Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Đồng loạt tăng giá 1.800 dịch vụ y tế vào tháng 11/2015

Một thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế, Bộ Tài Chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN) về điều chỉnh tăng mức giá viện phí dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 11/2015.

Chưa áp dụng giá mới với người không có BHYT

Ngày 9/10, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cho biết thông tin về việc chuẩn bị áp dụng giá viện phí mới sau khi thông tư liên bộ được ban hành. Theo đó, dự kiến trong tháng 11/2015, các bệnh viện (BV) trên toàn quốc sẽ đồng loạt áp dụng giá viện phí mới cho khoảng 1.800 dịch vụ y tế. Giá dịch vụ này bao gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24h, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật).

Theo Thông tư, giá dự kiến tăng trong năm 2015 bao gồm: Giá khám bệnh (theo hạng BV); giá ngày giường (theo hạng BV và chuyên khoa, các khoa chi phí nhiều như cấp cứu, hồi sức sẽ được quy định cao hơn) và giá dịch vụ kỹ thuật sẽ áp dụng chung cho các hạng BV.

Tuy nhiên khác với những lần điều chỉnh giá viện phí theo lộ trình trước đó, mức giá mới áp dụng cho tất cả mọi đối tượng từ người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện, người không có thẻ BHYT, người có thẻ BHYT người nghèo… thì trong lần điều chỉnh giá này, trước mắt giá viện phí mới sẽ được áp dụng với bệnh nhân có thẻ BHYT. Còn lại, gần 30% người dân chưa có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh vẫn áp dụng mức giá hiện hành.

Giá viện phí dần hướng tới tính đúng, tính đủ để tăng chất lượng y tế. Ảnh: H.Hải

Giá viện phí dần hướng tới tính đúng, tính đủ để tăng chất lượng y tế. Ảnh: H.Hải

Ông Liên cho biết, giá dịch vụ mới này đã bao gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24h, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật). Người không có thẻ BHYT vẫn áp dụng mức giá hiện nay nên trước mắt, việc tăng giá viện phí chưa tác động đến đối tượng này. Các nhóm đối tượng còn lại có thẻ BHYT đều được hưởng BHYT theo quy định và không bị ảnh hưởng đến tài chính, bởi việc tăng giá viện phí sẽ tăng chi trả của quỹ BHYT với dịch vụ người bệnh được hưởng, chi phí tiền túi người bệnh phải trả thêm không đáng kể.

Tuy nhiên đến tháng 3/2016, khi mà giá viện phí được tính đúng, tính đủ bao gồm cả tiền lương của nhân viên y tế và sẽ được thực hiện thống nhất trên toàn quốc, sự tác động đến đối tượng không có thẻ BHYT là không nhỏ.

Một đại diện BHXH VN giải thích, khi viện phí hướng đến tính đúng, tính đủ, tấm thẻ BHYT thực sự sẽ ngày càng trở nên giá trị bởi nó chi trả cho người bệnh số tiền rất lớn mà những người không có thẻ sẽ khó có thể kham nổi việc điều trị nếu không có thẻ BHYT hỗ trợ.

Ví như với những bệnh nhân điều trị ung thư, bệnh mãn tính như suy thận phải chạy thận… 100% người bệnh đều có thẻ BHYT. “Nếu không có BHYT, dù người giàu cũng không kham nổi chi phí điều trị, từ giàu mà thành nghèo, rồi đến sạt nghiệp. Trong khi đó, có thẻ BHYT họ được đảm bảo điều trị. Như với ung thư vú, quỹ BHYT chi trả ít nhất 840 triệu/bệnh nhân/năm điều trị. Còn với các ung thư khác phải sử dụng thuốc điều trị trúng đích, có những loại ung thư quỹ BHYT chi trả 1,4 tỷ/bệnh nhân/năm điều trị. Khi mức giá viện phí điều chỉnh tăng, các chi phí này cũng tăng theo và người bệnh không có thẻ BHYT sẽ không kham nổi chi phí điều trị”, vị này nói.

Vì thế, việc điều chỉnh tăng giá viện phí theo lộ trình vừa thúc đẩy tăng cường chất lượng dịch vụ y tế, vừa góp phần thúc đẩy BHYT toàn dân.

Chấm dứt tình trạng bệnh viện “né” điều trị

Ông Nam Liên cho biết, lần điều chỉnh giá dịch vụ y tế trước đây Bộ Y tế chỉ ban hành khung giá còn việc áp dụng mức giá như thế nào trong khung là do các địa phương tự xây dựng giá và HĐND phê duyệt.

Vì tình trạng mỗi tỉnh một loại giá dù cùng một dịch vụ kỹ thuật đã dẫn đến những bất cập. Ví như cùng một hạng bệnh viện nhưng bệnh viện A tại tỉnh này lại có mức thu phẫu thuật ruột thừa cao hơn bệnh viện B (cùng hạng với bệnh viện A) ở tỉnh kia.

Chưa kể, điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi tỉnh khác nhau cũng kéo theo sự biến động về mức giá. Có những tỉnh miền núi nhưng tỷ lệ người nghèo cao, trong khi người nghèo lại được cấp thẻ BHYT miễn phí, mức tham gia BHYT cao hơn nên khi phê duyệt giá đã “mạnh dạn” thu ở mức cao bởi đại đa số bệnh nhân đã có thẻ BHYT chi trả.

Trong khi đó, ở các tỉnh điều kiện kinh tế tốt hơn, người nghèo ít, số tham gia BHYT không cao bằng tỉnh miền núi. Nếu phê duyệt ở một mức giá cao người dân sẽ rất khốn đốn khi đi khám chữa bệnh mà không có BHYT. Vì thế, họ phải lựa chọn mức viện phí thấp hơn dẫn đến sự bất bình đẳng giữa bệnh nhân ở các địa phương khác nhau.

Đặc biệt, khi xét về chi phí khám chữa bệnh của cùng một dịch vụ thì chi phí bệnh viện phải bỏ ra là như nhau. Tuy nhiên, trước đây, các BV tuyến huyện thường bị quy định rất thấp, dẫn đến việc thu không bù chi nên các bệnh viện tìm cách không thực hiện dịch vụ, đẩy bệnh nhân lên tuyến trên.

Ông Liên ví dụ, cùng một dịch vụ như mổ đẻ, bệnh viện huyện cũng mổ đẻ như bệnh viện tuyến trung ương. Thế nhưng mức thu của BV huyện thấp hơn bệnh viện tuyến trên, trong khi đó chi phí vật tư, khấu hao, chi phí phẫu thuật là như nhau.

Có giám đốc một bệnh viện huyện từng chia sẻ, do BV tuyến trên có số lượng khám chữa bệnh nhiều nên nguồn nhập các hóa chất, thuốc men, vật tư cũng là giá nhập buôn. Còn rõ ràng, các bệnh viện dưới nhu cầu sử dụng ít hơn, nhập ít hơn chi phí cho các vật tư này còn đắt hơn. Vì thế, bệnh viện càng làm nhiều càng lỗ nên không ít bệnh viện phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên cho đỡ lỗ.

Về vấn đề này, bà Phạm Thu Xanh, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng, dẫn chứng, BV Việt Tiệp (Hải Phòng) có năm lỗ tới 50 tỉ đồng, càng mổ nhiều càng lỗ. Hay một Trung tâm y tế ở quận, chỉ khám chữa bệnh thông thường cũng lỗ 4- 5 tỉ đồng vi mức thu không đủ chi trong khi các cơ sở y tế vẫn phải đầu tư nâng cấp, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Ông Nam Liên cho biết, dự kiến trong năm 2016 giá viện phí sẽ chính thức áp dụng đối với mọi đối tượng khi đi khám chữa bệnh. Vì thế, cần đẩy nhanh quá trình bao phủ của BHYT toàn dân, để người dân sẽ không bị tác động của việc điều chỉnh viện phí khi đi khám chữa bệnh và các cơ sở y tế sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị.

Theo đó, với lộ trình BHYT toàn dân, Thủ tướng Chính phủ giao đến cuối năm 2015 có 75,4% dân số tham gia BHYT. Tỷ lệ này sẽ tăng dần qua các năm, đến năm 2016 là 78%, 2017 là 79,8%, 2018 là 81,4%, 2019 là 82,5% và đến 2020 là 84,3%.
Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất