“Đây là hình ảnh chuyến đi xuyên Việt của một bà mẹ trẻ và cô con gái chỉ mới 4,5 tuổi. Chuyến đi bắt đầu ngày 12/06/2015. Bà mẹ trẻ với suy nghĩ ” Sống là để tận hưởng chứ không phải để tồn tại” quyết định sẽ đem lại cho con gái thật nhiều những trải nghiệm thú vị trong cuộc sống. Hành trình và những hình ảnh cụ thể của chuyến đi sẽ được cập nhật sau đó, bạn nào like và ủng hộ chuyến đi của hai mẹ con nào?”, đó là nội dung được chia sẻ trên diễn đàn mạng đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
“Sống là để tận hưởng chứ không phải tồn tại” - câu chuyện về hành trình trải nghiệm của người mẹ và đứa con nhỏ dường như đã thật rõ ràng về cách mà chị lựa chọn để định hướng cho cô con gái của mình.
Chúng ta vẫn thường phê phán, chỉ trích thái độ bao bọc thái quá của một số ông bố, bà mẹ Việt. Với cách nhìn mới mẻ của cuộc sống hiện đại, sự yêu thương chính là những trải nghiệm cuộc sống mà người mẹ mong muốn con mình có thể tận hưởng. Vì hơn ai hết, một người mẹ, chắc hẳn rằng sẽ là người luôn làm những việc tốt nhất cho con mình, người mẹ hiểu hơn ai hết và phải chuẩn bị kĩ càng, đầy đủ cho đứa con. Mẹ muốn trên những đoạn đường mẹ đi luôn có hai mẹ con bên nhau để trải nghiệm cuộc sống này. Sau chuyến đi, mẹ mong con sẽ trưởng thành hơn và nhận ra rằng, yêu thương không đơn giản là sự bao bọc, yêu thương là dạy con cách trưởng thành, dạy con biết cuộc sống có vô vàn điều ý nghĩa mà mỗi phút giây sống là mỗi phút giây tận hưởng…
Với nhiều quan điểm trái chiều, ngay từ khi được chia sẻ, câu chuyện đã tạo nên những tranh cãi xoay quanh cách dạy con. Câu hỏi đặt ra là một đứa trẻ mới chỉ 4, 5 tuổi liệu có cần thiết phải được dạy dỗ và trưởng thành theo cách hành xác như vậy?
“Chỉ lo cho đứa bé không đủ sức khỏe. Chưa đầy 6 tuổi mà hành hạ con gái thế”, một thành viên mạng lo ngại sau khi biết đến câu chuyện.
Bày tỏ quan điểm cho rằng nên dành sự yêu thương và chăm sóc chu đáo cho một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, thành viên L.N bình luận: “Mình không ủng hộ suy nghĩ người mẹ trẻ này tí nào. Đứa trẻ còn nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn, chúng nó ham ăn ham ngủ hơn ham đi hơn nữa khả năng miễn dịch còn thấp, đến từng vùng thời tiết thay đổi không chịu đựng được là ốm, sốt huyết rồi bị thổ thì khổ ra đấy. Hãy ở nhà chăm bẵm con thật tốt. Dành cho nó những chuyến du lịch thì tốt hơn là đi phượt kiểu này”.
Tuy nhiên, hành trình thú vị cùng triết lý dạy con mới mẻ này cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ không ít người có tư duy mới.
“Ngưỡng mộ quá. Đâu phải đơn giản mà có thể làm được như vậy”, nickname T.H thể hiện sự khâm phục với việc làm táo bạo của người mẹ.
“Nếu bà mẹ trẻ này đủ khả năng để chăm con xuyên suốt hành trình thì mình hoàn toàn ủng hộ và còn cảm thấy ngưỡng mộ ấy chứ. Bà mẹ muốn trên những đoạn đường mẹ đi luôn có 2 mẹ con bên nhau để trải nghiệm cuộc sống này. Sau chuyến đi này mình tin chắc một điều là khi về đứa trẻ này sẽ trưởng thành hơn rất nhiều. Ai chẳng yêu con thương con, mỗi người có một cách riêng cho riêng mình. Đâu phải cứ bao bọc con trong nhà là tốt là không ốm không đau”, một thành viên khác đồng tình.
Quan niệm về hạnh phúc, hưởng thụ và sống của mỗi người khác nhau là lý do dẫn tới những quan điểm trái chiều. Còn nhớ, vào tháng 7/2013, câu chuyện một người cha quyết định cho hai đứa con ở tuổi mầm non và tiểu học của mình đi “phượt” Fansipan để trải nghiệm cuộc sống cũng gây nên những tranh cãi gay gắt trong cộng đồng mạng.
Ba cha con anh Dương Xuân Cường, bé trai Dương Xuân Nam Khánh (học lớp 3) và bé gái Dương Khánh Linh (học mẫu giáo) vừa chinh phục thành công đỉnh Fansipan. Dựa vào kinh nghiệm một lần leo Fansipan nên anh Cường tự mình dẫn con đi mà không cần thuê người dẫn đường, người khuân vác (porter). Trên hành trình, có những lúc kiệt sức, hai bé rơm rớm nước mắt, muốn bỏ cuộc, nhưng anh Cường quyết tâm dẫn các con đi tiếp. Ông bố này cho rằng chinh phục Fansipan là một trong những cách tốt nhất để các con hiểu rằng chúng phải tự lực vượt qua khó khăn, bước qua những ranh giới của cuộc sống.
Từ câu chuyện người mẹ cho con đi xuyên Việt tới người cha cho con 5 tuổi leo Fansipan, nhiều câu hỏi về cách giáo dục con cái đang được đặt ra. Nên dạy con theo cách nào, cách truyền thống như các cụ ta đã làm, cách “an toàn” mà mọi người vẫn hay thực hiện hay để con được trải nghiệm cuộc sống mà những ông bố, bà mẹ này đang làm?