Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Đội trưởng đội bắt chó thả rông: ‘Anh em chúng tôi nhường cả thức ăn cho những con chó mình bắt về’

Chó thả rông, bị bắt về lưu giữ, sau 72 giờ nếu không có chủ đến nhận sẽ bị tiêu hủy. Quy định này khiến dư luận bức xúc trong thời gian qua nhưng ít ai biết được những câu chuyện đằng sau đó.

Chó thả rông không rọ mõm có thể gây tai nạn nguy hiểm cho người đi đường, tuy nhiên việc tiêu hủy chó sau 72 giờ khi bị bắt về lại tạo nên một cuộc tranh cãi gây gắt trong dư luận. Một phần tán đồng, một bên bác bỏ. Song song đó, nhiều ý kiến còn đưa ra vấn đề: Liệu rằng những chú chó bị bắt về sẽ được nuôi dưỡng ra sao trong thời gian chờ chủ?

Để có câu trả lời cho vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi tại địa chỉ 252, đường Lý Chính Thắng (quận 3) nơi nuôi nhốt đồng thời cũng là cơ sở hoạt động của đội bắt chó thả rông trong hơn 10 năm qua.

Những trải lòng về việc nuôi nhốt chó tạm thời tại trung tâm.

Ông Dương Thanh Đa - Đội trường đội bắt chó thả rông.

Chia sẻ về những vấn đề trên, ông Dương Thanh Đa, đội trưởng đội bắt chó thả rông cho hay: “Chó bị bắt về sau 72h sẽ bị tiêu hủy, thế nhưng điều này rất hiếm xảy ra. Trường hợp có thông báo hay chờ chủ xuất trình đủ giấy tờ, trong thời gian đó, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục chăm sóc chúng tử tế.

Thường có trường hợp quá thời hạn, chó hoang không ai đến nhận sẽ giải quyết cho các trường nhận về phục vụ cho công tác dạy và học. Điển hình, là trong thời gian qua, ĐH Nông Lâm, Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp TP thường xuyên nhận những chú chó tại trung tâm. Số ít còn lại sẽ bị tiêu hủy theo quy định pháp luật: tức là tiêm thuốc để chúng ra đi nhẹ nhàng. Mà tính từ đầu năm đến nay, tổng cộng cũng chỉ có 3 chú chó bị tiêu hủy mà thôi”.

Mỗi tuần đội bắt chó chỉ triển khai 4 lần ra quân vào sáng thứ 3 đến thứ 6.

Mỗi tuần, xe bắt chó thả rông lăn bánh tối đa 4 ngày, nhưng hễ lần nào “trắng tay” trở về hay ngay sau đó chủ chó đến nhận, là mỗi lần cán bộ nơi đây nhẹ nhõm phần nào. “Trước đây, khu vực này có sức chứa lên đến gần 100 chú chó chia thành khu A và B. Nhưng thời gian gần đây, ý thức người dân cao hơn, số lượng chó thả rông giảm dần. Thường xuyên đội phải đi về xe không, nên từ 2 khu nuôi nhốt, giờ chỉ gói gọn mỗi khu A. Cao điểm nhất cũng chỉ có 3,4 con trong chuồng”.

Chuồng nuôi nhốt các chú chó là 4 bức tường được ngăn cách bởi cánh cửa sắt dày dặn, có để sẵn thức ăn và nước uống. Bên trong chia thành 2 chuồng nhỏ để phân loại. Khi có chó được nuôi nhốt, mỗi ngày, các nhân viên đều vệ sinh sạch sẽ, cung cấp thức ăn viên và nước uống.

“Một số chó không quen ăn thức ăn viên, anh em chúng tôi sẽ chia sẻ phần ăn của mình cho chúng. Ở đây ai cũng thương động vật chứ không ghét bỏ gì.”

Hiện tại chỉ còn mỗi chuồng A hoạt động.

Chuồng được xây dựng từ năm 2000.

Hai ô nhỏ dành để nhốt riêng những chú chó quá hiếu động.

Ông cũng chia sẻ nhiều lần nhân viên của mình đi làm bị chủ chó rượt đuổi, chửi mắng và cả việc đe dọa hành hung bằng hung khí “khiến anh em rất buồn và lo lắng”.

Chuồng nuôi yên ắng trong khoảng 1 tháng nay.

Nhiều năm gắn bó với công việc, ông Đa cũng chứng kiến không ít trường hợp buồn - vui, có người chủ cất công đến nhận lại nhưng vì ngại tiền phạt nên bỏ phế người “bạn trung thành”. Thương hoàn cảnh, mọi người chăm sóc đến gần 1 tháng ròng để chờ chủ, rồi cuối cùng cũng phải tiến hành xử lí theo quy định.

“Chúng tôi ở đây cố hết sức để đảm bảo sức khỏe cho chúng và cũng đau lòng mỗi khi phải tiêm thuốc để chúng ra đi nhẹ nhàng. Tôi mong những gia đình nuôi chó sẽ chăm sóc và quản lý chúng tốt hơn để bảo đảm an toàn cho người dân và chúng tôi không còn phải làm cái việc bị ghét bỏ này nữa “ - ông Đa trải lòng.

Chó thả rông nơi công cộng phải đeo rọ mõm, xích giữ và có người theo canh chừng… thiếu một trong ba yếu tố trên, chú chó sẽ bị bắt về. Tuy nhiên, vẫn ưu tiên yếu tố chủ nuôi lên hàng đầu. Tức, nếu có người đi cùng nhưng chú chó thiếu xích và rọ mõm thì vẫn được du di cho.

Chó sau khi bị bắt về, chủ nuôi phải xuất trình đầy đủ giấy tiêm phòng, chứng minh thư đồng thời nêu rõ đặc điểm của chú chó mới được cho vào chuồng nuôi nhốt nhận diện. Để tránh trường hợp nhận nhầm, cơ sở cũng căn cứ theo phản ứng của vật nuôi (có nhận diện hay mừng rỡ) với chủ thì mới được trao trả.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Lê

Được quan tâm

Tin mới nhất