Những ngày qua, trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh một ông cụ tóc bạc phơ, quần áo cũ kỹ, đang đứng chờ mua cơm thanh lý lúc đêm khuya tại một siêu thị ở TP Đà Nẵng.
Theo bạn V.N, người đăng tải bức ảnh cho biết: “Đêm nào cũng vậy, cứ đúng giờ siêu thị giảm giá hộp cơm còn một nửa là ông mới dám mua. Lí do là vì có thằng con làm thợ hồ, tối nào cũng đi làm về là nhậu, bỏ bê không ngó nghiêng gì tới ông, cho nên ông chờ cơm giá rẻ còn 10.000 đồng mới mua. Nhiều ngày khách đông, không còn hộp nào kể cả cơm hay bún là ông về tay không, quá tội!
Ai có lòng đi BigC, gặp ông thì cứ coi nhịn ăn cái bánh, nhịn uống ly trà sữa cho ông 10 ngàn thôi cũng được, giúp ông bữa cơm cho ấm bụng cả mình cả ông. Đây hoàn toàn câu chuyện mình hỏi ông luôn. Cứ gặp hỏi ông là biết nhé mọi người. Ông nói nghe tội lắm: “Tôi không dám đứng gần chỗ bán cơm, chỉ đợi giờ giảm mới tới, chứ đứng đó lâu họ tưởng tôi ăn trộm ăn cắp hay gì họ la”. Ông thường ở đây tầm 8 giờ tối, tầng 1, khu vực bán cơm hộp đóng gói sẵn nha mọi người…”.
Ngay sau khi đăng tải, câu chuyện cảm động này đã được cộng đồng mạng chia sẻ “chóng mặt”. Ai cũng bày tỏ sự xót thương đối với ông cụ khắc khổ và cùng nhau kêu gọi sự giúp đỡ ông có được những bữa cơm no bụng hơn.
Được biết, cụ ông trong câu chuyện này tên Nguyễn Văn Roanh (87 tuổi, trú tại Kiệt 424/H19/30 đường Ông Ích Khiêm, P. Vĩnh Trung, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng). Cụ Roanh sinh ra và lớn lên trong một gia đình bần nông nghèo ở một huyện miền núi phía Bắc.
Sau ngày giải phóng, cụ Roanh chuyển vào Đà Nẵng sinh sống. Vợ cụ Roanh qua đời sớm, một mình cụ “gà trống nuôi con” ngót nghét cũng đã hơn 50 năm. Thời còn trẻ, cụ Roanh mưu sinh bằng nghề bốc vác thuê ở chợ Cồn. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trước, cụ phải mổ thận nên sức khỏe yếu đi, từ đó cụ không thể lao động nặng được nữa…
Cụ Roanh có 2 người con trai năm nay cũng đã ngoài 50 tuổi nhưng vẫn chưa lập gia đình riêng mà vẫn sống chung với cụ trong căn nhà cấp 4 lụp xụp. Cách đây khoảng 6 năm, con trai đầu của cụ là Nguyễn Văn Giang (54 tuổi) bất ngờ bị tai nạn giao thông trong lúc đi làm. Dù may mắn giữ được mạng sống nhưng chú Giang bị tàn tật, chỉ biết ngồi một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải dựa vào đôi bàn tay gầy gò của người cha già gần 90 tuổi.
Người con trai út của cụ Roanh còn khoẻ mạnh nhưng làm nghề thợ nề (phụ hồ), thu nhập ba cọc ba đồng nên cũng không giúp đỡ được nhiều cho cha và anh. Nhờ chính quyền địa phương quan tâm nên mỗi tháng cụ Roanh và chú Giang được nhận 780.000 đồng tiền trợ cấp cho người cao tuổi và tàn tật.
Với số tiền ít ỏi này, để “cầm đói” qua ngày và lo tiền thuốc thang cho 2 cha con, hằng ngày cứ 8 giờ tối là cụ Roanh lại ra siêu thị đợi để được mua cơm thanh lý với giá 10.000 đồng về cho 2 cha con ăn tối. Đặc biệt, có những hôm, siêu thị không còn hộp cơm nào, ông đành tay trắng ra về…
Khi tôi hỏi cụ có ước mơ gì, cụ Roanh suy nghĩ một lúc rồi đáp: “Chừ già rồi, chẳng biết còn sống bao lâu nữa, nên tôi cũng chẳng giám ước mơ chi nữa hết. Chỉ mong sao có cơm no ăn qua ngày là đủ rồi. Cũng may ở đây chính quyền địa phương và bà con làng xóm cũng quan tâm, giúp đỡ cho gia đình tôi lắm, chứ 2 thằng con của tôi thì một thằng tàn tật phải ngồi một chỗ, còn thằng khoẻ thì suốt ngày rượu chè, làm không đủ nuôi thân nên tôi lo lắm, chỉ sợ rủi mai mốt mình chết thì thằng Giang biết sống sao đây…”.
Nghe những lời của cha già, chú Giang nghẹn ngào: “Tôi thương cha lắm, già cả rồi nhưng hằng ngày ông vẫn phải chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho tôi. Có những hôm ông ấy đợi mua cơm giá rẻ ở siêu thị đến khuya mới lụi hụi về, nhìn vậy tôi như đứt từng khúc ruột nhưng cũng bất lực vì không thể giúp được gì. Tôi nay sống như đã chết, cả đời cha nuôi tôi khôn lớn vậy mà đến giờ cha vẫn phải lam lũ, cực khổ đủ bề…”.