Thời điểm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, tình hình dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh thành trong đó gồm thủ đô Hà Nội có chiều hướng gia tăng. Số ca mắc mới Covid-19 tại Hà Nội tăng cao, và đã vượt qua 5.000 ca mắc/ngày, khiến các mặt hàng liên quan phòng, điều trị Covid-19 khan hiếm, giá tăng.
Vài ngày gần đây, chợ thuốc lớn nhất miền Bắc trên phố Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân (Hà Nội), đông người đến giao dịch. Chợ thuốc này không cho khách mua lẻ vào bên trong, chỉ tiếp đón đại diện các nhà thuốc và người mua buôn, có giấy chứng nhận. Giá mỗi hộp kit test là 1 triệu 320 nghìn đồng.
Tại một nhà thuốc gần đó, giá một hộp 25 kit test của Hàn Quốc được bán giá 1,6 triệu đồng, mua lẻ 80.000 đồng mỗi kit.
Chia sẻ trên báo Tiền Phong, chị Thanh Thủy (phố Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm) cho biết, những ngày qua, do bạn bè báo bị nhiễm Covid-19 khá nhiều nên chị mua 7 bộ test nhanh về để sử dụng. Theo chị Thủy, trước đây chị mua loại kit của hãng BioCredit (Hàn Quốc) chỉ khoảng 60.000 đồng/bộ nhưng nay đã tăng lên 80.000 đồng bộ.
Tại các khu vực như đường Giải Phóng, Phương Mai, Tôn Thất Tùng - nơi tập trung nhiều cửa hàng thuốc, tình trạng chung là khan hiếm kit test, mỗi nơi một giá.
Trên MXH, kit test cũng được giao bán tràn lan với đủ mức giá "ngất ngưởng".
Qua công tác nắm bắt báo chí phản ánh và thông tin từ Bộ Y tế về việc trên thị trường giá một số thiết bị y tế (bộ test kháng nguyên Covid-19, máy đo nồng độ ôxy trong máu SpO2) tăng cao đột ngột, lưu thông một số loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 chưa được phép lưu hành, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường thành phố Hà Nội yêu cầu Đội trưởng các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý thông tin theo lĩnh vực, địa bàn.
Các Đội QLTT tập trung kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, buôn bán khẩu trang, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống, hỗ trợ điều trị bệnh Covid-19, như: Bộ kit test nhanh kháng nguyên Covid-19, thiết bị đo nồng độ ôxy, các loại thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19... giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa, định giá mua, giá bán bất hợp lý các mặt hàng là vật tư, trang thiết bị y tế; buôn bán thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19 các loại chưa được phép lưu hành, sử dụng.