Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Hà Nội triển khai sữa học đường từ 1/1/2019: Đơn giá, thời gian uống sữa thế nào?

Long Anh (Tổng hợp) Theo dõi Saostar trên google news

Một trường đang băn khoăn về phòng bảo quản sữa cho học sinh và thời gian cho trẻ uống sữa để không trùng vào bữa phụ buổi chiều. Đặc biệt, phụ huynh là người quan tâm đến chất lượng của sữa này.

Mới đây, Sở GDĐT Hà Nội vừa công bố đơn vị trúng thầu chương trình “Sữa học đường”. Theo đó, dự kiến từ 1/1/2019, học sinh Hà Nội sẽ sử dụng sữa học đường.

Cụ thể, vào ngày 28/11, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội cho biết, đơn vị này vừa ban hành Quyết định số 2484/QĐ-SGDĐT về việc phê duyệt Vinamilk là đơn vị trúng Gói thầu số 01 Mua sữa thuộc Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020.

Theo đó, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk là đơn vị trúng thầu, với tỉ lệ hỗ trợ của đơn vị trúng thầu là 23%. Mức hỗ trợ này cao hơn so với mức mời thầu của Sở GDĐT Hà Nội là 3%. Đơn giá trúng thầu 1 hộp sữa 180ml là 6.286 đồng thay vì 6.800 đồng như dự kiến tối đa ban đầu.

Dự kiến từ 1/1/2019, học sinh Hà Nội sẽ sử dụng sữa học đường. Ảnh minh họa- TTXVN.

Ông Ngô Văn Quý cũng yêu cầu Sở GDĐT Hà Nội hoàn thiện và ký hợp đồng khung với đơn vị cung ứng sữa ngay trong tháng 11 này, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn quy trình thực hiện Chương trình Sữa học đường. Các đơn vị cần lên phương án kho chứa, quy trình tiếp nhận và bảo quản, tổ chức uống, cách xử lý vỏ hộp, công tác kiểm tra, giám sát…

Việc tập huấn cho cán bộ, giáo viên tại tất cả các quận, huyện, thị xã về triển khai Chương trình phải được hoàn thành trước ngày 10/12/2018.

Đây cũng là vấn đề các trường đặc biệt quan tâm. Cô giáo Lý Thị Thanh Luyện, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội) thông tin trên Vietnammoi: “Chúng tôi sẽ xin ý kiến chỉ đạo từ Phòng Giáo dục, tham khảo ý kiến phụ huynh với phương án sẽ cho các em uống sữa học đường vào đúng giờ ăn bữa phụ bán trú buổi chiều.

Tức là, ngoài tiền ăn bán trú hàng ngày (chia làm hai bữa gồm bữa chính và bữa phụ với giá 20.000 đồng/em) thì phụ huynh sẽ chỉ phải đóng thêm rất ít chi phí nữa. Sắp tới, nhà trường sẽ họp bàn và chốt phương án sau khi thống nhất được với phụ huynh và chỉ đạo từ Phòng GD&ĐT”.

Về vấn đề này, đại diện BGH Trường Tiểu học An Hưng thông tin trên nguồn tin trên cho rằng, nhà trường sẽ xin ý kiến phụ huynh để có thể bố trí cho trẻ uống sữa học đường sau giờ ra chơi buổi chiều. Bữa phụ bán trú thì vẫn cho trẻ ăn đầy đủ chứ không lo bị trùng hoặc phải cắt bỏ bữa phụ của trẻ.

Ngoài vấn đê thời gian uống sữa, dư luận cũng băn khoăn về chất lượng sữa; tính minh bạch của việc đấu thầu và nhất là nếu chỉ một đơn vị lớn cung cấp sữa liệu có đảm bảo cạnh tranh bình đẳng cho các DN nhỏ.

Ông Trần Thế Cương, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội chia sẻ với báo chí: “Việc thực hiện chắc chắn phải theo Luật Đấu thầu, nếu xé nhỏ gói thầu để nhiều DN được tham gia cung cấp sữa sẽ khó khả thi. Chúng ta không thể đáp ứng theo nhu cầu nhỏ của từng người, mà phải mang tính vĩ mô. Trước kia, một số trường đã lựa chọn nhà thầu cung cấp sản phẩm từ các hãng sữa nhỏ. Thực tế ở một số tỉnh, TP đã xảy ra ngộ độc sữa, chất lượng không đảm bảo. Những hãng sữa lớn mới đảm bảo sản xuất được sản lượng, theo đó là thương hiệu có từ rất lâu, nếu xảy ra vấn đề về chất lượng thì DN sẽ lập tức bị dư luận lên án, đương nhiên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Ông Cương cũng khẳng định, việc đăng ký cho con uống sữa là hoàn toàn tự nguyện, nhưng khuyến khích đông đảo phụ huynh tham gia, nên các trường phải phát phiếu để nắm được nhu cầu, báo cáo về Phòng GD&ĐT, căn cứ vào đó mới tổ chức đấu thầu.

“Đặc biệt, Sở cần công khai, minh bạch, rõ ràng trong đấu thầu - yếu tố hàng đầu để tránh hiểu lầm trong xã hội. Quan trọng là tạo được lòng tin cho phụ huynh HS về chất lượng sữa. Muốn vậy, hãng sữa được chọn phải đảm bảo đủ năng lực, chất lượng, uy tín; Sở GD&ĐT cùng Sở Tài chính đặt “đầu bài” với nhiều điều kiện cụ thể để DN thỏa mãn được” - ông Cương nhấn mạnh.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Long Anh (Tổng hợp)

Được quan tâm

Tin mới nhất