Tính toán của doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM cho hay nếu không thay đổi mức sử dụng quỹ bình ổn và giữ nguyên thuế, phí… giá bán lẻ với xăng có thể tăng dao động 350-400 đồng/lít. Dầu hỏa và dầu diesel sẽ có mức tăng cao hơn, nhưng cơ quan điều hành sẽ can thiệp bằng quỹ bình ổn.
Các doanh nghiệp này cũng cho biết nếu mức trính lập và xả quỹ vẫn được cơ quan điều hành giữ nguyên, giá xăng có thể tăng 300-400 đồng/lít. Trong khi đó, các mặt hàng dầu sẽ có mức điều chỉnh mạnh hơn, khoảng 500 đồng/lít.
“Hiện giá bán lẻ của mặt hàng xăng đang lỗ khoảng 600 đồng/lít, trong khi với mặt hàng dầu là 350 đồng/lít. Vì vậy trong phiên điều chỉnh ngày mai giá chắc chắn sẽ tăng. Nhưng mức tăng bao nhiêu còn tùy thuộc vào mức độ xả quỹ”, giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu đối mối thông tin.
Vị này nói thêm giá thế giới đang có xu hướng giảm nhưng dư địa của chu kỳ 15 ngày vẫn còn lớn, nên mức điều chỉnh vẫn có thể tăng lên.
Cụ thể, giá xăng dầu thành phẩm ở thị trường Singapore ghi nhận giảm. Trong chu kỳ 15 ngày qua, giá xăng RON 92 ở thị trường này giảm gần 3 USD/thùng, từ mức 74 USD/ thùng xuống mức 71 USD/thùng.
Ở kỳ điều chỉnh trước, xăng RON 92 tăng 271 đồng/lít, giá bán lẻ áp dụng là 18.146 đồng/lít; xăng E5 tăng 224 đồng/lít lên mức 17.858 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 201 đồng/lít, dầu hoả tăng 199 đồng/lít và dầu mazut tăng 265 đồng/kg.
Trong kỳ điều chỉnh này, Liên bộ cũng quyết định tăng chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.Mức chi với xăng khoáng tăng lên 300 đồng/lít (trước là 130 đồng/lít), xăng E5 là 300 đồng/lít (trước là 110 đồng/lít), dầu diesel 250 đồng/lít (trước là 180 đồng/lít), dầu hoả 200 đồng/lít, dầu madut 270 đồng /kg (kỳ trước là 100 đồng/kg).
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 20 kỳ điều chỉnh, trong đó có 8 kỳ tăng giá, 9 đợt giảm giá và 3 kỳ giữ nguyên.