Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Ghi dấu chưa từng có Việt Nam: Phạm Nhật Vượng kỷ lục 10 tỷ USD

Cổ phiếu của tỷ phú số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng tiếp tục có sự bứt phá đáng ngạc nhiên lên đỉnh cao lịch sử và tình cờ kéo thị trường chung đi lên, vượt lên trên một ngưỡng cản quan trọng mới.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiếp tục có thêm một cú bứt phá và vượt lên trên một ngưỡng cản mới: 1.010 điểm.

Sự bứt phá của chứng khoán Việt Nam tiếp tục là nhờ nhóm cổ phiếu trụ cột với động lực chính từ bộ 3 cổ phiếu của tỷ phú số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng: Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE) và nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Cổ phiếu Vingroup (VIC) trong phiên giao dịch 18/3 thậm chí còn bứt phá lên đỉnh cao lịch sử mới: 121.300 đồng/cp (giá điều chỉnh) trong bối cảnh doanh nghiệp của ông Phạm Nhật Vượng đang có kế hoạch huy động tối thiểu 25 ngàn tỷ đồng để thực hiện tham vọng mở rộng đế chế, thực hiện chiến lược và trả nợ gốc và lãi 10 ngàn tỷ theo kế hoạch trong 2019.

Sự tăng giá của bộ 3 cổ phiếu nhà ông Phạm Nhật Vượng (vốn chiếm khoảng 24% vốn hóa sàn HOSE), đặc biệt là cú bứt phá của cổ phiếu Vingroup trong khoảng 1 tháng qua đã giúp túi tiền của ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Tập đoàn Vingroup, gia tăng chóng mặt lên mức cao kỷ lục mới: sát ngưỡng 10 tỷ USD.

Cụ thể, với việc sở hữu 1,865 tỷ cổ phiếu VIC, ông Phạm Nhật Vượng đang có túi tiền quy từ cổ phiếu này trị giá hơn 226,2 ngàn tỷ đồng (tương đương gần 10 tỷ USD), cao hơn mức 7,9 tỷ USD mà Forbes ghi nhận tính tới hết ngày 18/3/2019.

Không chỉ ông Vượng, mà vợ đại gia này cũng giàu kỷ lục. Bà Phạm Thu Hương đang sở hữu hơn 151 triệu cổ phiếu VIC, trị giá hơn 18,3 ngàn tỷ đồng và là người có cơ hội sáng sủa nhất trở thành nữ tỷ phú USD thứ 2 tại Đông Nam Á, sau bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO VietJet.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng (vốn chiếm tỷ trọng khoảng 21% trên sàn HOSE) diễn biến tích cực cũng đã cùng với bộ 3 cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng đẩy thị trường chứng khoán đi lên khá ấn tượng.

Nhóm cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng, đặc biệt là Vingroup (VIC) tăng ấn tượng trong bối cảnh doanh nghiệp của tỷ phú số 1 Việt Nam có kế hoạch hút tối thiểu 25 ngàn tỷ đồng để thực hiện tham vọng mở rộng đế chế, thực hiện chiến lược, trong đó có khoản 10 ngàn tỷ dùng để trả nợ gốc và lãi trong 2019.

Trước đó, Tập đoàn Vingroup (VIC) đã công bố các tài liệu trình đại hội đồng cổ đông dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản. Trong đó, một nội dung đáng chú ý là HĐQT Vingroup đề xuất việc chào bán cổ phần riêng lẻ 250 triệu cổ phiếu cho các tổ chức nước ngoài trong năm 2019 với giá chào bán trên 100.000 đồng/cp, tương ứng giá trị huy động tối thiểu 25.000 tỷ đồng.

Vingroup hiện có tổng tài sản gần 290 ngàn tỷ đồng; quy mô vốn điều lệ gần 32 ngàn tỷ đồng; vốn hóa gần 380 ngàn tỷ đồng (16,2 tỷ USD); vốn chủ sở hữu 99 ngàn tỷ đồng (4,3 tỷ USD) và tổng nợ là 190 ngàn tỷ đồng (8,2 tỷ USD).

Kế hoạch cũng cho thấy, Vingroup sẽ tập trung đầu tư mạnh vào sản xuất ô tô; nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất các sản phẩm công nghệ. Mảng bất động sản không còn nằm ở vị trí ưu tiên số 1 như trong nhiều năm trước đó và đây là định hướng đúng như theo chiến lược mà Vingroup đã đề ra gần đây là: Vingroup đến năm 2028 sẽ trở thành một Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó Công nghệ chiếm tỷ trọng chính.

Trước đó, hồi tháng 8/2018, Vingroup cũng đã chào bán 84 triệu cổ phiếu ưu đãi cho Công ty Quản lý quỹ Hanwha của Hàn Quốc thu về 9,3 ngàn tỷ đồng (400 triệu USD). Trong khi công ty con Vinhomes - chuyên mảng bất động sản của Vingroup - hồi tháng 5/2018 cũng có đợt chào bán cổ phần thu về số tiền kỷ lục 1,35 tỷ USD.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhóm cổ phiếu blue-chips tiếp tục là trụ đỡ giúp VN-Index tăng 8 điểm trong phiên đầu tuần lên trên ngưỡng 1.010 điểm. Các cổ phiếu tăng điểm nổi bật là Vinhomes, Vingroup, Vincom Retail, VietJet, GAS, Masan, Petrolimex, Vietcombank, Vietinbank, Techcombank, BIDV, VPBank…

Trong khi đó, các nhóm khác như bất động sản và xây dựng… phân hóa rõ nét. Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn tích cực trong các dự báo.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, nhóm cổ phiếu ngân hàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục có diễn biến tích cực để hỗ trợ và giữ nhịp cho đà đi lên của thị trường. Ngoài ra, BVSC cũng đánh giá xu hướng của chỉ số VN30 ở mức tích cực nên nhiều khả năng các cổ phiếu bluechips sẽ có diễn biến khởi sắc trong giai đoạn tới. Ngoài nhóm ngân hàng, dòng tiền dự kiến sẽ dịch chuyển sự quan tâm nhiều hơn đến nhóm cổ phiếu dầu khí, bất động sản… trong tuần này.

Còn theo Rồng Việt, xu hướng tăng tiếp tục kéo dài trên cả ba sàn, với thanh khoản ở mức vừa phải. Dòng tiền tiếp tục tập trung vào những cổ phiếu đã tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua. Khối ngoại giao dịch kém tích cực khi bán ròng phiên thứ ba liên tiếp. Nhà đầu tư có thể canh chốt lời dần những cổ phiếu đã đạt mục tiêu kỳ vọng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/3, VN-Index tăng 7,74 điểm lên 1011,86 điểm; HNX-Index tăng 0,44 điểm lên 110,88 điểm. Upcom-Index tăng 0,16 điểm lên 57,42 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 290 triệu đơn vị, trị giá 6,3 ngàn tỷ đồng.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo ICT News

Được quan tâm

Tin mới nhất