Là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng của cả nước, Phú Quốc được mệnh danh là “đảo ngọc” về du lịch được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến.
Bên cạnh nhưng khu resort, những khách sạn 5 sao, những nhà hàng sang trọng và những bãi tắm đẹp như mơ thì tại những bãi rác khổng lồ của đảo như bãi rác An Thới là “đất mưu sinh” cho nhiều hộ hộ gia đình khó khăn nơi đây.
Sau khi có xe rác đến đổ, nhiều người tụ lại đào bới, nhặt ve chai, quần áo cũ, vật dụng hỏng… trong bãi rác để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống hằng ngày. Nhiều người dựng chòi tạm bợ ngay tại bãi rác để thuận tiện cho công việc nhặt rác có thu nhập từ 50.000 đến 100.000 đồng / ngày.
Cuộc sống của những người dân ở đây cứ thế lay lắt trôi qua từng ngày trong sự đói nghèo và môi trường ô nhiễm.Sống trong môi trường đầy ruồi, muỗi vây quanh bởi núi rác thải, nhiều người mắc phải các bệnh về hô hấp nhưng cũng cố gắng “đi làm”. Những gia đình tại đây cho biết đối với họ, một bữa cơm no cũng đủ giúp họ cảm thấy ấm lòng.
Bé Danh Thị Trân (6 tuổi) không được đi học mà hàng ngày phải ra bãi rác phụ mẹ nhặt tìm ve chai.
Ông Trần Ngọc Thuận (67 tuổi) với hơn 20 năm sống tại bãi rác cho biết: “Dù rất vất vả nhưng phải bám víu vào bãi rác để có miếng ăn. Dù biết là ô nhiễm, bệnh tật nhưng không làm thì biết lấy gì sống, hôi thối ngửi lâu rồi quen rồi”.
Điều đáng nói là có những trẻ em cũng tham gia công việc nhặt rác. Bé Danh Thị Trân (6 tuổi) mặc dù đến tuổi đến trường nhưng Trân vẫn không được đi học do gia đình khó khăn. Hằng ngày Trân ra bãi rác phụ mẹ nhặt tìm ve chai.
Do tiếp xúc với môi trường ô nhiễm nặng nề, bé Trân thường xuyên bị bệnh. Bé cũng thường xuyên té ngã do kéo rác tìm phế liệu. Chút niềm vui nho nhỏ của Trân có thể là mỗi khi tìm thấy những món đồ chơi bị vứt đi hay những cuốn truyện tranh nhiều màu sắc.
“Con nghỉ học con theo giúp mẹ. Con lượm đồ chơi con chơi với bạn vui” - Trân nói.