Knight Frank khẳng định, trong vòng 5 năm tới, tăng trưởng của giới siêu giàu tại Việt Nam có thể tăng nhanh hàng đầu thế giới với tỷ lệ đạt trên 31%.
Về số triệu phú có tài sản từ 3 triệu USD (gần 70 tỷ đồng) đến dưới 30 triệu USD, năm 2018 Việt Nam có khoảng 12.300 người, tăng hơn 5% so với năm 2017, dự báo năm 2023, con số triệu phú tại Việt Nam có thể tăng lên hơn 15.700 người.
Knight Frank cũng đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam cũng như sự gia nhập của giới người giàu trẻ tuổi trong các lĩnh vực kinh tế mới.
Knight Frank khẳng định năm 2018 thế giới có hơn 200.000 người siêu giàu, số người này nằm phần lớn ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.
Các nước châu Âu đóng góp hơn 1/3 số lượng giới siêu giàu với khoảng 70.000 người, các nước như Ấn Độ, Trung Quốc và Philipines có số người giàu gia tăng nhanh chóng hơn khi đạt mức tăng từ 35% đến gần 40%.
Dự đoán trong vòng 5 năm tới, tổng số người giàu thế giới sẽ tăng trưởng 22%.
Trên thực tế, số lượng người giàu, siêu giàu tại Việt Nam gần đây gia tăng nhanh chóng do kinh tế ổn định, mức sống cao và hội nhập.
Theo Knight Frank, các nền kinh tế mở cửa, xuất khẩu có cơ hội xuất hiện nhiều người giàu hơn. Hiện khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam đang phát triển khá mạnh, phần lớn giới người giàu, siêu giàu và tỷ phú của Việt Nam xuất hiện là doanh nghiệp tư nhân.
Mới đây, Forbes cũng công bố thêm 2 tỷ phú người Việt, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) ghi nhận tài sản hơn 1,7 tỷ USD.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan với số tài sản được định giá 1,3 tỷ USD.
Hiện bảng danh sách tỷ phú Việt dẫn đầu vẫn là ông Phạm Nhật Vượng với khối tài sản trị giá 6,6 tỷ USD, bà Nguyễn Thị Phương Thảo với khối tài sản 2,3 tỷ USD, đứng thứ 3 là ông Trần Bá Dương với khối tài sản trị giá 1,7 tỷ USD.