Giáng sinh và những điều ước tử tế của người trẻ

Giáng sinh và những điều ước tử tế của người trẻ

Logo Saostar - Special special

Giáng sinh và những điều ước tử tế của người trẻ

Copy Link
Chia sẻ

Thời gian qua, #songtute đã trở thành một hashtag quen thuộc trên mạng xã hội. Trong xã hội hiện đại, người trẻ có có cơ hội đi nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn, nói những điều mình nghĩ và làm những điều mình muốn. 

Thiên Ân, một chàng trai miền Tây, 23 tuổi đã rời quê hương để trải nghiệm cuộc sống tại Hà Nội. Trong suốt hành trình đó, anh vẫn vững niềm tin mình luôn nhận được sự giúp đỡ từ những người xa lạ. 

Hoài Nhân, 22 tuổi, là người không có khái niệm "lễ hội". Giáng sinh đối với anh đã những chuyến xe cứu thương chạy khắp các tỉnh miền Tây, đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp lúc. 

Ân và Nhân là hai câu chuyện, hai trải nghiệm về giáng sinh nhưng cùng lan toả thông điệp về #songtute.

Giáng sinh và những điều ước tử tế của người trẻ Ảnh 1

"Chào tất cả mọi người, mình là Cam, một người miền Tây, quê Long An. Chuyện là mùa dịch năm rồi mình đã có làm những chuyện điên rồ, mà nhiều người nói là "bộ nó bị khùng hay gì mà ra đó"... Tưởng như không mà không tưởng, đúng thật vậy, mình đã chạy xe máy dọc bờ biển ra đến Hà Nội trong 5 ngày 6 đêm và ở lại Hà Nội gần một năm".

Thiên Ân (23 tuổi) chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng xã hội. Ngay lập tức, bài đăng của Ân đã có hàng nghìn lượt chia sẻ. Giáng sinh năm 2022, Ân lại tiếp tục ra Hà Nội, để ngắm nghía những con đường lộng lẫy sắc màu, tận hưởng cái lạnh của mùa đông đẹp nhất. 

Ân là người là một freelancer trong lĩnh vực IT. Năm 2021, anh đã tự mình đến vùng đất xa lạ để sinh sống. Đối với anh, đây là một chuyến đi đáng nhớ của tuổi trẻ, nhằm để thay đổi cảm xúc của chính mình. Chàng trai trẻ tuổi đã phải bắt đầu cuộc sống mới, và nhận được sự giúp đỡ từ những người xa lạ. 

Ân nhớ lại: "Mình còn nhớ lúc 23h32 phút, mình đã đến địa phận Hà Nội, cảm giác mình hoàn toàn lạ đến mức phát khóc, đi tiếp thì trong đầu nghĩ là tiếp theo mình sẽ làm gì, ở đâu, như thế nào... Một đống hỗn độn, thôi thì cuốn theo chiều gió vậy. Mình đã được một người bạn giới thiệu bạn của họ cho mình ở tạm một vài hôm để tìm trọ. Sau đó thì mình cũng tìm được một homestay ở quận Tây Hồ.

Để tìm việc làm, mình rải CV lên tất các trang mạng xã hội, nền tảng. Đồng thời, mình cũng bắt đầu chạy xe ôm công nghệ. Đây là một công việc mình thấy khi làm rồi nó rất là vui và thú vị. 

Công việc giúp mình kết nối với khách hàng nhiều, giao tiếp nhiều và rành đường ở Hà Nội hơn. Và cũng là một điểm mạnh khi mình chở các vị khách, hầu như là ai ai cũng nói chuyện và hỏi thăm về việc tại sao mình lại chọn Hà Nội.

Mỗi người mỗi lý do khác nhau nhưng tất tần tật đó đều là những điều khiến mình chọn Hà Nội. Sau đó mình được một người bạn mới quen sau khi đi uống trà chanh, giới thiệu một công việc văn phòng và suốt thời gian còn lại ở Hà Nội mình làm công việc ấy".

Ân thừa nhận, anh càng đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, anh lại càng tin vào những điều tử tế luôn ở quanh mình. Tháng 4/2021, Ân bước vào mùa dịch Covid-19 đầy khó khăn.

Giáng sinh và những điều ước tử tế của người trẻ Ảnh 2

Do tính chất công việc, anh không làm online mà phải ở lại công ty làm việc. Có những ngày ngồi buồn bã, nhớ nhà, anh ôm đàn hát vu vơ, có hôm ngồi khóc. 

Ân chia sẻ: "Bạn biết không, các anh chị đồng nghiệp trong công ty tự dưng gom góp cho mình một số tiền mặt và một số đồ dùng, thức ăn. Cảm xúc lúc đó xúc động vô cùng, kiểu một thân một mình ở Hà Nội, mình cũng cảm thấy ấm lòng. Và mình bắt đầu nấu cơm sau chuỗi ngày dài ăn đồ tiệm và mì gói".

Cũng trong hành trình này, Ân đã có thêm những người bạn mới. Sự tử tế luôn có ở quanh anh, trong những mối quan hệ mới vừa bắt đầu. 

Ân nói: "Có một bạn trước là nhân viên của mình, chỗ bạn ấy là điểm xuất hiện ổ dịch đầu tiên tại quận Thanh Xuân nên cũng phải đi cách ly, vừa đi cách ly vừa làm việc online. Sau khi bạn hoàn thành cách ly, bạn tặng cho mình một đống quà nhỏ xinh do chính bạn ấy làm. Ấy vậy mà vui lắm, nhiều mối quan hệ, tuy không quá thân. Đối với mình, đó là những kỷ niệm tốt đẹp. 

Công việc của mình thì đi công tác các tỉnh khá nhiều, như Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hải Dương... Và mình cũng đi du lịch đi chơi được một số nơi ở Tây Bắc như Y Tý, Yên Bái... Thậm chí, mình đi Hạ Long thì cũng có một số bạn bè trên Facebook đón tiếp, dẫn đi khám phá ăn uống... khiến mình có nhiều kỉ niệm hơn".

Nhìn lại hành trình đã qua, Ân luôn thầm biết ơn những ai đã kề cận bên anh trong những ngày khó khăn. Hay vô tình, họ đã cho anh những kỉ niệm thật đẹp về Hà Nội dấu yêu. Và quan trọng hơn hết, người ta vẫn có niềm tin trao đi những điều tử tế, dẫu là người xa lạ.

Giáng sinh và những điều ước tử tế của người trẻ Ảnh 3

"Em đã được cứu sống bởi một người mình không biết tên, chưa từng nhìn mặt", Lê Hoài Nhân mở đầu câu chuyện.

Chàng sinh viên năm cuối của trường Nam Cần Thơ không có ngày nghỉ, hoặc lễ. Giáng sinh đối với em cũng như bao ngày bình thường khác. Bởi bất kì khi nào chiếc điện thoại rung lên, Nhân đều mặc áo khoác, lao đi dưới trời mưa nắng để bà con nghèo kịp lúc đến bệnh viện.

Năm 8 tuổi, Nhân gặp một tai nạn nghiêm trọng cách nhà chừng vài trăm mét. Khi đang lưu thông trên đường, một người phụ nữ đã bị lạc tay lái đã tông trực diện vào em. 

Cú va chạm mạnh đã hất tung cậu bé ra quãng khá xa, xe đạp gãy cong. Nhân nằm trên lề đường, máu túa ra lênh láng, bất tỉnh. Người dân xung quanh bèn chạy lại gíup đỡ. Trong lúc đó, có một người taxi đi ngang qua đã đưa mình vào bệnh viện cấp cứu. Trước khi rời đi, anh này còn dúi vào tay hàng xóm của Nhân một số tiền để em được điều trị. 

Ba mẹ Nhân đến không kịp lúc để nói lời cảm ơn ân nhân đã giúp đỡ con mình. Nhân mở mắt ra, biết rằng mình đã mang một món nợ ân nghĩa không thể trả nổi. Vì thế, lớn lên, em đã mong ước mình có một chuyến xe cứu thương miễn phí để chở bà con nghèo đến bệnh viện.

Giáng sinh và những điều ước tử tế của người trẻ Ảnh 4

Lớn lên, Nhân trở thành sinh viên Y. Cậu thường xuyên đi thực tập tại các bệnh viện lớn thuộc TP. Cần Thơ. Không ít lần, Nhân đã rơi nước mắt vì chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn, bế tắc của những bệnh nhân nghèo. Trong đó, có những người con mắt đỏ hoe, suy sụp sau sự ra đi của mẹ. 

Nhân nói: "Có những người quá khó khăn, phải xin người xung quanh 10.000, 20.000, 50.000 đồng để đưa mẹ về quê nhà. Tháng 10/2021, em được mạnh thường quân hỗ trợ tiền để mua chiếc ô tô. Em mất ngủ gần 2 tuần sau đó để suy nghĩ cách cải tạo xe thành xe cứu thương. Đồng thời, em cũng xin giấy phép hoạt động từ chính quyền địa phương, trao đồi các nghiệp vụ cấp cứu", Nhân nói.

"Gần 1 năm chạy xe miễn phí, em ước mong điều gì nhất", PV hỏi.

"Em mong mình được "thất nghiệp", để chuyến xe không còn chở muộn phiền, để mọi người luôn bình an, luôn nở nụ cười trên môi", Nhân đáp. 

Bởi trên chuyến xe này, Nhân đã chở một người đàn ông về Bạc Liêu qua đời nhưng không ai rõ thân nhân. Xe mình lao đi trong đêm, đến nơi, Nhân liên hệ với chính quyền xã để tìm thân nhân. Khi tìm ra nhà anh chỉ là căn chòi nhỏ, vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Nhà lợp lá, nền đất... trông thương vô cùng.

Hay có lúc, Nhân đưa bệnh nhân suyễn đến nơi kịp lúc. Nhìn người nhà thở phào, cậu như vỡ oà trong niềm vui. Hoặc, có những chuyến xe Nhân cũng không kịp biết họ tên, hoàn cảnh bệnh nhân. 

"Em chưa bao giờ mong cầu sự đền đáp từ những người mà mình giúp đỡ. Chính bản thân em cũng nhận được ân tình từ khi mình còn rất nhỏ. Em mong rằng mình luôn được cho đi, cho thật nhiều...", Nhân nói.

Giáng sinh năm nay, Ân cũng lại ngược xuôi trên những con đường. Tiếng còi vang vang trên xe, để những điều tử tế không bao giờ dừng lại.

Bài viết

Khải Anh

Copy Link
Chia sẻ
Cuộn xuống để đọc tiếp Đọc
tiếp