Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Màu cuộc sống

Hành trình rong ruổi mưu sinh của 'Tú nhỏ': Cô học trò lề đường đáng yêu

9 tuổi, những đứa trẻ đang làm gì? Học lớp 4 với 5 buổi lên lớp mỗi tuần; mê khu vui chơi; “nghiện” các trò chơi điện hay trông chờ vào cuối tuần để được dẫn đi ăn gà rán, pizza yêu thích…

Thế nhưng, giữa Sài Gòn hối hả vẫn có một cô bé 9 tuổi, dáng người còi cọc, nhỏ thó và thậm chí còn rành nghề vé số trước khi viết được tên mình. Và đương nhiên, cô bé ấy chẳng bao giờ có “gà rán”, hay điện thoại thông minh để chơi games…

Theo chân “Tú nhỏ” trên hành trình rong ruổi mưu sinh

Khắp các mặt báo những ngày gần đây, không khó để bắt gặp hình ảnh một “lớp học” đặc biệt giữa cô học trò mặt mày lấm lem (Bùi Ngọc Tú - 9 tuổi) và thày giáo “không chuyên” (Lê Hà Tú -27 tuổi) mượn đỡ bậc thềm vỉa hè làm lớp học mỗi buổi trưa. Thày là một nhân viên ngân hàng chưa biết đến kiến thức sư phạm, trò là cô bé 9 tuổi phải sớm vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Và cứ thế, có khoảng thời gian, những hối hả cuộc sống tạm gác lại đằng sau nhường chỗ cho tiếng ê a đánh vần, tiếng giảng bài say mê…

Niềm vui từ xấp vé số

Có thể, câu chuyện cuộc về cuộc đời họ chẳng mấy đặc biệt so với hàng trăm, hàng ngàn kiếp người ngoài kia, nhưng ánh mắt vô tư của cô học trò nhỏ chẳng bận tâm đến thiệt thòi, những khó khăn phải trải qua đã níu tôi dừng lại hồi lâu trước những bức ảnh được đăng tải. Và tôi quyết định tìm đến em.

Nếu không có xấp vé số trên tay nhiều người còn nghĩ rằng: em đang hồ hởi dạo chơi.

Trời bắt đầu về chiều, ngân hàng cũng bắt đầu vào giờ tan tầm và bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (TP HCM) cạnh bên cũng vào giờ thăm bệnh. Người ra kẻ vào tấp nập, quầy hàng ăn uống rôm rả mời chào. Và những người bán vé số cũng bắt đầu vào giờ “cao điểm”. Thế nhưng, giữa nhịp sống hối hả, cô bé nhỏ thó như lọt thỏm giữa biển người, xấp vé số cầm trên tay vừa đi vừa vui đùa bỗng trở thành hình ảnh đặc biệt.

Không kì kèo mời mọc, không ủ rũ cầu xin lòng thương để nhanh chóng vơi dần xấp vé số, em hồ hởi đi khắp các góc đường, thỉnh thoảng trèo lên những bậc thềm cao rồi dang rộng tay, xem mình như chú chim nhỏ nhảy sà xuống đất; rồi cũng có khi dừng chân khá lâu trước hồ nước của một cơ quan rồi tặc lưỡi: “mấy hôm trước, chú cá ở đây còn sống kia mà”.

Ừ thì, em đang bán vé số mà như đang tận hưởng niềm vui!

Biết “thối” tiền trước khi đánh vần được tên

Một ngày của Ngọc Tú bắt đầu từ 7h sáng được đại lí giao cho một xấp 100 tờ vé số để đi bán dọc theo những con đường quận 5. Có khi bán đắt, đầu giờ chiều em đã được nghỉ ngơi, rồi cũng có những hôm mưa ế ẩm, cô bé vẫn tiếp tục rảo bước khắp các ngõ hẻm đến tận 9 giờ tối. Thế nhưng, khoảng thời gian 12h30 - 13h mỗi ngày vẫn là niềm háo hức khi được học chữ, học toán với thầy Hà Tú - những điều trước đây với em là hoàn toàn xa lạ.

Hơn 1 năm trước, Ngọc Tú cùng chị hai (Ngọc Tiền) theo chân bà nội (Bùi Thị Báo - sinh năm 1945) lên Sài Gòn mưu sinh. Được biết, hai đứa nhỏ được một tay bà chăm nom từ bé, vì bố mẹ làm công nhân ở tận Bình Dương. Trước đây, mấy bà cháu cũng có mái nhà che mưa che nắng ở Kiên Giang nhưng cuộc sống khó khăn quá, bà phải bấm bụng bán đi.

“Thương hai đứa nhỏ phải theo tôi sống tạm bợ từ đó đến giờ. Như Tết vừa rồi, đáng ra cũng phải dắt tụi nhỏ về quê thăm bà con dòng họ, rồi thắp hương lên mồ mả ông bà, mà giờ nhà bán rồi, tôi chẳng biết phải về đâu. Đêm nào tôi cũng thủ thỉ với mấy đứa nhỏ, bà cháu mình ráng bán vé số một thời gian nữa thôi rồi dành dụm về quê mua một căn nhà nhỏ nhỏ, chứ sao để tụi nhỏ sống li hương hoài được” - bà Báo ngậm ngùi tâm sự.

Ban ngày có khi ba bà cháu chia mỗi người mỗi hướng đi bán, nhưng ban đêm, bà không yên tâm phải đi cùng để trông chừng hai đứa cháu.

Tết 2017 vừa qua với Ngọc Tú vẫn là những ngày bình thường, chỉ khác đi là có thêm vài bộ quần áo được mọi người gửi tặng, có thêm thời gian nghỉ ngơi sau một buổi bán chứ không cần rong ruổi cả ngày.

Giống như bao đứa trẻ khác, Ngọc Tú cũng đang tuổi ăn tuổi chơi, nhưng vì gánh nặng áo cơm nên sớm phải lao vào cuộc sống mưu sinh: “Như con người ta tầm tuổi này là mê chơi, bảo chẳng vâng lời, nhưng Tú cũng ý thức được hoàn cảnh gia đình nên từ những ngày đầu bán vé số đến giờ vẫn chưa hề kêu than. Có khi chân đau nhức, người mỏi mệt thì có bảo tôi: “nội cho con nghỉ một buổi nha”, vậy là nằm ở nghỉ ngơi cả buổi chiều, rồi sáng hôm sau lại thức sớm để loay hoay soạn vé đi bán. Tôi nhìn mà xót đứt ruột, nhưng giờ mình khó khăn quá, biết phải làm sao” - bà Báo rưng rưng.

Chưa đọc rành chữ nhưng khả năng tính nhẩm, đếm tiền của cô bé 9 tuổi khiến nhiều người phải trầm trồ. Không được tới lớp, nhưng “trường đời” sớm dạy cho cô gái nhỏ thông thạo khả năng nhận biết tiền và tính tiền trong chớp mắt. “Con chưa đọc được hết những chữ ghi trên tờ tiền đâu. Lúc đầu chỉ được chị Tiền dạy cho cách phân biệt những con số thôi, rồi từ từ nhớ màu mà biết đếm, biết thối. Vậy mà cũng có khi thối lộn hoài, như tờ 20.000 đồng và 500.000 đồng giống giống màu, nhiều khi con có phân biệt được đâu” - Tú bẽn lẽn kể lại.

Nhỏ tuổi nhất, nhưng Tú cũng là người bán giỏi nhất nhà. Phần vì vẻ hiếu động, hồn nhiên khiến nhiều người để mắt đến; phần vì cảm thương hoàn cảnh mong em hết sớm để được về nhà nghỉ ngơi. Rồi cứ thế, những tờ vé số trên tay cứ vơi dần, vơi dần theo giọng nói lí nhí: “thầy (Hà Tú) dặn, khách mua vé số, con phải nói lời cám ơn”.

“Mấy ngày trước con bị giật vé số mà đâu dám kể nội nghe”

Có bao giờ việc mưu sinh là dễ dàng, nhất là khi trót chọn cho mình một công việc lắm truân chuyên. Một cụ bà ngoài 70 “mắt mờ, chân chậm” và hai đứa trẻ ngây ngô chưa phân biệt được lọc lừa. Họ chọn Sài Gòn nhộn nhịp nhưng xô bồ để tìm kế sinh nhai, nhưng không ít lần người Sài Gòn giật phăng đi “chén cơm” để họ trở về tay trắng.

“Bà cháu tôi bị giật vé số tính đến nay chẳng thể nhớ hết. Ít ít thì 5, 10 tờ, nhiều hơn thì có lúc mất trọn xấp vé số trên tay. Như vào năm ngoái, tôi với Tú sau khi ăn cháo xong thì chia ra mỗi người mỗi ngả để đi bán. Đến lúc qua lộ tôi còn dặn nó phải cẩn thận, ấy vậy mà một người đàn ông chạy xe máy ngang qua giật phăng đi xấp vé. Bà cháu chỉ còn biết nhìn theo ú ớ, kêu la.

Rồi dạo gần cuối năm 2016, hôm đó trời mưa lất phất cả ngày, bà cháu đội mưa đi bán nhưng chẳng mấy ai mua. Thấy vậy tôi mới bảo Tú, “bán ế quá con ơi, giờ đi một vòng chợ An Đông, coi bán được không rồi về”. Bà cháu rảo bước thì được một người phụ nữ trung niên đứng nép trong góc ki-ốt ngoắc vào. Thấy vậy, tôi với Tú mừng thầm trong bụng, ế ẩm cũng may gặp được người mua.

Sau khi người phụ nữ này xem đi xem lại xấp vé rồi lớn tiếng bảo sẽ lấy hết luôn để giúp đỡ hai bà cháu. Lúc này đang vui mừng vì ế ẩm còn gặp được khách sộp, tôi cũng không đề phòng gì, người ta bảo lại đằng kia nhận tiền cũng răm rắp nghe theo. Đến nơi mới phát hiện mình bị lừa: xấp vé số bị lấy mất mà người trả tiền cũng chẳng thấy đâu. Đợt đó cả thảy là 1,6 triệu đồng, Tú với tôi chỉ còn biết vừa khóc vừa lầm lũi đi về. Vừa mất vé số vừa cụt vốn, bà cháu tôi chỉ còn cách năn nỉ đại lí cho lấy thiếu vé số và mỗi ngày trả góp 100.000 đồng” - bà Báo bùi ngùi tâm sự.

Rồi khó khăn đâu dừng lại ở bấy nhiêu đó. Cô bé Ngọc Tú “nhỏ thó” thỉnh thoảng vẫn vẫn là mục tiêu của những trò lọc lừa. Khi là khách lúi húi xem số rồi móc 30.000 đồng trả cho 3 tờ vé số, nhưng khi kiểm lại em phát hiện mất gần 10 tờ.

Hay vào cuối tuần trước, em đi bán một mình thì bị giật phăng trên tay 30 tờ vé số (phải đền lại cho đại lí 300.000 đồng). “Nó sợ quá đứng khóc một hồi thì được một cô thương tình cho 100.000 đồng. Nó chỉ than với chị Hai rồi được chị Hai cho mượn tiền bù vào đền đại lí. Mà về đến nhà cũng đâu dám kể nội nghe, sợ nội la. Mà tôi thương còn không hết, làm gì mà trách mắng” - bà nội của em tâm sự.

Ừ thì Sài Gòn khắc nghiệt lắm, sống được ở Sài Gòn cũng chẳng phải bài toán dễ dàng. Như bé Tú hôm trước còn khóc nức nở vì bị mất xấp vé số trên tay, hôm sau lại cười tươi rạng rỡ đến trước cổng ngân hàng học chữ rồi tiếp tục lon ton đi bán. “Tôi vẫn hay bảo Tú, mình ăn ở hiền lành thì mất cái gì sẽ nhận lại cái khác thôi. Như con mất xấp vé số mà nhiều cô chú tìm đến tặng con tập vở, sách bút, quần áo, sắp tới còn được đi học nữa… mà điều đó còn quý hơn biết nhường nào” - bà Báo tâm tình.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Bảo Ngọc

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quyên Qui mê tít chợ đêm Vui Phết tại Phú Quốc