Tôi gọi hẻm là “đặc sản” của Sài Gòn, bởi hẻm ẩn mình sau những con đường lớn và có một cuộc đời rất khác. Ở Sài Gòn, có những con hẻm bé tí là nơi sinh sống của dân lao động tứ xứ, những phận đời chen chúc nhau trong căn nhà vỏn vẹn vài mét vuông. Hay có con hẻm rộng lớn với những căn biệt thự choáng ngợp, xe hơi tấp nập ra vào…
Hẻm mang tâm tình của Sài Gòn, mỗi con hẻm đều có văn hoá, hồn cốt và những tấm lòng riêng. Nếu một ngày, bạn cảm thấy thành phố này quá ngột ngạt, hãy thử vi vu vào những con hẻm đi. Tôi tin bạn sẽ tìm được những điều thi vị giữa cuộc sống bộn bề này…
6 rưỡi sáng, trời xanh trong, những vạt nắng đầu tiên bắt đầu đổ xuống con hẻm nhỏ…
Dưới cái giàn bông giấy hồng phấn là quán cà phê của bà Sáu. Một ngày ở hẻm bắt đầu từ tiếng “lóc cóc” khuấy li cà phê đen đá sóng sánh của chú Ba, ông Sáu. Thằng Ti dựng chiếc xe đạp “cái cạch”, phụng phịu dắt theo gói xôi má nó “bắt phải ăn” trước khi đi học. Xe hoành thánh, mì Tàu của chị Tư bắt đầu hoạt động hết công suất. “Sạp hàng” như một cái chợ di động của anh Hoà rẽ vào con hẻm. Vài chị nội trợ mở cửa, xúm xít lựa mớ rau cá tươi roi rói để trưa nay đỡ được bận chợ xa.
Hẻm mang hơi thở đầy đặn của Sài Gòn, là những căn nhà san sát nhau được gắn bó bởi tình làng nghĩa xóm. Tôi hay bước đi thật chậm rãi, và lắng nghe những thanh âm của hẻm. Kể cả những buổi trưa yên ắng, bạn vẫn nghe được tiếng ru con à ơi len lỏi, tiếng đưa võng kẽo kẹt, tiếng ho của một người già trở mình, tiếng đám con nít trốn cuối hẻm để bắn bi…
Sài Gòn chi chít hẻm, hẻm này nối với hẻm khác, qua nhiều khúc quanh, cua quẹo rồi đổ ra đường lớn hồi nào cũng chẳng hay. “Phải sống ở Sài Gòn một thời gian, tôi mới hiểu được những câu chuyện chỉ có ở hẻm. Đó là khi mà nhà này có đám tang, hàng xóm chẳng ai bảo ai cứ xắn tay áo vào dựng rạp, khiêng bàn ghế, chia buồn…
Rồi những hôm cuối tháng, bà chủ trọ lại dấm dúi mớ rau củ, thịt cá cho đám sinh viên thuê trọ: Tao cho, đừng trả lại tao giận ráng chịu. Hay những hôm mình đi làm mà quên khoá cửa sau, liền bị gọi điện và trách: Đầu óc bây để ở đâu á, tao dặn thằng con lấy ổ khoá bóp cổng dùm rồi. Nhiêu đó thôi cũng thấy quá trời đáng yêu rồi, đúng không?” – bạn Hoàng Tuấn (ngụ Q.10) chia sẻ.
Sài Gòn có hàng nghìn con hẻm, nhưng tôi luôn có một niềm tin sâu sắc rằng: Mỗi con hẻm đều có đặc trưng riêng. Tỉ dụ như hẻm 12 đường Nguyễn Thị Minh Khai, bước vào đó, bạn sẽ như “lạc” vào một thế giới khác bởi đây là nơi sinh sống của nhiều người nước ngoài. Đa phần là các sinh viên quốc tế tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (TP.HCM). Vì thế, đi từ đầu đến cuối hẻm, bạn sẽ thấy “một trời” những món ăn từ Á đến Âu để phục vụ nhu cầu cho những cư dân nơi đây.
Ghé một sạp hàng nhỏ trong hẻm, ngồi xuống nói chuyện với cô bán rau, tôi mới thấy được những đặc trưng thú vị tại đây: “Người nước ngoài ở đây rất giỏi ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam. Có khi mình chả cần nói nhiều về loại rau này, cải kia, tự họ lựa chọn, rồi hỏi giá bằng tiếng Việt. Tụi nó nói chuyện với nhau mình cũng chẳng hiểu, nhưng mỗi ngày đi ra đi vào đều chào nhau bằng một nụ cười”.
Hay con hẻm 157 đường Dương Bá Trạc, người dân ở đây đa số theo đạo Hồi. Họ viết chữ từ phải sang trái, sử dụng lịch riêng, đàn ông chẳng uống rượu bao giờ và những người phụ nữ luôn kín đáo trong trang phục truyền thống. Tuy nhiên, họ rất thân thiện. Chẳng cần biết bạn là ai, từ đâu tới, họ luôn sẵn sàng bắt chuyện, chào hỏi, chụp ảnh cùng.
Hẻm Sài Gòn có chỗ chật, chỗ rộng. Nó có thể chật đến mức chỉ một chiếc xe máy qua được, nhà cửa lổm chổm không hàng lối, có đôi ba nhà còn dựng nơi rửa chén trước hiên, nước bắn tung toé cả đoạn đường. Hay hẻm cũng có khi “thênh thang”, hai chiếc xe hơi chui lọt, mà người ta cũng chẳng chào nhau qua lớp kính xe, cũng không cần biết hàng xóm của mình là ai.
Tôi cho rằng hẻm là một lát cắt thú vị giữa Sài Gòn đầy hoa lệ, nơi mà người ta gắn bó cùng nhau bởi những thứ tình cảm dung dị. Và để ngồi huyên thuyên về những con hẻm Sài Gòn, lòng tôi cũng đã chật chội những kí ức về nó. Con hẻm nhỏ có giàn bông giấy thiệt “trữ tình”, có tiệm tạp hoá sờn cũ, có những mái nhà bạc phếch theo tháng năm…