Shipper là cụm từ rất phổ biến trong vài năm gần đây, để chỉ những người giao hàng trong nội thành. Công việc của shipper tưởng chừng rất đơn giản: chỉ việc lấy hàng và đi giao cho khách, sau đó đã có tiền ngay. Thế nhưng kể ra mới biết, nghề shipper chứa bao nỗi nhọc nhằn và hiểm nguy.
Đối tượng phù hợp của nghề shipper chính là các bạn trẻ độ tuổi mới lớn, các bạn sinh viên hay các bác độ tuổi về hưu. Đây đều là những nhóm tuổi rất dễ trở thành “con mồi” cho những kẻ có dụng ý xấu. Một độ tuổi còn non và thiếu kinh nghiệm cuộc sống, một độ tuổi thì hạn chế về mặt sức khỏe. Những hiểm nguy không phải là chưa từng xảy ra với nghề nhọc nhằn shipper, tuy nhiên mới chỉ dừng ở lừa tiền hoặc “bom” hàng. Còn trả giá bằng cả mạng sống thì có lẽ Duyên là tiếng chuông đầu tiên.
Qua câu chuyện của Duyên (nữ sinh giao gà bị sát hại) đã đến lúc những người hành nghề shipper nên trang bị lại cho mình các kĩ năng mềm khi giao hàng và các kĩ năng phòng vệ bản thân. Bởi khi có hiểm họa xảy ra, trước khi trông mong được cứu thì bản thân người trong cuộc phải tự cứu lấy mình trước.
Những nỗi khổ không tên
Giao hàng có rất nhiều đòi hỏi mà người theo nghề phải đáp ứng được: về thời gian, về giá cả, xe cộ… Thời gian luôn là vấn đề thiết yếu và cũng là yếu tố cạnh tranh giữa các dịch vụ giao hàng. Khách hàng chỉ thích lựa chọn những shop giao hàng nhanh chóng, gọn lẹ. Shipper phải biết chính xác địa chỉ cần đến giao, ước lượng thời gian di chuyển đến nơi là bao lâu, phải tính luôn cả việc ùn tắc, hư xe … để tránh giao hàng cho khách hàng không đúng giờ.
Trong một lượt giao hàng, shipper sẽ nhận nhiều đơn hàng, sau đó phải sắp xếp, lựa chọn những nơi gần để đi giao trước, hoặc chọn những đơn hàng trên cùng một cung đường để thuận thiện đi giao. Như vậy có thể tiết kiệm chi phí xăng khá nhiều, nhưng thời gian lại chậm trễ. Nghề đưa hàng không những đòi hỏi người làm phải khỏe mạnh, dẻo dai, thông thạo đường lối mà phải thận trọng, khéo léo trong cách ứng xử và lựa chọn môi trường làm việc cho mình.
Anh Nguyễn Huy Đức, một shipper tiết lộ, nếu khéo léo trong cách sắp xếp đơn hàng, có mối giao hàng của nhiều shop online ở các tuyến đường khác nhau. Anh giải thích: “Có lần tôi nhận chuyển đồ ăn Tết từ Cầu Giấy cho khách, nhưng bạn này làm công việc “tự do” (freelancer) nên chỗ nhận hàng không cố định. Cả ngày hôm đó, tôi phải hẹn bạn đó tới 5 lần, vì khi bạn hẹn ở Nguyễn Chí Thanh, tôi chạy đến nơi thì bạn đã xong việc và phải di chuyển đến phố Minh Khai. Đường phố gần Tết rất tắc nên tôi không thể đi nhanh, khi đi đến nơi bạn ấy lại đi làm việc ở chỗ khác nữa rồi. Khi đó, chắc chắn tôi phải kết hợp các đơn hàng khác và “xin” thêm phụ phí của khách”.
Ngay cả khi không gặp những tình huống khó đỡ như điện thoại khách không liên lạc được, khách “bùng” không nhận hàng hay bắt shipper phải đợi lâu, địa chỉ sai… nghề shipper cũng đã đủ vất vả. Những chuyện như mải ship hàng đến đầu giờ chiều mà vẫn chưa được ăn vì nhiều khách hẹn vào giờ ăn trưa, shipper đói mờ mặt, vật vờ trên đường vẫn cố lao nhanh cho kịp hẹn … không phải là chuyện lạ với những người đang làm nghề này nữa.
Nhiều nguy hiểm rình rập
Shipper - công việc tưởng chừng rất đơn giản ấy lại chứa đựng những nỗi nhọc nhằn do chính các “thượng đế” gây nên, và những rủi ro phải đối mặt mới những đối tượng xấu lừa đảo, chiếm đoạt tiền hàng và tiền ship. Khi thời tiết tốt thì mọi việc vẫn còn chấp nhận được. Đến khi mùa mưa bất đầu là chuỗi ngày shipper lấy nilon che hàng, còn mình ướt như chuột lột…. Rồi đến mùa nắng nóng, phải chạy hàng chục cây số giữa trưa nắng chang chang để giao hàng. Nỗi lo bị quỵt tiền ship là đã đành, nhưng nỗi lo đặt hàng “ảo” còn khiến cho cả người bán hàng và shipper bức xúc không kém. Mấy ai thấu hiểu được nỗi gian nan của những người làm nghề shipper.
Vào chiều 22-7-2016, anh Nguyễn Văn Hạnh, 35 tuổi, shipper trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, giao quần áo của một shop thời trang tới khách hàng trú tại khu chung cư Times City (phố Minh Khai, phường Mai Động, quận Hoàng Mai). Khách hàng sau khi xem hàng, người đàn ông được cho là giám đốc của một công ty trên địa bàn quận Hoàng Mai không ưng ý đã không trả 30.000 đồng tiền phí vận chuyển cho anh Hạnh. Hai người có đôi co, sau đó khách hàng đấm anh Hạnh, đồng thời cầm chiếc vợt tennis đập túi bụi vào anh này. Hậu quả là anh Hạnh bị gẫy mũi, phải cấp cứu tại Bệnh viện Bưu điện.
Chưa hết, nhiều bạn sinh viên còn gặp những sự cố dở khóc dở cười khi đi giao hàng. T.T - một bạn nữ nhận giao hàng cho một shop bán đồ nam online còn chưa hết sợ hãi khi bị chính khách hàng của mình trêu ghẹo và liên tục gọi điện rủ đi uống nước. Biết là nguy cơ rủi ro luôn rình rập nhưng những người làm nghề này cũng chỉ biết cảnh báo cho nhau biết mà cảnh giác hơn.
Tuy vậy, những vấn đề khó khăn trên các bạn shippper vẫn có thể khắc phục được để tiếp tục theo nghề. Các bạn có thể đi vào những con hẻm để tránh tắc đường, chạy xe cẩn thận hơn để tránh tai nạn đáng tiếc. Dù thời gian có gấp, chỉ tốn 1 phút đèn đỏ, nhưng đó là để an toàn cho tính mạng của bạn và những người tham gia giao thông. Chỉ cần các shipper chịu khó, không quản ngại vất vả thì chắc chắn bạn không lo thất nghiệp với nghề này.
Một số lưu ý để shipper tránh bị lừa
Khi nhận ship, nên đến tận nhà hoặc cửa hàng của người bán, tuyệt đối không nhận hàng ở những địa chỉ công cộng.
Kiểm tra kỹ số điện thoại người nhận, nên gọi trước cho họ khi đến giao hàng. Cẩn thận hơn, có thể kiểm tra số điện thoại người bán, người nhận trên mạng để xem tiền sử hành vi lừa đảo của họ.
Nếu phải ship cùng lúc nhiều đơn hàng, nên gọi thử cho một đơn hàng bất kỳ xem khách ảo hay khách thực.
Nếu đơn hàng có giá trị quá lớn, hãy chỉ đặt cọc một phần tiền hàng và để lại cho người bán CMND, khi giao xong sẽ đến lấy CMND và trả nốt số tiền còn thiếu.
Kiểm tra hàng hóa cẩn thận trước khi giao.
Khi bị lừa, hãy chia sẻ câu chuyện lên mạng, có thể sẽ tìm được “đồng minh” để cùng truy tìm kẻ lừa đảo, đồng thời, cảnh báo cho cộng đồng.