Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Giữa đại dịch Covid- 19, cảm ơn thật nhiều những trái tim vì chúng ta gọi nhau bằng 2 tiếng 'đồng bào'

Trong hơn một tháng qua, mạng xã hội đã liên tục chia sẻ những câu chuyện, những hình ảnh ấm áp tình người giữa đại dịch Covid-19. Có khi chỉ là lời động viên hay những hành động giúp đỡ nhau đơn thuần nhưng giữa thời điểm dịch bệnh diễn ra cam go, những hành động ấy lại trở nên lớn lao, thiết thực và ý nghĩa biết bao nhiêu.

Đợt dịch thứ 4 này được đánh giá là đợt dịch nguy hiểm nhất từ trước tới nay với tốc độ lây lan nhanh hơn, phạm vi lây lan rộng hơn, biến chủng vi rút nguy hiểm hơn, nhiều bệnh viện tuyến cuối bị tấn công hơn.

Đợt dịch này bắt đầu từ ngày 27/4, khi phát hiện một bệnh nhân là nhân viên khách sạn tại Yên Bái - nơi cách ly các chuyên gia Ấn Độ. Kể từ đó đến nay, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế đã làm việc không ngơi tay.

Cùng lúc, người dân cả nước cũng dần ý thức được mức độ nguy hiểm của đại dịch, đâu đâu cũng hô vang khẩu hiệu "Đồng sức đồng lòng, chung tay đẩy lùi đại dịch".

Ấm lòng giữa đại dịch

Trong hơn một tháng qua, mạng xã hội đã liên tục chia sẻ những câu chuyện, những hình ảnh ấm áp tình người giữa đại dịch. Có khi chỉ là lời động viên hay những hành động giúp đỡ nhau đơn thuần nhưng giữa thời điểm dịch bệnh diễn ra cam go, những hành động ấy lại trở nên lớn lao, thiết thực và ý nghĩa biết bao nhiêu.

Mới đây, mạng xã hội đã lan truyền câu chuyện xúc động của một nữ bác sĩ. Cụ thể, vị bác sĩ này đã vào khu làm nhiệm vụ ở Gò Vấp nên đã đặt xe ôm công nghệ. Khi đến nơi, chị trả tiền kèm tips thì anh tài xế lại .... rồ ga bỏ chạy. "Nhận tiền lúc này của bác sĩ là em có tội với Tổ quốc. Chị đừng bắt em có tội với Tổ quốc", anh tài xế phân trần.

Giữa đại dịch Covid- 19, cảm ơn thật nhiều những trái tim vì chúng ta gọi nhau bằng 2 tiếng 'đồng bào' Ảnh 1
Câu chuyện về anh tài xế xe công nghệ không lấy tiền bác sĩ vì muốn góp một chút công sức trong "cuộc chiến" với đại dịch Covid- 19 khiến nhiều người cảm động

"Bắt" được anh tài xế nhận tiền, chị bác sĩ chia sẻ thêm: "Giằng co bắt được ẻm nhận tiền mà vui ghê. Mình còn nhận được sự xung phong của các bạn trong khoa cho những công tác chống dịch sắp tới. Mỗi người góp một chút, mình cùng nhau làm cho cuộc sống những ngày nghẹt thở này trở nên nhiều oxy tự nhiên hơn nhé".

Khi vừa xuất hiện trên mạng xã hội, câu chuyện này đã khiến nhiều người cảm động rơi nước mắt. Trong giai đoạn khó khăn này, các y bác sĩ là những người trực tiếp chịu áp lực, nguy cơ lây nhiễm, rủi ro công việc luôn tiềm ẩn. Có lẽ vì thấu hiểu phần nào những vất vả ấy, thế nên anh thanh niên Grab đã muốn gửi đến các y bác sĩ lời tri ân qua hành động thiết thực.

Trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid -19 còn nhiều khó khăn, vất vả, thế nhưng có một điều mà chúng ta luôn tự hào, đó chính là tinh thần "tương thân tương ái" của người dân cả nước. Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân đều có sự sẻ chia, ủng hộ đội ngũ y tế, bác sĩ bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng tất cả đều có một điểm chung đó chính là tình người hướng về cộng đồng,

Đoạn clip dưới đây là minh chứng rõ nhất! Theo đó, MXH Tik Tok đang chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh một xe cứu thương đỗ trước quán bánh mì cùng dòng trạng thái:“Đang ngồi bán bánh mì thấy mấy anh chạy thẳng tới chỗ mình ngồi, làm giật mình. Đến giờ vẫn còn run đó… Cố lên Việt Nam!”.

Hóa ra, hai nhân viên y tế trên đường làm nhiệm vụ đã ghé qua mua ổ bánh mỳ ăn tạm. Thấy vậy, chủ quán nhanh chóng làm bánh mỳ và mang đến gửi cho nam nhân viên y tế.

Theo thói quen, nam nhân viên y tế đã chuẩn bị sẵn tiền để đưa cho chủ quan. Tuy nhiên, chị chủ quán đã không lấy tiền, như một cách để cảm ơn cho những nỗ lực, cố gắng của đội ngũnhân viên y tế này trong những ngày qua.

Giữa đại dịch Covid- 19, cảm ơn thật nhiều những trái tim vì chúng ta gọi nhau bằng 2 tiếng 'đồng bào' Ảnh 2
Hình ảnh nam nhân viên nhễ nhại mồ hôi, khẩn trương trong công việc khiến ai cũng rưng rưng xúc động.

Có lẽ, khi thấy sự khẩn trương, gấp rút trong lúc làm nhiệm vụ của nam nhân viên y tế, lại chứng kiến anh mồ hôi nhễ nhại, nóng bức trong bộ đồ bảo hộ, chị chủ quán đã vô cùng xúc động. Giá trị của ổ bánh mỳ không đáng bao nhiêu nhưng giữa tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng như hiện nay, ổ bánh mỳ ấy lại mang giá trị tinh thần rất lớn.

Giữa lúc dịch bệnh COVID-19 đang diễn căng thẳng này, mới đây, câu chuyện "Vì chúng ta gọi nhau bằng 2 tiếng: Đồng bào" do anh Nguyễn Đoàn Trí - Trưởng ca GO SGN kể lại trên MXH một lần nữa được lan tỏa khiến biết bao người nghẹn ngào, xúc động.

Giữa đại dịch Covid- 19, cảm ơn thật nhiều những trái tim vì chúng ta gọi nhau bằng 2 tiếng 'đồng bào' Ảnh 3
Anh Nguyễn Quốc Phương được nhân viên một hãng hàng không giúp đỡ để kịp chuyến bay về quê, chăm sóc cho người cha bệnh tật.

Anh Nguyễn Quốc Phương, quê Kim Động, Hưng Yên đứng trước quầy vé của một hãng hàng không, gương mặt anh khẩn khoản trình bày với cô nhân viên bán vé chuyện mình bị cụt, không có bàn tay, không có vân tay nên không được làm giấy chứng minh nhân dân mà chỉ có giấy chứng nhận khuyết tật của ủy ban xã cấp. Trong khi đó, bố của anh ở quê bị tai biến đang mong con về nên anh muốn hỏi có cách nào để đi được máy bay không.

Nghe anh Phương nói, chị Lương Thị Thu Thảo, nhân viên quầy vé của Bamboo Airways đã bày tỏ sự cảm thông và ngay lập tức có hành động giúp đỡ anh Phương. Chị Thảo quay sang trao đổi với trưởng ca và nhờ báo cáo với bộ phận an ninh cũng như cấp trên về trường hợp của chàng trai khuyết tật này.

Giữa đại dịch Covid- 19, cảm ơn thật nhiều những trái tim vì chúng ta gọi nhau bằng 2 tiếng 'đồng bào' Ảnh 4
Không có giấy tờ tùy thân cũng không có đủ tiền mua vé máy bay, thế nhưng bằng sự giúp đỡ kịp thời của nhân viên hàng không, anh Phương đã thuận lợi về quê lo công việc ở nhà

Lúc này, trưởng ca là anh Nguyễn Đoàn Trí đã đồng ý dẫn anh Phương đến các cửa để xin "giải quyết linh động". Bất ngờ là mọi chuyện khá suôn sẻ, cả hai nhận được câu trả lời "Được, em!" từ cấp trên.

Sau khi anh Trí lo xong giấy tờ hỗ trợ bay, đến lượt Thu Thảo làm thủ tục xuất vé thì chàng trai khựng lại, hỏi: "Vé bây giờ nhiều tiền không?".

Thảo báo giá vé thấp nhất cho chuyến bay cuối cùng lúc 17h50 về sân bay Nội Bài, Hà Nội là 900.000 đồng. Phương móc trong chiếc túi đựng vé số cũ mèm ra một xấp tiền tiền lẻ và nói đây là toàn bộ "gia tài" của mình, tổng cộng có 350.000 đồng.

Chàng trai tần ngần rồi nhờ chị Thảo giữ hộ số tiền còn mình định bắt xe ôm về quận 7 vay tiền của bạn rồi quay lại mua vé. Có điều, như thế chắc chắn anh sẽ lỡ chuyến bay cuối cùng trong ngày về Hà Nội. Chị Thảo và trưởng ca Nguyễn Đoàn Trí cùng kéo tay anh Phương lại nói: "Anh cứ ở đây, tiền thiếu này tụi em sẽ bù cho anh". Ngay lập tức, tấm vé mang tên Nguyễn Quốc Phương được xuất.

Hiện tại, anh Phương đã về đến nhà an toàn, thời gian tới, anh sẽ ở nhà để tiện cho việc chăm sóc bố của mình.

Có thể thấy, giữa lúc cả nước đang căng mình để vượt qua đại dịch Covid- 19, câu chuyện về chàng trai khuyết tật được các nhân viên hàng không tận tình giúp đỡ nói trên đã khiến chúng ta thêm tin yêu, hy vọng vào tình người, nghĩa đồng bào. Cảm ơn thật nhiều những trái tim Việt Nam, vì chúng ta gọi nhau bằng 2 tiếng "đồng bào"!

Cảm ơn những hy sinh...

Trở lại với các y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, ở thời điểm này, công việc chắc chắn còn nhiều khó khăn và vất vả. Những ngày qua, những "chiến binh áo trắng" đã làm việc hết công suất, ngày đêm truy vết lấy mẫu những người nghi ngờ mắc COVID-19; ngày đêm phân luồng, cách ly, xét nghiệm, khám bệnh và điều trị chăm sóc cho những người bệnh COVID-19 đang điều trị.

Mạng xã hội không ngừng chia sẻ những hình ảnh đội ngũ y tế kiệt sức khiến nhiều người không khỏi xót xa. Những ngày này, miếng ăn, giấc ngủ của họ nào được đảm bảo, thế nhưng, vượt lên hoàn cảnh, họ vẫn đang từng ngày kiên cường chống chọi để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình yên cho hàng triệu người dân Việt Nam.

Giữa đại dịch Covid- 19, cảm ơn thật nhiều những trái tim vì chúng ta gọi nhau bằng 2 tiếng 'đồng bào' Ảnh 5
Giữa đại dịch Covid- 19, cảm ơn thật nhiều những trái tim vì chúng ta gọi nhau bằng 2 tiếng 'đồng bào' Ảnh 6
Giữa đại dịch Covid- 19, cảm ơn thật nhiều những trái tim vì chúng ta gọi nhau bằng 2 tiếng 'đồng bào' Ảnh 7
Hình ảnh đội ngũ y tế kiệt sức sau những ngày làm việc không ngừng nghỉ khiến nhiều người không khỏi xót xa

Họ cũng có gia đình, người thân như bao người khác, thế nhưng, khi đại dịch bùng lên, họ là những người tiên phong lao vào " trận chiến" cam go này. Tạm gác lại những nỗi niềm riêng, những nhớ nhung với con cái, cha mẹ..., họ làm việc không quản ngày đêm, tất cả vì sức khỏe cộng đồng.

Mới đây, nhiều người đã rưng rưng nước mắt khi chứng kiến khoảnh khắc một bé gáiòa khóc nức nởkhi nhìn thấy hình ảnh của mẹ mặc quần áo bảo hộ kín mít trên tivi, đang chống dịch ở tâm dịch Bắc Giang.

Giữa đại dịch Covid- 19, cảm ơn thật nhiều những trái tim vì chúng ta gọi nhau bằng 2 tiếng 'đồng bào' Ảnh 8
Mọi người đều gửi lời chúc sức khoẻ đến 2 mẹ con, mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi để chị Hạnh có thể sớm về bên con.

Chuyện là mẹ của bé gái là chị Phùng Thị Hạnh, điều dưỡng của bệnh viện Quân Y 103,được cử đến để hỗ trợ tỉnh Bắc Giang chống dịch. Khi cả gia đình đang ăn cơm trưa và xem bản tin thời sự trên VTV1 thì thấy chị Hạnh xuất hiện trên phóng sự, vừa nhìn thấy, bé gái đã oà khóc nức nở đòi mẹ bế. Chỉ đến khi bà nội dỗ bé mới nín khóc.

Đó chỉ là một trong rất rất nhiều những câu chuyện xúc động giữa tình hình dịch bệnh căng thẳng hiện nay. Thế nhưng, vì công cuộc chung của cả nước, tất cả những nỗi niềm đã những người chiến sĩ áo trắng của nhân dân gói ghém và giấu kín trong tim, tiếp tục kiên cường đứng vững trong cuộc chiến Covid chưa biết ngày nào kết thúc.

Thật tuyệt vời biết bao nếu những "chiến binh áo trắng" ấy nhận được sự cảm thông, phối hợp, chia sẻ của bệnh nhân. Hoặc đôi khi là những lời cảm ơn chân thành, hay lá thư viết vội, cũng sẽ là động lực, tiếp thêm sức mạnh tinh thần để họ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Linh

Được quan tâm

Tin mới nhất