettel là doanh nghiệp duy nhất tham gia khai thác tuyến cáp quang IA. “Dự kiến sau 2 ngày nữa, khách hàng của Viettel có thể sử dụng dịch vụ quốc tế bình thường,” thông báo từ Viettel cho biết.
Đại diện của Viettel cũng cho biết sau khi xảy ra sự cố, đơn vị này đã triển khai giải pháp ứng cứu, định tuyến kết nối, đảm bảo 100% chất lượng cho các dịch vụ sử dụng lưu lượng quốc tế như 3G, thuê kênh, roaming, VoIP, Internet có các nội dung Google đã được lưu trữ tại hệ thống máy chủ đặt ở Việt Nam và một phần lưu lượng cho dịch vụ cố định.
Bên cạnh đó, Viettel cũng nhanh chóng đẩy lưu lượng cache (lưu trữ dữ liệu) cho gần 100 máy chủ của Facebook đã được lắp đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.
Đơn vị này cũng triển khai phương án bổ sung gần 300Gbps cho các nhánh APG đi Hong Kong, Nhật Bản và hướng đất liền qua Trung Quốc. Viettel cũng tiếp tục tìm phương án kết nối chéo qua các hướng khác như Lào, Campuchia.
Trong khi đó VNPT VinaPhone cho biết mạng Internet của VNPT vẫn còn duy trì ba hướng cáp đi quốc tế (hệ thống cáp đất, hệ thống cáp quang biển SMW3 và một phần của hệ thống cáp quang biển APG), đảm bảo duy trì tốt các hướng đi các nước châu Á, Âu, Mỹ, các kết nối với Google và Facebook.
Ngay khi sự cố xảy ra với cáp quang AAG vào ngày 8-1, VNPT đã định tuyến lưu lượng Internet sang các hướng khác: CSC (cáp đất liền qua Trung Quốc) và SMW3 (tuyến cáp châu Á sang Ấn Độ vào Châu Âu) đảm bảo thông suốt mạng lưới, phối hợp với các đối tác quốc tế để bố trí dung lượng ứng cứu kết nối khắc phục sự cố gián đoạn đường truyền tới khách hàng. VNPT VinaPhone đã lập danh sách các khách hàng cần đặc biệt ưu tiên để đảm bảo tốc độ truy cập Internet hướng quốc tế.
Đại diện VNPT VinaPhone cho biết: “Chúng tôi đang triển khai các biện pháp nhằm duy trì dịch vụ, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt cho khách hàng, đồng thời chủ động liên lạc để thông tin và hỗ trợ khách hàng. Thời gian khắc phục dự kiến từ ngày 23-1 đến ngày 7-2”.