Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Hai người gọi điện xin được hiến phổi cứu sống nam phi công người Anh nhiễm COVID-19

Định Nguyễn Theo dõi Saostar trên google news

Dù không quen biết, thế nhưng có hai người đã gọi điện đến Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người với nguyện vọng xin được tặng lá phổi để cứu sống nam phi công người Anh nhiễm COVID-19.

Mới đây, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã chia sẻ lên mạng xã hội câu chuyện về hai người đã gọi điện đến Trung tâm với hy vọng hiến tạng lá phổi để cứu nam phi công người Anh (bệnh nhân 91 nhiễm COVID-19).

Theo đó, nam phi công người Anh những ngày qua đang trong tình trạng nguy kịch và có chỉ định ghép phổi được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

“Anh ơi, anh cho em hỏi nhờ ạ, nếu đăng ký hiến tạng sống, hiến tặng phổi thì sẽ lấy như thế nào ạ? hay phải chờ bệnh nhân chết não để lấy hết phổi ạ? Nếu cũng như thận, chỉ lấy 1 phần phổi thì em xin phép đăng ký hiến tặng nhé ạ!… Cuộc sống vô thường, hơn 40 năm qua em đã nhận được rất nhiều yêu thương, giúp đỡ và may mắn, thôi thì cứ để tình thương lan toả tình thương,… mang yêu thương chia sẻ và giúp đỡ lại những người khác anh ạ!”, người phụ nữ nhắn nhủ.

Một cựu chiến binh ngoài 70 tuổi ở Đắk Nông đã xin số điện thoại của Trung tâm qua Hội chữ thập đỏ để có nguyện vọng xin hiến tạng. Ông đã hai lần gọi điện đến Trung tâm tha thiết xin được hiến một phần phổi cho bệnh nhân 91 khi nghe thông tin bệnh nhân này có thể được chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh để ghép phổi.

Người cựu chiến binh cũng chia sẻ rất tự hào về nền y tế Việt Nam. Chính phủ đã làm rất tốt, rất nỗ lực, không bỏ lại ai phía sau và đến nay chưa có bệnh nhân COVID-19 nào tử vong, trong khi thế giới có rất nhiều.

Hai người gọi điện xin được hiến phổi cứu sống nam phi công người Anh nhiễm COVID-19. Ảnh minh họa

Theo ông Phúc, nếu có chỉ định ghép phổi với bệnh nhân 91, ưu tiên số một vẫn là tìm nguồn hiến tặng từ người chết não. Dù vậy, không có nghĩa không hướng tới những người hiến sống, đó có thể là một phương án được nghĩ tới nhưng phù hợp hay không sẽ phải tính tiếp.

Ông Phúc cho hay, dù chưa biết tình hình cũng như diễn tiến của bệnh nhân 91 như thế nào, nhưng những chia sẻ thiện tâm, những nghĩa cử ấy thực sự rất đáng trân trọng. Đó là nguồn động viên, khích lệ ngành y tế rất nhiều trong việc cố gắng cứu chữa những bệnh nhân hiểm nghèo, bất kể người ấy là ai.

“Chợt nhớ câu chuyện cách đây một thời gian về một người phụ nữ nước ngoài tới thăm con ở Việt Nam, không may bà bị tai nạn. Gia đình người bà đã quyết định hiến tạng. Bà nằm đó bình lặng và từng người thân tới thì thầm nói những lời cuối cùng giã biệt đến bà là vợ, mẹ của họ, rồi hai người đàn ông nắm chặt tay nhau trong thời khắc ấy kiềm nén tiếng nấc nghẹn trong tâm và tiếng khóc chỉ bật ra vỡ òa. Họ đã rời căn phòng tĩnh lặng ấy…

Chứng kiến trọn vẹn hình ảnh ấy, không mấy ai cầm nổi nước mắt, xúc động tận đáy lòng! Biết không thể cứu sống người thân, họ vẫn còn muốn trao lại món quà vô giá ấy cho người ở lại. Giờ đây, gặp lại những tình cảm của những người Việt dù không quen biết nhưng họ sẵn sàng trao tặng một lá phổi cho người bệnh. Càng thấy rõ ở đâu, lúc nào cũng có những điều tốt đẹp, tử tế quanh ta, âu cũng là hai chữ nhân duyên và tình người”, ông Phúc xúc động.

Liên quan trường hợp bệnh nhân 91, vừa qua, một trường hợp chết não nhóm máu O được gia đình đồng ý hiến tặng tạng. Tuy nhiên, phổi của người này đã bị hỏng.

Ngày 13/5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết tình trạng của bệnh nhân 91 (nam phi công, người Anh, 43 tuổi) tiếp tục có tiên lượng xấu. Kết quả CT Scan phổi cho thấy phổi của bệnh nhân xơ hóa, đông đặc, chỉ còn khoảng 10% hoạt động.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết phổi bệnh nhân này từ đông đặc đã chuyển qua xơ hoá, mất chức năng hoạt động.

Tình trạng này nghĩa là bệnh nhân sẽ chết nếu chấm dứt ECMO. Cách duy nhất để cứu mạng bệnh nhân hiện tại là ghép phổi. Bộ Y tế giao Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Việt Đức làm các thủ tục để chuẩn bị tiến hành ghép tạng.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Định Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất