Hàng chục tấn cá chết ở Hồ Tây (Hà Nội) sau khi vớt lên được chuyển về bãi rác Nam Sơn để chôn lấp theo đúng quy trình, không để xảy ra dịch bệnh, ô nhiễm môi trường...
Từ tối 2/10 tới chiều tối 3/10, lực lượng chức năng bao gồm quân đội, công an đã tích cực thu gom được 60 tấn cá chết tại hồ Tây.
Toàn bộ cá chết vớt lên được đổ vào thùng rác để đem đi tiêu hủy.
Số cá chết được gom lại và bỏ vào bao tải để đưa đến nơi tập kết là bãi rác Nam Sơn.
Chiều tối 3/10, công việc thu gom cơ bản hoàn thành, sau khi họp rút kinh nghiệm, các đơn vị chức năng đã nhanh chóng dọn dẹp vệ sinh môi trường quanh khu vực đường ven hồ từ Nguyễn Đình Thi tới Trích Sài.
Đơn vị y tế phun thuốc đề phòng dịch bệnh.
Công tác dọn dẹp sạch sẽ khu vực tập kết được các đơn vị của công ty môi trường đô thị nhanh chóng triển khai.
Những chuyến xe thu gom xác cá cuối cùng nhanh chóng được kiểm tra trước khi lăn bánh về khu liên hợp xử lí chất thải Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội. Mọi thứ được kiểm tra kĩ càng để tránh gây ô nhiễm trên đường vận chuyển.
Sau quãng đường gần 50km từ hồ Tây về khu xử lí rác Nam Sơn, chiếc xe tải của xí nghiệp 3 nhanh chóng được đưa vào khu vực cân trước khi ra bãi tập kết.
Tại đây, đơn vị chức năng có khu vực tập kết riêng để xử lí số lượng cá khá lớn này.
Một tổ công nhân môi trường đô thị chuẩn bị sẵn vôi bột để rải lên các bao tải cá.
Khu vực chôn lấp cá được đào từ đêm 2/10 với diện tích hơn 100m2, sâu 2,5m. Sau khi đào hố, các công nhân tại khu liên hợp xử lí chất thải Nam Sơn đã cho lót giấy bạc và quây rào.
Đây là phương thức xử lí giống với những lần xử lí gia cầm, gia súc bị dịch bệnh.
Ngay sau khi xe chở rác đổ các bao tải cát xuống, xe ủi di chuyển xuống khu vực chôn trong khi các công nhân nhanh chóng rắc vôi bột. Sau khi chôn các bao tải cá cùng vôi bột, các lớp bao tải sẽ được chèn lớp đất lên trên và phun chất khử mùi, thuốc sát trùng để tránh dịch bệnh.
Theo ông Lê Hồng Phong, phó giám đốc khu liên hợp xử lí chất thải Nam Sơn, trực thuộc Urenco 8 cho biết: “Việc xử lí và tiêu hủy cá chết được thực hiện khá nghiêm túc và cẩn thận, việc di chuyển trên đường và xe sau khi quay trở lại thành phố được vệ sinh kỹ lưỡng và phun tẩy trùng, khử mùi Enchoice.”
Các phương tiện vận chuyển sau khi vệ sinh phần thùng và bên ngoài để khử mùi còn phải trải qua khâu vệ sinh bằng Cloramin B để đảm bảo vệ sinh và phòng dịch bệnh.
Song song với công tác đảm bảo môi trường suốt quá trình di chuyển thì công tác giám sát quy trình tiêu hủy cá chết được thực hiện đúng quy định, đảm bảo không phát sinh dịch bệnh. Trong vòng 1- 3 tuần đầu sau khi chôn lấp, công nhân sẽ thường xuyên kiểm tra hố chôn để phát hiện sớm hiện tượng lún sụt, bốc mùi để xử lý kịp thời.
Chiếc xe sau khi được kiểm tra đảm bảo an toàn sẽ được cân tải trọng để tính toán lượng cá đã chở lên đây tiêu hủy.