Bờ sông Đồng Nai đoạn từ TP Biên Hòa đến huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Nhiều căn nhà, khu vườn của người dân bị nước cuốn đổ ập xuống sông.
Tình trạng sạt lở ở bờ sông Đồng Nai đoạn từ TP Biên Hòa đến huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) xảy ra nhiều tháng nay. Sạt lở khiến nhiều căn nhà bị vỡ nứt, đổ ập xuống sông.
Một sạp hàng ở chợ Tân Hạnh đổ ập xuống sông.
Tiểu thương Nguyễn Thị Nguyệt cho biết bà và những tiểu thương khác phải bố trí lại chỗ bán trong phần còn lại của chợ. “Những ki-ốt gần sông đang có nhiều vết nứt chạy dọc bờ sông. Bây giờ vừa bán hàng vừa lo chợ sập”, bà Nguyệt nói.
Tình trạng sạt lở cũng diễn ra khu vực bờ sông Đồng Nai, đoạn chảy qua xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Ở khu vực thuộc quyền quản lý của Lữ đoàn 25 (Bộ Tư lệnh Quân khu 7), tình trạng sạt lở kéo dài khoảng 150 m. Một chiến sĩ quân đội nói rằng có khoảng 1.500 m2 đất bị kéo xuống sông.
Theo ông Lê Hoàng Long, Phó chủ tịch UBND xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu), tình trạng sạt lở bờ sông có thể do hoạt động khai thác cát trái phép. Ông Long cho biết chính quyền xã đề nghị xử lý triệt để nạn bơm, hút cát trái phép để bảo vệ bờ sông.
Một người dân cho biết vào giờ khuya, các ghe có máy hút công suất lớn đâm vòi xuống sông để bơm cát. Ông nói: “Họ làm trên sông, tiếng máy nổ inh ỏi. Khi lực lượng chức năng đến thì họ chạy mất hút”.
Một căn nhà chênh vênh bên vực sông ở đoạn thuộc xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu).
Phần tường nhà còn lại của một hộ dân ở huyện Vĩnh Cửu. Anh Hoan, người sống gần khu vực, cho biết căn nhà bị nước cuốn đổ sập nên chủ công trình buộc bỏ đi nơi khác sinh sống.
Tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng ở khu vực sông thuộc xã Hiệp Hòa (TP Biên Hòa). Trong ảnh, tường bao của một gia đình có mặt tiền sông bị nứt.
Ông Lê Văn Chín, sống cạnh chân cầu Đồng Nai lớn (cầu Ghềnh cũ), chỉ tay ra phía sông và nói rằng ranh giới đất của gia đình cách vị trí ông đứng gần 30 m. “Ngày trước, dưới chân cầu Ghềnh là con đường đất nhưng đã bị đổ sập. Vườn cây của nhà tôi rất rộng nhưng giờ bị cuốn xuống sông hết rồi”, ông Chín nói.
Ở khoảng sân nhỏ còn lại, ông Chín đặt bàn ghế để bán cà phê song khu vực này đang xuất hiện các vết nứt dài.
Theo ông Chín, gia đình đã đổ bê tông, đóng đủ loại cọc kè xuống sông nhưng chỉ trong thời gian ngắn là bị nước nhấn chìm. “Cứ đà này, chẳng mấy chốc mà nhà đổ xuống sông”, ông lo lắng.
Phần sân bê tông của một gia đình trở thành hàm ếch khi bờ sông bị xói lở.
Một đoạn bờ sông bên chân cầu Đồng Nai lớn bị nước xói lở. Ông Triệu Trung Tính, Bí thư Đảng ủy, quyền Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa cho biết tình trạng sạt lở bờ sông ở địa phương xảy ra liên tục. Ông nói rằng nhiều vị trí đất đã biến mất khỏi bản đồ, có nơi bị nướ cói đổ sập từ 20-30 m. Theo ông Tính, chính quyền xã đang đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện bờ kè để tránh sạt lở.