Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Giữa đêm hàng trăm người vào rừng tìm nấm mối

Những ngày này, người dân tại các huyện Long Thành, Trảng Bom, Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) rủ nhau vào rừng, rẫy cao su săn nấm mối rất đông. 

Những ngày này, người dân tại các huyện Long Thành, Trảng Bom, Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) rủ nhau vào rừng, rẫy cao su săn nấm mối rất đông. 

Một người dân cho biết: "Nấm mối là loài thực vật mọc tự nhiên, không thể trồng và nhân giống. Loài này rất quý nên các nhà hàng, thương lái thu mua với giá cao".

Nấm quý xuất hiện vào mùa mưa, trong khoảng thời gian giữa tháng 4 đến cuối tháng 7 hàng năm, mọc vào ban đêm và chóng tàn. 

Để kịp thu hoạch nấm, chị Phan Thị Ngọc (38 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom) phải thức dậy lúc nửa đêm, chuẩn bị đèn pin, vật dụng rồi vào rừng. 

"Hái nấm mối luôn là công việc vất vả và nguy hiểm. Vì chúng mọc trong rừng, rẫy cao su hoặc những khu vực vắng, nên người tìm nấm phải gan dạ, chịu khó. Nhiều đêm vào rừng gặp mưa, về nhà phát bệnh, nằm liệt giường mấy ngày liền", chị Ngọc thổ lộ.

Cũng theo chị Ngọc, ban đêm búp nấm đẩy lớp mùn đất mọc lên, gặp ánh đèn sẽ tạo ra hiện tượng phản quang nên dễ phát hiện. Nấm mới mọc bán đắt hơn so với đã nở. Là loài thực vật hoang, mọc không cố định, nên mỗi lần vào rừng, nông dân phải đi bộ hàng km để tìm.

Về nhà sau một buổi tối trong rừng, ông Nguyễn Huy Thành (ngụ xã Lộc An, huyện Long Thành) để nguyên bộ quần áo lấm lem bùn, nằm bệt xuống nền nhà. 

Người đàn ông 56 tuổi cho biết: "Tôi lùng sục các rẫy cao su từ huyện Long Thành sang huyện Cẩm Mỹ, nhưng chỉ hái được chưa đầy 1 kg. Thu được số nấm này cũng là may mắn lắm rồi, nhiều người đi suốt đêm nhưng về tay trắng".

Giữa đêm hàng trăm người vào rừng tìm nấm mối
Nấm mối. Ảnh: Ngọc An

Nấm mối được các thương lái, nhà hàng mua với giá từ 300.000 đến 400.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Xuân Thảo (37 tuổi, ngụ xã Bình Sơn, huyện Long Thành) cho biết, vợ chồng buôn bán rau củ tại khu chợ nhỏ trong xã. Khi vào mùa mưa, họ đóng cửa tiệm để đi rừng.

Từ đầu mùa đến nay, vợ chồng Thảo hái gần 100 kg, bán được 30 triệu đồng. "Có tuần rảo khắp nơi nhưng không thu được cây nấm nào. Có hôm lại trúng liên tiếp mấy ổ nấm (mỗi ổ thường có 0,5-3 kg)", chị cho biết.

Theo những người tìm nấm, sau khi thu hoạch, họ thường đánh dấu vị trí ổ nấm hoặc để lại một số cây làm giống cho mùa sau. Những năm gần đây, do tác động của thời tiết và thuốc bảo vệ thực vật nên nấm mối ngày càng khan hiếm.

Tìm nấm ở rừng giữa đêm nên người dân gặp nhiều nguy hiểm, đối diện với rắn độc và các loài côn trùng độc hại. 

"Năm trước, tôi đang đào nấm dưới bụi rậm ở khu đất hoang tại huyện Thống Nhất thì bị rắn lục từ trên cây cắn vào cổ. Lúc đó, tôi phải bỏ ổ nấm, chạy vào bệnh viện cấp cứu", ông Hoàng Văn Hùng (ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) kể.

Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết: "Nấm mối là loài thực vật mọc lên từ chất thải của con mối. Chúng là loài tự nhiên, không thể nhân giống và trồng như những loại nấm khác. Nó được xem là quà tặng thiên nhiên, đặc sản của tỉnh Đồng Nai. Các món ăn làm từ loài cây này rất ngon, giàu chất dinh dưỡng".

Vị giám đốc sở khuyến cáo người đi tìm nấm và người ăn phải thận trọng, kiểm tra kỹ để tránh nhầm lẫn các loại nấm có độc tố, gây hại cơ thể người. 

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất
HLV Kim Sang Sik chưa an tâm