Nỗi đau đáu của "ông ngoại bất đắc dĩ"
Những ngày qua, anh Đ.N.A - cha bé Đ.T.N.L (12 tuổi) bị xâm hại đến sinh con không khỏi đau xót và rối bời. Việc xử trí thế nào với cháu ngoại đã khiến anh đau đáu trăn trở từ khi phát hiện con gái mang bầu do bị xâm hại.
Thời điểm đó, vì không thể phá bỏ khi thai nhi đã lớn (hơn 24 tuần tuổi), lại lo ngại ảnh hưởng đến khả năng sinh nở trong tương lai của con gái, anh A đành để con gái sinh con.
Trên Đời sống và Pháp luật, anh Lê Thành Trung, CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội - nhóm hỗ trợ gia đình bé L mấy tháng nay cho biết, việc cân nhắc giữ lại nuôi hay cho đứa trẻ đi nơi khác khiến anh A rất băn khoăn.
Nếu cho em bé đi làm con nuôi, anh A sợ sau này bản năng người mẹ trỗi dậy, L sẽ hỏi hoặc oán hận bố. Nhưng để lại em bé, anh A cũng lo con mỗi lần nhìn thấy sẽ ám ảnh, nhớ về phút giây bị xâm hại. Mặt khác, L còn quá nhỏ, chưa thể chăm sóc được con. Anh A cũng không có điều kiện kinh tế để nuôi cả con lẫn cháu.
Sau khi bàn bạc, CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội và anh A cùng thống nhất quan điểm sẽ tìm nơi nhờ nuôi dưỡng đứa trẻ vài năm, rồi dần dần khi bé L lớn hơn, sẽ cho bé tiếp xúc với con, thay vì đem cho đứa trẻ làm con nuôi.
Anh Trung cho hay, CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội đã hỗ trợ nhiều trường hợp tương tự cháu L và tin rằng phương án này ít mang lại tổn thương hơn: “Nhiều người tin rằng, cho em bé sơ sinh đi làm con nuôi “cho khuất mắt”, “không giữ lại dòng giống của kẻ xâm hại” là tốt nhất.
Nhưng chúng tôi tin rằng, điều này chỉ giải quyết được cảm xúc tức giận, căm phẫn nhất thời của người nhà nạn nhân. Ngược lại, thời gian trôi qua, quyết định này có thể gieo nỗi ân hận, nỗi đau cho người mẹ nhí và cả gia đình.
Đứa trẻ, dù sinh ra theo một cách ngang trái vẫn là máu thịt của mẹ nó, không thể nói bỏ đi là xong, không còn dính dáng gì.
Quan điểm của CLB là sẽ cố gắng tối đa hỗ trợ để người mẹ có thể giữ lại con, sau này vẫn có mối liên hệ với mẹ, hãn hữu lắm mới cho đứa trẻ đi làm con nuôi. Trong trường hợp bé L khi trao đổi với chúng tôi, bố cháu L cũng có mong muốn như vậy”.
Anh Trung cũng cho biết, để người mẹ nhí giảm được sốc tâm lý, tốt nhất là tách đứa trẻ sơ sinh từ khi vừa lọt lòng để chăm sóc riêng với người mẹ. Nếu có thể, tốt nhất là để người mẹ điều trị ở một phòng riêng, “cách ly” khỏi những cảm xúc của các sản phụ khác.
Khi ở phòng chung, nhìn thấy các sản phụ khác đón con về, ôm ấp con, chăm sóc con, người mẹ nhí có thể sẽ nảy sinh sự quan tâm, tò mò, sợ hãi… gây ảnh hưởng tâm lý. Mọi người cùng phòng cũng có thể vô tình hỏi thăm, xì xào, có thể gây phản ứng tiêu cực, tái lặp sang chấn với người mẹ.
Tuy nhiên, CLB đã không hỗ trợ bé L được đúng như kế hoạch. “Có lẽ đợi cháu L xuất viện, rồi nếu anh A vẫn tiếp tục nhờ, chúng tôi sẽ hỗ trợ tiếp”, anh Trung nói.
"Có một người thân quyết liệt muốn đưa đứa trẻ sơ sinh đi làm con nuôi ở xa"
Anh Trung cho biết thêm, trong kế hoạch hỗ trợ đã trao đổi với anh A trước khi bé L sinh con, CLB đã lên các phương án cụ thể để hỗ trợ phù hợp.
Theo đó, với kinh nghiệm từng hỗ trợ nhiều trường hợp trẻ vị thành niên bị xâm hại, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, họ đã tìm được nơi ở mới, chuyển trường cho bé L, hỗ trợ pháp lý, cũng như hỗ trợ tâm lý cho bé.
Anh Trung tiết lộ, CLB đã kết nối với Ủy ban Bảo vệ trẻ em để bố trí hỗ trợ chuyển nhà, đã xin được trường mới cho bé L học sau khi ổn định sức khỏe. Nhà tạm lánh để nuôi cháu bé sơ sinh cũng đã được chuẩn bị; cũng có người đã nhận anh A vào làm việc phù hợp để có thể trang trải cuộc sống.
Song, tất cả những điều này chỉ được thực hiện nếu anh A còn muốn CLB tiếp tục hỗ trợ, với quan điểm giúp bé L có thể gặp lại con, kết nối với con trong tương lai.
“Chúng tôi được biết có một người thân trong gia đình anh A đang quyết liệt muốn cho cháu bé đi làm con nuôi ở xa. Người này có lẽ cũng gây sức ép cho anh A để anh thay đổi quyết định trước đó.
Chúng tôi chỉ tập trung hỗ trợ nạn nhân của vụ việc, trên tinh thần giúp trẻ bị xâm hại trở về hòa nhập cuộc sống. Quan điểm của chúng tôi có cân nhắc cả phúc lợi của những đứa trẻ sinh ra từ vụ xâm hại.
Dù vậy, thực lòng chúng tôi không muốn tác động hay can thiệp vào chuyện nội bộ gia đình anh A. Cho đến thời điểm này, chúng tôi vẫn tôn trọng quyết định của gia đình, và sẽ hỗ trợ trong khả năng”, anh Trung nói.