Chiều 5/4, thông tin từ Trung tâm Y tế thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), vẫn đang cấp cứu cho 5 ngư dân sau vụ chìm tàu, riêng thuyền viên Phạm Văn Việt bị chấn thương vùng xương sống phải đưa đi Hà Nội, còn những người khác đã được xuất viện trở về.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 11h35 ngày 4/4, hai tàu cá NA 90627TS và NA 94281TS của ngư dân phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đang đánh cá tại khu vực vùng biển cách đảo Hòn Mê (Thanh Hóa) khoảng 90 hải lý về phía Đông Bắc, thì bị một tàu chưa rõ tên va chạm.
Vụ va chạm mạnh khiến một tàu cá bị chìm hẳn, tàu còn lại hư hại nặng, phần cabin nổi lập lờ trên biển. 19 ngư dân trên 2 tàu cá trôi dạt trên biển trong điều kiện thời tiết tại khu vực gặp nạn chuyển xấu do ảnh hưởng của đợt gió mùa.
Danh sách những thuyền viên bị thương gồm: Nguyễn Văn Thủy (35 tuổi, Thuyền trưởng tàu NA 90627 TS), Phạm Văn Hòa (50 tuổi), Nguyễn Văn Quyền (48 tuổi), Bùi Văn Viện (32 tuổi), Nguyễn Văn Sỹ (23 tuổi). Tất cả đều trú thị xã Hoàng Mai.
Kể về sự việc, thuyền trưởng Nguyễn Văn Thủy cho biết, 2 tàu cá xuất phát đi biển khác nhau nhưng đến 5h ngày 4/4 thì gặp tại tọa độ 19º47´N - 106º59´E, vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Vào thời điểm này, trên tàu của anh Thủy có 10 thuyền viên, còn tàu kia có 9 người.
“Lúc này, cả 2 tàu bất ngờ bị tàu vỏ sắt đâm chìm. Lúc đó trời tối quá nên chúng tôi không biết được họ có cố tình đâm hay không. Tất cả anh em thuyền viên bị một lực lớn hất tung xuống nước. Vụ va chạm mạnh khiến một tàu cá bị chìm hẳn, tàu còn lại hư hại nặng”, anh Thủy nhớ lại.
Mọi người sau đó tìm các mảnh vỡ, áo phao và bất cứ vật gì đang nổi trên mặt nước để bám trụ. Thời điểm này có một số người bị thương, cùng với việc thời tiết xấu nên sức khỏe của mọi người dần cạn kiệt.
Liên quan đến sự việc, Thuyền trưởng Hoàng Văn Phương, điều khiển tàu NA 94281TS cho biết thêm, may mắn một số anh em thuyền viên có sức khỏe hơn đã dùng sức lật úp chiếc thuyền mủng đang mắc kẹt trong phần mạn tàu lập lờ trên mặt nước, rồi cố gắng chèo vào bờ kêu cứu.
“Đi khoảng 2 - 3 hải lý thì mọi người gặp tàu đi nghề giã của ngư dân Thanh Hóa, họ phát tín hiệu cấp cứu nên các cơ quan chức năng lập tức đến”, anh Phương kể.
Nhận được thông tin, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã làm việc trực tiếp với các cơ quan chức năng tại địa phương, yêu cầu các tàu thuyền hoạt động trong khu vực 2 tàu Nghệ An bị đâm chìm để thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn.
Đồng thời, dưới sự chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam, Trung tâm đã điều động tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 411 cơ động nhanh đến hiện trường chỉ huy hoạt động tìm kiếm.
Tuy nhiên, do thời tiết khu vực nơi xảy ra tai nạn có chuyển biến xấu, vì vậy công tác tìm kiếm cứu nạn vô cùng khó khăn. Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, đến khoảng 11h30 cùng ngày, lực lượng tìm kiếm đã vớt được toàn bộ 19 thuyền viên tại vị trí 19º50´N - 107º02´E.
Trong số 19 thuyền viên gặp nạn có 6 thuyền viên bị thương rất nặng nên các bác sĩ trên tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 411 tiến hành sơ cứu tại chỗ, đồng thời đưa các nạn nhân vào Cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Đến 1h ngày 5/4, tàu SAR 411 đã đưa toàn bộ 19 thuyền viên về Cảng Nghi Sơn. Các thuyền viên bị thương được đưa lên bệnh viện cấp cứu ngay trong đêm.
“Tàu của tôi mới mua lại năm 2017 với giá 1,4 tỷ. Sau đó về sửa sang, nâng cấp tàu lên tầm 2 tỷ. Giờ tuy toàn bộ ngư dân được cứu sống nhưng tàu cá và dụng cụ đã bị chìm xuống đáy biển. Chúng tôi không biết phải sống như thế nào nữa”, thuyền trưởng Hoàng Văn Phương thở dài.
Trước sự việc trên, sáng 5/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Đinh Viết Hồng và đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà và động viên các ngư dân bị thương nặng đang điều trị tại Trung tâm Y tế thị xã Hoàng Mai (Nghệ An).