Có một câu danh ngôn rất hay rằng: “Hạnh phúc không phải là đích đến mà chính là đường đi“. Chúng ta cứ hay tự đặt cho mình những dự định xa xôi, rằng phải làm xong việc này, việc kia, phải chờ có người yêu đi chơi Noel cũng như đợi một ngày Hà Nội vắng xe cộ, ít bụi bặm, nắng thật đẹp và nhiệt độ thích hợp mới thấy vui mà quên rằng… xung quanh bạn, luôn có những thời khắc tươi đẹp, hạnh phúc đã bị bỏ lỡ.
Đừng tìm kiếm những thứ ở xa mà hãy trân trọng những gì trong hiện tại và gần ngay bên bạn, đó chính là thông điệp mà chúng tôi muốn gửi gắm qua bộ ảnh “Hà Nội 12 mùa hoa”. Cảnh sắc thiên nhiên biến đổi không ngừng, thời gian cũng là một dòng chảy xuôi chiều như thế… nhưng khi xem bộ ảnh, bạn sẽ thấy, bất cứ thời khắc nào trong năm, Thủ đô cũng khoác lên mình những màu sắc rực rỡ và trong mỗi mùa, chúng ta đều có những ngày thật đẹp.
Thông thường, chúng ta sẽ điểm qua các mùa hoa theo thứ tự từ 1 đến 12… nhưng vì bây giờ đang là mùa đông, nên hãy bắt đầu bằng mùa hoa của hiện tại và ngược dần về với quá khứ vào mùa xuân.
Lúc này, những cánh đồng hoa cải rộng bạt ngàn ở vùng Gia Lâm đang vào chính vụ. Nếu đến Châu Quỳ hoặc khuôn viên Học viện Nông nghiệp, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng dải sắc vàng trải thảm rực rỡ. Trước kia, hoa cải vốn chỉ được trồng để thu lấy hạt giống nhưng từ nhiều năm nay, phong trào chụp ảnh “sống ảo” đã đem đến cho người dân Gia Lâm một công việc mới vào cuối đông, đó là dịch vụ thu phí chụp ảnh cùng hoa.
Vẻ đẹp của cúc họa mi có lẽ không cần bàn cãi thêm nhiều. Mỗi năm vào độ cuối tháng 10 đến hết tháng 11, người Hà Nội lại háo hức đón chờ những gánh hàng hoa chở theo cúc họa mi dạt về khắp ngõ phố.
Mùa họa mi rất ngắn. Tính ra chỉ rộ lên khoảng 3-4 tuần là hết, mỗi năm lại chỉ có một vụ nên người mê hoa, càng quý trọng sự tao nhã và hiếm hoi của nó - một thứ hoa trắng muốt, suốt đời chỉ nở để báo đông.
Cắm hoa trong một góc phòng, những đóa họa mi trắng nhỏ xíu hóa thành hàng ngọn nến sáng màu, thắp lên và sưởi ấm cả không gian. Có nhiều loài hoa đẹp rực rỡ, kiêu sa hơn hẳn họa mi nhưng chưa bao giờ, loài hoa mỏng manh ấy trở nên lép vế. Bởi nó có một sức sống bền lâu hơn, vẻ đẹp thanh tao, gần gũi mà thuần khiết hơn.
“Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội
Mùa hoa sữa về, thơm từng cơn gió
Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ
Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua”
Đó là những câu hát và cũng là những câu thơ mà Trịnh Công Sơn đã dùng để tả rất chính xác về mùa thu Hà Nội với màu cốm xanh và mùi hoa sữa đan cài, tỏa ra hương vị ngọt ngào khó quên.
Dạo trước, dân mạng từng kêu trời vì mùi hoa sữa nồng nặc. Có lẽ vì ở thành phố bây giờ, người ta đã trồng cây hoa sữa quá dày. Nhưng nếu vẫn là mùi hương hoa đó, khi thoảng từ xa về, lẫn với mùi cốm mới, lùa theo những cơn gió heo may se lạnh, ướp hương cho từng ngõ phố dài xao xác… thì có lẽ bất cứ ai cũng phải xiêu lòng mà công nhận rằng, đó là loại hương thơm dịu dàng nhất, ấn tượng nhất và khó quên nhất của thu Hà Nội.
Cứ mỗi độ thu về, người ta lại rủ nhau đi ra đồng ngắm bông súng nở hoặc hái cây súng về nấu một nồi canh chua hoa súng ngon đúng điệu. Từ Nam chí Bắc, hoa súng mang một vẻ đẹp bình dị, rất đỗi thân thương.
Theo kinh nghiệm dân gian, loài hoa này đặc biệt dễ trồng. Chỉ cần gieo hạt hoa xuống, đợi một vài cơn mưa tới là hoa súng theo đất dưới bùn lầy mọc lên. Mưa càng nhiều thì hoa súng càng dài cọng, thân càng mềm mại, tươi non.
Hoa súng thường nở rộ vào mùa thu, thời điểm từ tháng 9 đến 11. Hà Nội có nhiều nơi để ngắm hoa súng nhưng đẹp nhất vẫn là dòng suối yến dẫn vào chùa Hương. Muốn ngắm hoa, bạn nên đi thuyền vào sáng sớm để chiêm ngưỡng cánh hoa tinh khôi trong sương sớm mùa thu.
Hoa cúc vàng như gom lại hết chút nắng cuối hè còn sót lại, màu vàng rực rỡ như càng sưởi ấm thêm những ngày thu se lạnh.
Đầu thu cũng là lúc hoa cúc vàng bắt đầu nở rộ, trên các con đường quanh bờ Hồ, những dải phân cách ở nhiều tuyến đường, hoa cúc nở bạt ngàn, điểm tô thêm cho thành phố thêm xinh đẹp hơn. Và bất cứ lúc nào đi ra đường, bạn cũng đều dễ dàng bắt gặp những gánh hàng hoa, chở theo cúc vàng, cúc trắng tản đi khắp nơi.
Muồng hoàng yến hay còn gọi là muồng hoàng hậu, bọ cạp vàng, hoa lồng đèn, mai dây… Đây là quốc hoa của đất nước Thái Lan. Ở “xứ sở chùa vàng”, muồng hoàng hậu được gọi là dok khuen; màu hoa vàng tượng trưng cho hoàng gia Thái. Mùa hoa muồng hoàng yến thường kéo dài từ tháng 5 tới tháng 7.
Tháng 7 là cuối vụ của hoàng yến. Sau một thời gian nở rộ, lúc này những cánh hoa bắt đầu vàng rực rỡ và dần dần, trút cánh rơi xuống lòng đường. Với nhiều người, đây cũng là lúc mùa hoa lãng mạn nhất trong năm. Họ có thể tranh thủ những ngày tháng 7 mát trời, chụp ảnh cùng hoàng yến và những cánh hoa đã dần tàn.
Hoa sen được mệnh danh là loài hoa quân tử, “gần bùn mà chẳng hôi thanh mùi bùn” và dù gió mưa, bão tố, lúc nào cũng giữ dáng vẻ thẳng đứng đầy hiên ngang.
Có một câu chuyện khá hay rằng cứ khi sinh nhật Bác, mùa sen bắt đầu và đến ngày Bác mất thì hoa cũng dần tàn. Nếu để ý, bạn sẽ thấy quy luật này rất đúng. Sen chỉ nở cho mùa hạ. Những ngày Hà Nội nóng nhất, bức bối nhất cũng là lúc mùa sen đẹp nhất, tỏa hương ngào ngạt nhất. Khi những cơn gió heo may tràn về, đem theo cái lạnh se sẽ thì hoa sen cũng theo gió, rụng dần và tàn lụi. Mặt hồ trở về với dáng vẻ phẳng lặng như chưa từng có một mùa sen rực rỡ. Từ sâu trong bùn lầy, những củ sen, ngó sen vẫn tiếp tục sống để chờ đợi một mùa hoa mới vào năm sau.
Có thể coi phượng vĩ là loài hoa đặc trưng của tháng Năm, bởi đây là thời điểm hoa phượng nở rộ trên khắp các nẻo đường, con phố. Suốt những ngày mùa đông, cây phượng khô héo ảm đạm. Đợi khi xuân sang mới rũ màu áo cũ và tỏa sáng khi vào hạ. Mỗi loài hoa, việc nở rồi lại tàn là điều hết sức bình thường nhưng ở hoa phượng, người ta lại thấy nó có sức sống mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Mỗi bông hoa khi rụng xuống gốc vẫn tiếp tục phô bày sắc đỏ của mình cho tới khi thật sự khô xác xơ.
Càng vào sâu trong hạ, hoa phượng càng đỏ. Trời càng nắng bao nhiêu, hoa càng đỏ thêm bấy nhiêu, sức sống càng lâu bền, mạnh mẽ hơn. Tất cả đã làm nên một cây phượng lộng lẫy, rực rỡ như một mặt trời thứ hai đang lặng lẽ đứng đó nghênh chiến với cái nóng oi bức của mùa hạ. Và, cứ như thế, mỗi ngày hạ trôi qua lại có thêm bao nhiêu mặt trời bốc cháy mà mỗi bông hoa, mỗi chiếc lá chỉ như một phần tử nhỏ bé trong cái xã hội đỏ rực ấy.
Khi những cơn mưa phùn vừa dứt thì loài hoa có tên gọi “âm vang đất trời” - Loa kèn - cũng lập tức theo những gánh hàng rong luồn lách khắp các con ngõ nhỏ, đến tận tay người yêu hoa đất kinh kỳ.
Loa kèn (còn có tên khác là huệ tây hoặc bách hợp) được nhiều người yêu mến, gọi bằng cái tên thân thương, giản dị là hoa của tháng tư hay hoa báo hè. Không giống như hoa hồng khoe sắc quanh năm, loài hoa này mỗi năm chỉ nở một lần vào đầu hạ. Mùa hoa của nó ngắn ngủi và thường kéo dài trọn vẹn hết tháng 4.
Hà Nội mùa xuân mưa phùn, nồm ẩm, trời đất lúc nào cũng âm u, xám xịt mà vẫn lạnh se sắt… nhưng những ngày tháng 3, người ta có một niềm vui nho nhỏ khác, ấy là hoa bưởi.
Hoa bưởi được ngắt xuống cây còn nguyên chùm lá xanh dịu dàng mà e ấp. Cái thứ hoa trắng muốt, búp tròn tròn, nhuỵ vàng xen giữa đầy những phấn, thơm đến nỗi ai đi qua cũng phải hít hà cho đầy lồng ngực.
Loài hoa này ưu ái đặc biệt nở vào mùa xuân. Đến mùa hoa, những xe đạp cũ kỹ, cọc cạch của người dân ngoại thành lại chở theo những cánh hoa trắng muốt, thơm nức về từng ngõ phố. Người dân Hà Nội yêu hoa vì ngoài vẻ đẹp, nó còn có nhiều công dụng như chế tinh dầu, ướp trà, nấu nước đường làm bánh hoặc các loại chè… hoặc thậm chí là tắm, gội để lưu hương thơm vấn vít trên da thịt suốt ngày dài.
Có lẽ sẽ không quá lời khi nói Hà Nội là thiên đường của những mùa hoa. Vào mùa xuân, khi trăm hoa đua nở, Thủ đô chìm ngập trong muôn loài hương sắc khác nhau thi nhau tỏa sáng.
Tháng 2 cũng là lúc mùa hoa ban, hoa sưa bắt đầu nở. Tuy phải đợi đến tháng 3 mới rộ mùa nhưng lúc này, ngay khi mùa hoa đào dần khép lại thì những chùm sưa tinh khiết như bông bắt đầu hé nở.
Khi tiết trời sang xuân, không khí trở nên trong lành hơn cũng là lúc hoa ban nở rộ. Hoa ban có nhiều sắc màu như ban tím, ban trắng, ban đỏ, nhưng phổ biến nhất ở Hà Nội là hoa ban tím. Đây là loài hoa mang đậm bản sắc của núi rừng Tây Bắc. Tuy không điển hình cho khí hậu ở Thủ đô nhưng từ nhiều năm, vì sự gắn bó thân quen mà người dân Hà Nội dần coi hoa ban là một phần không thể thiếu khi xuân sang.
Trong số 12 mùa hoa, không thể bỏ qua mùa hoa đào nở vào tháng giêng. Đúng ra phải đợi đến Tết Nguyên đán, mùa hoa mới rực rỡ nhưng năm nào cũng thế, bắt đầu từ Tết Dương lịch, người Hà Nội đã thích thú chơi hoa đào.
Giữa tiết trời se lạnh của Hà Nội ngày cuối năm, từng cành đào đỏ thắm bày bán trên phố báo hiệu cho một mùa xuân nữa sắp về. Những cành đào nở sớm được mua vừa để trang trí, vừa mang không khí xuân về nhà và cầu may mắn cho năm mới.