“Donald Trump núp mình phía sau những lời xin lỗi giả dối và lại tiếp tục bỏ qua những lời hứa trước kia về việc công bố tài liệu khai thuế. Hẳn ông ta phải có gì đó nếu cứ giấu giếm?”.
Bà Jennifer Palmieri (giám đốc truyền thông của đội ngũ tranh cử của bà Hillary Clinton)
Trong quá trình nhiều tháng tranh cử vừa qua, vị tỉ phú ở New York gần như thường xuyên nhấn mạnh đến khả năng quản trị doanh nghiệp làm giàu của mình để từ đó ông hứa hẹn sẽ điều hành đất nước tốt và làm giàu cho người dân như cách ông đã tạo nên cơ nghiệp cho bản thân.
Tỉ phú hay chúa Chổm?
Thật sự ông Trump từng viết không ít quyển sách tự thuật, trong đó nêu bật tài năng kinh doanh thiên bẩm cũng như khả năng kiếm bạc tỉ trong những thương vụ mà không phải ai cũng dám làm.
Nhưng cũng không ít lần và không ít người đặt ra câu hỏi: tài sản của Trump thật sự có là bao nhiêu và đế chế kinh doanh của ông ta có thật sự hiệu quả như kiểu ông ta vẫn tạo ra vỏ bọc như thế hay không.
Ba nhà báo của New York Times đã tập trung giải mã bí ẩn này với sự trợ giúp của một viện nghiên cứu tài chính độc lập. Và họ đã chứng minh được rằng Donald Trump hiện đang nợ nần nhiều hơn con số ông vẫn công bố với công chúng.
Nói một cách khác, ông ta đã nói dối cử tri. Và kế đến, cái gọi là “tài sản kếch xù hàng tỉ USD” của ông Trump có khi không phải là sự thật.
Trong bài báo có tựa đề “Đế chế của Trump: mê hồn trận nợ nần và những mối quan hệ mờ ám” đăng tải hôm 20-8, nhật báo uy tín hàng đầu nước Mỹ đã chứng minh được rằng các công ty thuộc sở hữu của ông Trump đang nợ “ít nhất 650 triệu USD”.
Trong kinh doanh, nợ nần là chuyện thường nhưng vấn đề ở đây là con số này cao gấp đôi con số mà ông Trump đã công bố trong thời gian tranh cử cũng như trong hồ sơ lý lịch để làm ứng viên chạy đua cho chức tổng thống Mỹ.
Các nhà báo khẳng định đây là lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ có trường hợp ứng viên đã được đảng chỉ định chính thức lại có “tài sản khó xác minh đến thế”!
Các nhà báo cũng nhắc lại câu chuyện tỉ phú Trump tìm cách né tránh việc công bố số liệu trong bản khai báo thu nhập nộp thuế (như gần đây bà Hillary Clinton tìm cách thách thức theo kiểu khai thác điểm yếu của đối thủ) hoặc cho phép có những đánh giá độc lập về số cổ phần sở hữu của ông ta trong các doanh nghiệp mình quản lý.
Các nhà báo đã đẩy xa hơn khi cho rằng một ứng viên tổng thống có “lý lịch tài chính” bí ẩn như vậy thì rất dễ gây ra xung đột lợi ích một khi thắng cử.
Chẳng hạn họ sợ rằng một khi nắm quyền, ông Trump có thể gây ảnh hưởng lên các chính sách tài chính và thuế khóa của Mỹ, hoặc ông sẽ dùng quyền bổ nhiệm những người có thể gây ảnh hưởng trực tiếp có lợi cho hoạt động kinh doanh của ông ta.
Trong quá trình tranh cử, không ít lần ông Trump cũng nhắc đến quy tắc của kinh doanh là “mắc nợ” không có gì là xấu nếu chúng không phải là “nợ xấu”.
Thậm chí không ít lần ông còn mô tả mình là “nợ như chúa Chổm” và rằng ông rất thích mắc nợ. Nhưng các nhà báo của New York Times cũng kịp thu thập tư liệu chứng minh rằng ít nhất bốn lần ông Trump đã phải tuyên bố phá sản đối với các công ty mình đang quản lý vì mắc nợ!
10 tỉ hay 4,5 tỉ USD?
Về chuyện tài sản cá nhân của ông Trump, ông vẫn khoe mình có trong túi 10 tỉ USD nhưng trong thời gian qua không ít chuyên gia tài chính cho rằng không đến mức đó và một số tạp chí chuyên ngành uy tín như tờ Forbes đánh giá gia tài của Trump chỉ vào khoảng 4,5 tỉ USD.
Trong bài báo mới nhất, tờ New York Times cũng cho rằng tài sản của vị ứng viên tổng thống bên Đảng Cộng hòa rất đáng xem xét lại vì ông Trump đã dựa vào uy tín để thông qua được ba thỏa thuận vay cho các đối tác làm ăn của ông.
Ba thỏa thuận này đạt số tiền lên đến 2 tỉ USD. Dĩ nhiên người trả phải là các đối tác của ông Trump nhưng nếu chúng trở thành nợ xấu thì uy tín của ông Trump chắc chắn bị ảnh hưởng, trị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ông đang hợp tác sẽ giảm và như thế giá trị tài sản của ông hẳn cũng phải giảm theo.
Tệ hại hơn, các nhà báo điều tra chứng minh được rằng ông Trump đã đi vay của “các ngân hàng mà chính ông đã cực lực chỉ trích trong thời gian vận động tranh cử”.
Chẳng hạn trong số đó có Ngân hàng Trung Quốc, dù trong quá trình vận động tranh cử ông không ít lần chỉ trích gã khổng lồ ở châu Á “thao túng tiền tệ” và đòi thực thi các biện pháp ngăn chặn thương mại.
Một chủ nợ lớn khác của ông Trump là ngân hàng Mỹ Goldman Sachs - doanh nghiệp mà ông từng nhiều lần chỉ trích là ủng hộ đối thủ Hillary Clinton. Chưa kể ngân hàng này cũng dính líuvào nhiều vụ bê bối trong kinh doanh tiền tệ.