GS Hồ Ngọc Đại: 'Tôi muốn gửi đến trò câu hỏi: Thầy làm thế đã đúng chưa?'

"Làm Thực Nghiệm tức là gửi đến các em một lời thưa rằng: 'Thầy làm như thế đã đúng chưa?'. Nếu chúng tôi nói đúng mà học sinh bảo sai thì chắc chắn là thầy đã sai", Giáo sư Hồ Ngọc Đại chia sẻ.

Bài viết Vương Phi
Chia sẻ
GS Hồ Ngọc Đại: 'Tôi muốn gửi đến trò câu hỏi: Thầy làm thế đã đúng chưa?'

Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp cả nước tôn vinh và hướng về những người thầy giáo. Tiếc là trong thời gian gần đây liên tiếp xảy ra quá nhiều chuyện lùm xùm ở giảng đường. Nào là việc cô giáo lên lớp 3 tháng không giảng bài, học sinh lên Facebook nói xấu thầy cô và những tranh cãi không ngừng nghỉ rằng liệu vị thế người thầy thời đại 4.0 có đang bị xem nhẹ… Tất cả đã khiến ngày 20/11 năm nay, ngoài niềm vui, hân hoan, những người thực lòng quan tâm đến lĩnh vực giáo dục có lúc thoáng chút chênh vênh, lo lắng.

Nhiều người cho rằng, đã đến lúc nền giáo dục cần thay đổi toàn diện. Nhưng làm sao để vươn tới cánh cửa ấy, đến giờ vẫn chưa ai tìm ra một đáp án chuẩn xác nhất. Câu hỏi này cũng đã được hàng triệu người Việt Nam đặt ra từ cách đây vài chục năm và một trong những người đã hiến dâng cả cuộc đời để tìm câu trả lời chính là GS. Hồ Ngọc Đại.

Nhân dịp 20/11 năm nay, Saostar đã có dịp gặp gỡ và nghe Giáo sư Hồ Ngọc Đại (chủ biên cuốn Công nghệ Giáo dục) chia sẻ rất nhiều câu chuyện thú vị.

“Lùm xùm vừa qua… đối với tôi là một cơ hội lớn”

“Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đến rồi nhưng cuộc sống của tôi thì vẫn thế, không có nhiều xáo trộn ngoại trừ việc tiếp thêm khách đến thăm hỏi một cách rất tự nhiên. Tôi là người quản lý thời gian rất chặt chẽ: Đến cơ quan đúng giờ và khi ngồi vào bàn thì làm việc liên tục, hết giờ tôi mới nghỉ. Ở giai đoạn này, tôi đã qua tuổi học tập, tích lũy và rút kinh nghiệm… Lúc này, tôi tranh thủ tận dụng những cái đã biết để làm việc với một thái độ khẩn trương nhất.

Công cuộc đổi mới giáo dục đã gấp rút lắm rồi. Chúng ta cần làm nhanh và quyết liệt hơn nữa. Nền giáo dục đang đứng trước một ngưỡng cửa mới, có ý nghĩa quyết định bởi đất nước đang sở hữu lớp thế hệ học sinh chưa từng có trong lịch sử nhân loại, đó là các em học sinh được sinh ra từ năm 2000-2001 trở đi.

GS Hồ Ngọc Đại: 'Tôi muốn gửi đến trò câu hỏi: Thầy làm thế đã đúng chưa?'

Các em đang sống trong một hoàn cảnh lịch sử mới cả về tinh thần lẫn vật chất và vì thế, nền giáo dục đối với các em cũng cần phải đổi mới toàn diện. Những phương pháp dạy cũ, sách giáo khoa cũ đã không còn phù hợp!

Đáng tiếc, nhiều người không nhận thức được vấn đề này. Họ không nhìn thấy sự vận động của lịch sử để hiểu rằng, những thế hệ khác nhau cần có một nền giáo dục khác nhau. Lùm xùm liên quan đến cuốn sách Công nghệ Giáo dục thời gian vừa qua chính là một minh chứng. Nó cho thấy, hàng nghìn người đang khẩn thiết hô hào khẩu hiệu đổi mới giáo dục nhưng chính họ lại không hề sẵn sàng để đón chào cái mới. Những sự khác biệt đang dễ dàng bị bài xích ngay từ khi người ta con chưa kịp hiểu cái mới đó là gì và nó có ý nghĩa như thế nào?

Những người phê phán tôi, họ đang phán xét dựa vào những cái đã có, đã hiểu biết ở quá khứ. Đó là tất cả những gì cái cũ còn sót lại, nó đã từng hiển nhiên đúng với quá khứ nhưng chắc chắn, không còn phù hợp với học sinh ở thời điểm hiện tại!
GS Hồ Ngọc Đại

Tôi đã nhìn ra điều này - sự lỗi thời của nền giáo dục cũ - cách đây nửa thế kỷ sau cuộc nổi loạn của sinh viên Pháp năm 1968 và thất bại của nền giáo dục nước nhà trong những năm 1960. Ở thời điểm đó, tôi đã nghĩ, nền giáo dục cũ “căng” lắm chỉ có thể tồn tại hết thế kỷ 20. Sang thế kỷ 21, học sinh cần “vượt thoát” sang một nền giáo dục mới và nếu như phải chịu đựng nền giáo dục cũ thì đó là một sự chấp nhận thực sự rất đau khổ!

Lúc xưa bố vợ tôi - TBT Lê Duẩn từng nói: “Thằng Đại đúng đấy nhưng chắc phải vài chục năm nữa người ta mới hiểu”. Bây giờ tôi thấy không phải vài chục năm mà có thể lâu hơn nhưng không sao, cái gì đúng hay sai, thời gian sẽ trả lời. Vụ lùm xùm vừa qua đã chứng minh vẫn còn quá nhiều người lạc hậu và bảo thủ giữ lấy sự lạc hậu của mình. Đây là cơ hội lớn với tôi. Họ đã tự mình nói cho tôi sự thiếu hiểu biết của chính họ và công việc của tôi lúc này là đi tìm bài thuốc để chữa trị căn bệnh ấy.

Trước đây, không ai nói ra, tôi không biết họ không hiểu chỗ nào còn bây giờ thì tình thế đã đảo ngược. Tôi đã đăng 16 bài và tôi sẽ còn viết vài chục bài nữa về Công nghệ Giáo dục. Cuốn sách này đã trải qua 40 năm thực nghiệm và tôi tin, nó sẽ vẫn còn tồn tại rất lâu!

Con rể TBT Lê Duẩn đi làm ông giáo dạy cấp 1 và triết lý ươm mầm từng học sinh dám sống thật với chính mình

GS Hồ Ngọc Đại: 'Tôi muốn gửi đến trò câu hỏi: Thầy làm thế đã đúng chưa?'

Ngày xưa, người ta dạy học sinh học để làm quan, học để làm giàu còn bây giờ, tôi chỉ muốn dạy học sinh trở thành những người bình thường. Mục tiêu ấy có nghĩa là học sinh sẽ lớn lên và sống đúng như con người thật của họ. Tôi quan tâm và lấy hạnh phúc của học sinh làm chuẩn mực. Các em thấy thích, thấy vui là được, người khác không thích, không vui, tôi mặc kệ!

Tôi là một người thầy có may mắn dạy từ lớp 1 cho đến tiến sĩ, nhưng với bất cứ ai, hoặc là học sinh lớp 1 hay tiến sĩ, tôi đều tôn trọng như nhau. Việc học sinh học bảng chữ cái a, b, c cũng quan trọng như chuyện ông tiến sĩ làm luận văn. Mỗi người trong cuộc đời ở mỗi thời điểm khác nhau, họ có những nhiệm vụ khác nhau cần hoàn thành.

Đó là một phần của triết lý giáo dục mới - giáo dục khai phóng. Ở đó, ta hướng đến mục tiêu phát triển cá nhân và tôn trọng sự khác biệt. 

Ở xã hội này, không ai có quyền nêu gương cho ai, không ai có quyền tự lấy mình ra làm chuẩn mực áp đặt cho người khác. Tôi dạy học sinh sống cho chính mình, dám làm điều mình thích, dám sống có trách nhiệm, không lừa dối. Sống để trở thành một người khác, học theo một người khác là việc không nên khuyến khích trong thời đại 4.0.

Ở trường Thực Nghiệm, khi thầy giáo ra đề văn, học sinh có thể trả bài bằng bức tranh, thầy giáo giảng bài, học sinh có thể không cần nghe… nhưng chúng tôi chú trọng vào tính thực chất, tức là những điều học sinh thực sự ghi nhận được. Giống như ăn là ăn thật, mặc là mặc thật thì học cũng phải học thật.

Nhiều người hỏi tôi, nếu lớp học cứ để cho học trò muốn làm gì thì làm chẳng hóa ra biến thành cái chợ? Tôi không nghĩ thế. Ở trường Thực Nghiệm, thầy cô không bắt học sinh phải học nhưng thuyết phục học sinh và họ đã làm tốt tới độ khiến học sinh tự thuyết phục chính mình. Tôi chắc chắn, thời đại của đòn roi, sự nạt nộ, dùng uy quyền thị uy…đã qua rồi. Giáo dục mới, thầy cần phải biết thuyết phục, biết làm cho học sinh hiểu được trách nhiệm của mình.

Chúng ta đang mải miết bắt học sinh học theo thầy, làm theo thầy mà quên mất, học sinh cũng có chính kiến và nhu cầu phát triển chính kiến ấy. Dạy cho học sinh phát triển thành chính mình là dạy cho các em biết tôn trọng tôn trọng chính mình, sống có trách nhiệm và tự giải quyết những việc của mình. Hành trình này không thể nóng vội mà phải bắt đầu từ từ. Đó là lý do vì sao chúng ta cần thay đổi giáo dục tiểu học, nhất là ở lớp 1.

Có nhiều người cũng hỏi tôi, nếu cứ lấy cá nhân học sinh làm tiêu chuẩn thì có phải thầy giáo bị lép vế hay không? Tôi buồn cười quá vì nhờ có học sinh mà mới có trường học, có trường thì mới có giáo viên, có Hiệu trưởng… Vì thế giáo dục muốn phát triển, phải lấy học sinh làm gốc. Ở xã hội hiện đại, chúng ta phải có cách nhìn mới.

Chúng ta phải nhận chân rằng, khi người lớn làm giáo dục là đang 'ăn theo trẻ con' và đừng vội quên đi những điều này. Chúng tôi làm Thực Nghiệm tức là gửi đến các em một lời thưa rằng: 'Thầy làm như thế đã đúng chưa?'. Nếu chúng tôi nói đúng mà học sinh bảo sai thì chắc chắn là thầy đã sai!
GS Hồ Ngọc Đại
GS Hồ Ngọc Đại: 'Tôi muốn gửi đến trò câu hỏi: Thầy làm thế đã đúng chưa?'

Nghe thấy vậy, có người lại hỏi tôi xuất thân là con rể TBT Lê Duẩn lại cắp cặp đi làm ông giáo sẵn sàng chịu thua học sinh lớp 1 liệu có đáng? Đáng lắm chứ. Đáng vì giáo dục là sự nghiệp trồng người. Một cái cây muốn khỏe mạnh phải có mảnh đất tốt để ươm mầm, phải khỏe mạnh từ gốc rễ đến thân ngọn. Thế nên, giáo dục tiểu học và lớp 1 là cách để đặt những viên gạch nền móng đầu tiên cho các em mai sau này trở thành những công dân có ý nghĩa.

Tôi nhớ ông bố gia đình Kenedy từng nói rằng: “Dòng họ Kenedy sẽ làm Tổng thống của nước Mỹ nhưng dù có làm một anh móc cống thì cũng phải là người móc cống giỏi nhất nước”. Là một người thầy giáo, tôi khao khát làm được điều ấy, tức là mong mỗi học trò của mình đều sống tốt, đều là người giỏi nhất trong lĩnh vực nghề nghiệp mà họ hằng yêu thích.

Nếu như tất cả đều giỏi thì đất nước chắc chắn sẽ vững mạnh. Cội nguồn ấy sinh ra từ giáo dục. 11 năm đầu đời là giai đoạn vô cùng quan trọng trong việc định hình một con người. Tôi muốn dạy cho trẻ con ngay từ đầu để chúng khỏi lầm lạc và mất thời gian.

Thực nghiệm không phải giải pháp hoàn hảo nhất nhưng là một lựa chọn ít tồi tệ nhất. Khóa học sinh đầu tiên có rất nhiều đứa trẻ xuất thân trong những gia đình trí thức danh giá. Cha mẹ họ gửi con cho tôi chỉ vì họ tin tôi. Trải qua 40 năm, tính đúng đắn của Công nghệ Giáo dục nói riêng và phương pháp giảng dạy mới của Thực Nghiệm nói chung đã chứng minh được giá trị của nó. Từ chỗ chỉ có những người tin tôi mới gửi con em theo học, Công nghệ Giáo dục giờ đây đã có gần 1 triệu học sinh. Điều ấy đồng nghĩa với việc đang có gần 2 triệu cha mẹ và hàng triệu cô, dì, chú, bác buộc phải thay đổi nhận thức về giáo dục.

“Có lúc, tôi đã nói tôi là người hạnh phúc nhất đất nước này”

Giáo dục nhà trường lấy học sinh làm trung tâm đang khiến nhiều người hụt hẫng và nghi ngờ vào 4 chữ “tôn sư trọng đạo”. Nhưng tôi nghĩ, xã hội vốn rất công bằng. Bạn làm tốt công việc của bạn, người khác sẽ luôn tin yêu và trân trọng.

Gần đây tôi vừa có lễ kỷ niệm 40 năm khóa học sinh Thực Nghiệm đầu tiên. 40 năm sau ngày ra trường, các em học sinh lớp 1 ngày nào đã cùng nhau tổ chức hội trường lễ kỷ niệm cực hoành tráng đến nỗi khiến tôi ngỡ ngàng. Họ tái hiện lại toàn bộ ngôi trường cũ khốn khổ nhưng thân yêu ra làm sao chi tiết đến nỗi làm tôi phải thốt lên: “Hôm nay, tôi là người hạnh phúc nhất Việt Nam”.

40 năm mà học sinh vẫn không quên những người thầy cũ thì điều ấy chứng minh rằng, ở xã hội nào cũng thế, người thầy luôn được tôn trọng, yêu quý nếu làm tốt vai trò của mình.

GS Hồ Ngọc Đại: 'Tôi muốn gửi đến trò câu hỏi: Thầy làm thế đã đúng chưa?'

Bài viết

Vương Phi

Thiết kế

Tuấn Lê

Chia sẻ