Cầm bảng xin học
Sáng ngày 31/8, người dân tại khu vực chợ Mũi Né, Phan Thiết (Bình Thuận) đã rất bất ngờ và hoang mang khi nhìn thấy sự xuất hiện của một nam thanh niên cùng tấm bảng cầu cứu “Thi 26,5 điểm nhưng vẫn không được đến trường. Xin hãy giúp em!” trên tay. Sự việc không chỉ thu hút sự chú ý của người dân hiếu kỳ xung quanh mà còn được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội.
Mặc dù đạt điểm số 26,5, cao nhất trong số 91 thí sinh mà Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cử đi thi nhưng thí sinh này lại không có tên trong danh sách trúng tuyển. Sau đó, anh đã đến Sở Y tế tỉnh tỉnh Bình Thuận khiếu nại nhưng được thông báo lý do là “không phải viên chức Nhà nước nên bị loại”. Đau buồn khi thấy ước mơ trở thành bác sĩ của mình bị dập tắt oan uổng, anh quyết định “cầm bảng” ra đường đòi công bằng.
May mắn thay sự việc đã gây được sự chú ý trong dư luận. Nhờ sức ép thông tin từ các trang mạng xã hội lẫn báo chí, cuối cùng thí sinh này cũng đã nhận được thông báo bổ sung vào danh sách trúng tuyển của trường đại học Y dược Cần Thơ vào tối ngày 31/8 vừa qua.
Cầm bảng xin việc
Phương pháp “cầm bảng” không chỉ được áp dụng để xin học mà còn để xin việc. Vào sáng ngày 17/8, cư dân mang cũng đã có dịp xôn xao khi hình ảnh một ông bố 9X cầm bảng xin việc để mua sữa cho con đứng trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Cụ thể, tấm bảng trên tay chàng trai sinh năm 1990 này ghi rằng: “Tôi vừa tốt nghiệp, tôi đã là Bố. Tôi cần một công việc để mua sữa cho con. Bạn cần tuyển tôi”.
Phần lớn mọi người đều cho rằng bất luận hoàn cảnh ra sao thì việc tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp cũng phải xuất phát từ sự tự chủ và nỗ lực của bản thân chứ không nên mưu cầu lòng thương cảm hay xin - cho. Không may mắn như anh chàng “cầm bảng xin học”, đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức nào về việc chàng trai “cầm bảng xin việc” này đã có việc làm ngoài một số thông tin mập mờ về một doanh nhân sẽ giúp đỡ cậu.
Cầm bảng… cho vui
Cũng nhằm mục đích gây chú ý nhưng trường hợp “cầm bảng” của cô gái sau cũng chỉ dừng lại ở đúng duy nhất mục đích đó. Vào sáng ngày 26/6, một cô gái được cho là đang làm nghề DJ cũng đã cố tình “chơi trội” khi cầm lần lượt 2 tấm bảng với dòng chữ “Phụ nữ ôm 50k, hôn 100k. Đàn ông free từ A đến Z” và “Đàn ông làm gì tùy ý” đứng tại góc đường Lê Thánh Tôn - Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM).
Chưa biết thực hư mục đích hành động của cô gái “cầm bảng cho vui” này là gì nhưng dường như chẳng ai hưởng ứng ý tưởng quái đản của cô. Chỉ sau vài tiếng gây xôn xao một góc đường trung tâm thành phố, cô gái này cũng đã lẳng lặng biến mất cùng tấm bảng mà không có bất kỳ “người khách” nào. Nếu vì mục đích để nổi tiếng thì rõ ràng cô gái này đã thất bại bởi đến hôm nay cũng chẳng mấy ai biết hay nhớ tên cô.
Lời kết
Trong bối cảnh xã hội đương thời, khi mà công nghệ số đang lên ngôi thì sự trở lại của một phương thức truyền thông đậm chất truyền thống như “cầm bảng” đã tạo nên một sự khác biệt và chính sự khác biệt đã lôi kéo được sự chú ý của dư luận đối với người truyền tải thông tin cũng như thông tin được truyền tải. Quả thực không ai có thể ngờ rằng vào thời đại này, một thông điệp được viết tay hoặc in trên bảng rồi được cầm ra đường lại có sức lan tỏa rộng rãi và mạnh mẽ hơn cả việc post một dòng trạng thái trên Facebook như vậy. Với sức mạnh truyền thông đã được minh chứng qua thực tế, “cầm bảng” hứa hẹn sẽ tiếp tục là một phương thức truyền thông được nhiều bạn trẻ lựa chọn khi có nhu cầu gây chú ý.
Hiện tượng “cầm bảng” dù xuất phát từ động cơ nào cũng không nằm ngoài mục đích trước tiên và trên hết là thu hút sự chú ý của dư luận. Nhưng thu hút sự chú ý của dư luận để rồi làm được gì mới là vấn đề quan trọng. Để vừa đạt được mục đích cá nhân vừa không gây phản cảm với những người xung quanh thì trước khi quyết định truyền đi một thông điệp nào đó, chúng ta cũng nên suy nghĩ và cân nhắc thật kỹ từ nội dung thông điệp, hình thức thể hiện và cách thức truyền tải.