Tại một siêu thị trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận, TP HCM), chúng tôi mua một gói tôm sú giá khá cao (197.000 đồng) cho trọng lượng ghi trên bao là 500 gam, giá cân “nguyên đai, nguyên kiện” trước khi rã đông là 554 gam.
Nhưng sau rã đông, bóc hết lớp đá bào, kiểm tra lại thì chỉ còn… 200 gam. Nghĩa là giá tôm sú thật sự mà người tiêu dùng bỏ ra là gần 1 triệu đồng/kg, chứ không phải 394.000 đồng/kg như công bố của nhà sản xuất.
Giám đốc một siêu thị thừa nhận, bản thân nhà bán lẻ từng trả lại hàng của rất nhiều nhà cung cấp sau khi phát hiện tình trạng gian lận trên. Nhà cung cấp sau đó cam kết sẽ thực hiện đúng, nhưng sau một thời gian, siêu thị không thể kiểm soát được, tình trạng này tái diễn.
“Siêu thị chủ yếu kiểm tra các vấn đề về vệ sinh an toàn chất lượng, còn trọng lượng sản phẩm do nhà sản xuất tự công bố và tự chịu trách nhiệm”, bà này cho biết.
Theo giám đốc một công ty kinh doanh thủy hải sản đông lạnh, tình trạng các sản phẩm đông lạnh đóng gói sau khi rã đông hao hụt đến 30-40% tồn tại ngang nhiên thời gian qua, trong khi quy định lượng hao hụt cho phép chỉ 5%.
Đặc thù sản phẩm đông lạnh cần có đá bào để bảo quản. Quy định chỉ cần một lớp mỏng nhưng rất nhiều doanh nghiệp hám lợi “độn” đá bào nhiều đến mức đá phủ trắng cả sản phẩm.
Theo luật sư Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, đa số người tiêu dùng Việt Nam không có thói quen cân lại sản phẩm đông lạnh sau khi rã đông, trong khi người tiêu dùng ở các nước rất coi trọng vấn đề này.
Nhưng không chỉ ở mặt hàng thực phẩm, gian lận về đo lường xảy ra cả với hàng mỹ phẩm, nhiều sản phẩm tiêu dùng khác… rất nhiều mẫu bị ăn bớt đến 20 - 30% khối lượng.
Ngoài ăn gian trọng lượng còn có hiện tượng rút bớt sản phẩm trong hộp như bao bì công bố 15 bánh một hộp nhưng thực tế chỉ có 13 hoặc 14 bánh.