Theo quan niệm của người dân, lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về lòng hiếu thảo của ông Mục Liên - người vốn là một tu sĩ khác đạo, sau này quy y và được vào hạng thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử của Phật.
Sau khi đã chính quả A La Hán, Mục Liên nhớ về mẫu thân, bèn dùng huệ nhãn nhìn xuống cõi khổ và thấy mẹ mình bị đọa vào kiếp ngạ quỷ (quỷ đói) nơi địa ngục A Tì. Vì muốn cứu mẹ, Mục Liên phải thành kính đi rước chư tăng khắp mười phương về, đặc biệt là các vị đã đạt được sáu phép thần thông, nhờ công đức cầu nguyện của các vị này thì vong linh mẹ Mục Liên mới thoát khỏi khổ đạo.
Tiếp đến, Mục Liên sắm đủ các món: hương dâu đèn nến, giường chõng chiếu gối, chăn màn quần áo, thau rửa mặt, khăn lau tay… dâng cúng các vị chư tăng. Vào đúng dịp Rằm tháng 7, lập đàn cầu nguyện. Nhờ có sự giúp đỡ cầu nguyện của các vị chu tăng mà vong mẫu của ông được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ mà sinh về cảnh giới lành. Từ đó khắp thiên hạ, ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này và ngày lễ Vu Lan ra đời.
Ngày nay, tục lệ tổ chức lễ Vu Lan có ở khắp mọi miền đất nước. Cứ đến ngày này, những người làm con lại thành kính hướng về gia đình. Vu Lan báo hiếu có thể chỉ là mua quà, nấu bữa cơm ngon cho cha mẹ thưởng thức… nhưng thông thường nhất vẫn là cùng cha, mẹ lên chùa thực hiện nghi thức bông hồng gài áo và thắp hương niệm phật.
Hôm nay (15/7 âm lịch), rất đông người dân Sài Gòn đã có mặt tại chùa để làm lễ. Khi đến phần nghi thức bông hồng gài áo, nhiều người làm con đã không nén nổi xúc động.
Theo ý nghĩa dân gian, bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý. Đến ngày Vu Lan, những người cài một bông hoa màu hồng lên áo, ấy là biểu tượng của việc còn Mẹ - Cha. Ai đã mất mẹ thì cài hoa trắng.
Nghi thức hoa hồng cài áo thể hiện lòng thành kính hướng đến các bậc sinh thành. Đây được xem là phần quan trọng trong lễ Vu Lan báo hiếu của người Việt.
undefined