#Stayhome để còn có ngày #Sayhi nhau
Trải qua một quãng thời gian sinh sống và làm việc tại mảnh đất nhộn nhịp này, đây là lần đầu tiên mình thấy một Sài Gòn khác lạ đến thế. Một Sài Gòn nhộn nhịp, tấp nập, kẹt xe nay lại yên ắng đến lạ thường. Đây là thời điểm khó khăn nhất của thành phố.
Trước khi dịch, mình thường tụ họp với bạn bè, đồng nghiệp sau mỗi giờ tan ca. Một cuộc hẹn, buổi cafe, ăn uống cuối ngày luôn là thói quen của mình. Thế nhưng sau khi dịch quay trở lại, mọi thứ hầu như đảo lộn. Sau giờ làm, mình chỉ biết quay về nhà, cuộc sống như thế lặp đi lặp lại một khoảng thời gian trước khi mình chính thức bị... ở nhà do nằm trong khu vực có nguy cơ dịch rất cao của thành phố.
Việc áp dụng chỉ thị 16 suy cho cùng cũng là biện pháp thích hợp vào thời điểm này để khống chế sự lây lan của dịch. Trước "giờ G", mình đã chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết, một ít đồ ăn dự trữ, thuốc men để hạn chế tối đa việc ra đường trong những ngày tới đây.
Mình nghĩ điều cần thiết nhất vào lúc này đó chính là một tinh thần thoải mái và suy nghĩ lạc quan, rằng sau chuỗi ngày này, rồi Sài Gòn của mình sẽ trở lại và mạnh mẽ hơn xưa.... Mình #stayhome để sau này còn có thể #sayhi nhau.
Quốc Triệu (quận Bình Thạnh)
Thương lắm, Sài Gòn ơi!
Mình hiện đang là content creator cho một nhãn hàng thời trang. Trong những ngày vừa qua, mình chỉ biết nói đến chữ “thương” khi nhìn Sài Gòn oằn mình chịu đựng rất nhiều tổn thương lúc dịch bệnh ập tới mà thôi.
Trước khi có chỉ thị 16, cuộc sống của mình có thay đổi nhưng về cơ bản mình thấy vẫn ở mức độ lạc quan vì mình vẫn có thể đến công ty trên tình thần an toàn và tuân thủ quy định 5K. Chỉ có điều vài tạm dừng những thú vui như xem phim, đi mua sắm và ăn uống lề đường khiến mình thấy “thiếu”.
Nhưng vì Sài Gòn, mình nghĩ ai cũng có thể hạn chế bớt các nhu cầu cá nhân này. Mình đã cố gắng lạc quan trong hai tháng nay, mình dành nhiều thời gian ở nhà sau khi tan làm để nấu ăn, tập thể dục, học Anh văn và nghe thêm nhiều podcast để nạp thêm kiến thức. Chỉ có điều đã hơn hai tháng nay mình chưa được về quê.
Quê mình ở Long An, cách thành phố 30km, trước dịch bệnh cứ hai tuần mình lại về nhà thăm ba mẹ một lần. Nhưng đợt dịch này, cả Sài Gòn và Long An quê mình đều bị ảnh hưởng không ít bởi dịch bệnh, các ca F0 cứ tăng liên tục khiến mình vừa nhớ nhà, vừa lo cho người thân. Nhưng mình tin là nếu người dân đồng lòng, dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi thôi.
Về lương thực thực phẩm, trước đó mình thường đi cửa hàng tiện lợi để mua đồ ăn cho cả tuần nên cũng không quá lo lắng việc thiếu đồ ăn, hơn nữa thành phố cũng đảm bảo nguồn lương thực nên cũng không có gì hoang mang cả. Công việc mình có bị ảnh hưởng chút ít do mình thường phải làm việc trực tiếp với sản phẩm.
Mình thấy thương Sài Gòn lắm. Nhìn những người bán vé số, bán hàng rong phải lau vội nước mắt vì ngày mai là họ không thể ra đường, không thể mưu sinh và không biết mình sẽ sống thế nào. Hàng quán cũng lần lượt đóng cửa, các tài xế xe ôm công nghệ tranh thủ chạy những chuyến cuối cùng… Vì thế, mình sẵn sàng stayhome, công ty mình cũng thế, bạn bè mình cũng thế nên mình tin là không có quá nhiều khó khăn đâu. Mọi người cố lên nhé!
Kim Nhung (quận Tân Bình, TP.HCM)
Ở nhà là hạnh phúc
Những ngày qua cuộc sống của mình đảo lộn. Trước đây, mình đi làm, đi chơi, đi tập thể thao, hầu như cả ngày chỉ ở bên ngoài tối muộn mới về nhà. Nhưng trong 1 tháng qua, mình ở nhà gần như là 24/24.
Một tháng vừa qua đã cho mình thích nghi với #stayhome, trước khi chỉ thị 16 được ban hành. Mình cũng đọc nhiều thông tin, cảm thấy an tâm khi thức ăn được thành phố mình cung ứng đầy đủ.
Chứng kiến Sài Gòn trong tình thế dịch giã, mình rất lo lắng, bởi đi đường đâu đâu cũng thấy giăng dây rồi nhiều nơi bị phong tỏa. Và mình nghĩ những người lang thang sẽ khó khăn hơn trong đợt dịch này.
Khi xuất hiện chỉ thị 16, mình vừa mừng vừa lo. Mừng vì biện pháp triệt để này chắc chắn sẽ giúp Sài Gòn vượt qua cơn đại dịch, lo là lo cho người nghèo không có công ăn việc làm. Đối với mình, việc ở nhà, có cơm ăn, có giường ngủ... mỗi ngày đã là một hạnh phúc. Vì vậy, mình chọn #stayhome để Sài Gòn mau "lành bệnh".
Thái Duy (quận 8)