Mới đây, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long vừa tung trailer chính thức của vở nhạc kịch Giấc mơ Chí Phèo. Đây là dự án đầy tâm huyết được thực hiện sau nhiều năm ấp ủ.
Với trăn trở và khát vọng về một sân khấu broadway tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nghe thưởng nghệ thuật, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long kết hợp cùng Dương Cầm đã hiện thực hoá điều đó sau rất nhiều năm ấp ủ.
Theo Dương Cầm, Giấc mơ Chí Phèo là vở nhạc kịch mang đậm màu sắc broadway quốc tế. Lần đầu tiên một vở kịch broadway cảm tác từ văn học nước nhà được vang lên làm thỏa mãn những khao khát của người Việt.
Dương Cầm cho biết, chất liệu văn học Việt Nam đi vào các tác phẩm sáng tạo khác như âm nhạc, điện ảnh, hội hoạ từ trước đến nay không còn là điều xa lạ. Việc kể chuyện văn học Việt bằng ngôn ngữ sân khấu phương Tây ở Việt Nam cũng không còn là hy hữu. Nhưng với loại hình nhạc kịch thì quả thực văn học là một “mỏ vàng" màu mỡ.
Trên thế giới các vở nhạc kịch nổi tiếng được cảm tác và chuyển soạn từ các tác phẩm văn học kinh điển đều được đón nhận và có những ảnh hưởng lớn đến nhiều đối tượng khán giả. Có thể kể đến những tác phẩm như Những người khốn khổ của văn hào Victor Hugo và vở nhạc kịch broadway cùng tên, Dreamgrils, Nữ bá tước Mariza (Grafin Mariza),…
Trong 90 phút, vở nhạc kịch với âm nhạc sẽ kể về cuộc đấu tranh khốc liệt của Chí Phèo với tấn bi kịch số phận. Tuy nhiên, Giấc mơ Chí Phèo không nặng nề về tâm lý và không đi sâu vào mô tả hiện thực đời sống của tầng lớp con người trong xã hội phong kiến mà hướng tới yếu tố lãng mạn trong câu chuyện lứa đôi của Chí Phèo và Thị Nở.
Thông qua vở nhạc kịch, Dương Cầm muốn tái hiện một tinh thần văn học với góc nhìn nhân văn, thông qua âm nhạc để thể hiện một Chí Phèo "bình thường và thiện lương", tôn vinh giá trị của tình yêu chân thành của con người dù có bị vùi dập bởi số phận, dù trong mọi hoàn cảnh, tình yêu luôn là sự cứu rỗi: "Ai cũng muốn mình là người bình thường, ai cũng muốn mình được yêu thương!" .