Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Pháp luật

Đôi nam nữ cố sát nhân viên bán shop quần áo đối diện với mức phạt nào?

Định Nguyễn Theo dõi Saostar trên google news

Trước sự việc cặp đôi nam nữ cố sát nhân viên bán quần áo ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk gây xôn xao dư luận, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết, nghi phạm đã phạm tội giết người, cướp tài sản.

Liên quan đến vụ án đôi nam nữ táo tợn xông vào shop quần áo dùng dao cố sát nhân viên xảy ra vào tối 3/8, sáng 5/8, thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết, được sự vận động của Công an và người nhà, hai đối tượng Phạm Minh Kiên (17 tuổi, trú tại TP Buôn Ma Thuột) và Ngô Thị Huyền Phương (22 tuổi, trú tại TP Hà Nội) đã ra đầu thú.

Cũng theo Cơ quan điều tra, sau khi gây án, cả hai đã bắt xe khách xuống TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa lẩn trốn. Hiện cả hai đã được Công an TP Buôn Ma Thuột di lý về trụ sở để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi “Cướp tài sản”.

2 đối tượng Phương và Kiên tại cơ quan CSĐT.

Tuy bị gia đình hai bên ngăn cản, Kiên và Phương vẫn thường xuyên gặp và liên lạc với nhau. Cuối tháng 7/2018 Kiên về lại nhà ở Đắk Lắk thì có rủ Phương vào đi chơi cùng.

Tuy nhiên, sợ gia đình phát hiện, cả hai đã thuê một phòng trọ ở TP Buôn Ma Thuột để nghỉ. Sau nhiều ngày ở đây, do tiền không còn để chi tiêu, cả hai đã bàn với nhau đi đến các shop quần áo trên địa bàn tìm cách trộm cắp tài sản.

Theo lời khai ban đầu, Phương đang là sinh viên của một trường đại học ở TP Hà Nội, còn Kiên từ Đắk Lắk ra TP Hà Nội làm nhân viên ở một nhà hàng. Đầu năm 2018, cả hai quen biết nhau rồi đem lòng yêu nhau. Phát hiện mối quan hệ này, hai bên gia đình cùng ngăn cản vì cho rằng, tuổi của hai đứa còn quá nhỏ.

Để thực hiện ý đồ, cả hai đã ra chợ mua một con dao Thái Lan thủ sẵn. Khoảng 14h chiều 3/8, cả hai đi bộ đến shop bán quần áo ở số 90 đường Ngô Quyền, TP Buôn Ma Thuột vờ hỏi mua để dò la tin tức. Sau khi phát hiện shop quần áo này chỉ có 1 nhân viên trông coi, cả hai đã bỏ đi.

Đến khoảng 19h30 tối cùng ngày, cả hai quay lại shop quần áo để tìm cơ hội ra tay. Tại đây, sau khi phát hiện chỉ có một mình chị Đặng Thị Thùy Trang (22 tuổi, nhân viên bán hàng) coi quán, Phương tìm cách đánh lạc hướng, còn Kiên từ phía sau lao tới ôm cổ, kề dao với mục đích khống chế chị Trang để cướp tiền.

Tuy nhiên, do chị Trang tìm cách chống cự, la lớn, quá hoảng hốt, Kiên đã dùng dao đâm nhiều nhát vào ngực, tay và cổ tay chị Trang.

Sau khi gây án, cả hai sợ bị lộ nên bỏ chạy về nhà thay quần áo rồi cùng nhau bỏ trốn xuống TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho đến khi được người nhà và công an vận động ra đầu thú.

Hiện vụ án đang được Công an TP Buôn Ma Thuột tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm (VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết, theo thông tin ban đầu, để có tiền chi tiêu, các nghi phạm đã ra chợ mua một con dao Thái Lan, là hung khí nguy hiểm mang theo để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản nhằm.

Khi phát hiện, cửa hàng quần áo có mình chị Trang trông coi quán, các nghi phạm đã lao tới ôm cổ, kề dao với mục đích khống chế chị Trang để cướp tiền. Tuy nhiên, do chị Trang tìm cách chống cự, la lớn, quá hoảng hốt, Kiên đã dùng dao đâm nhiều nhát vào ngực, tay và cổ tay.

“Hành vi phạm tội của các nghi phạm đã xâm hại đến 2 khách thể Bộ luật hình sự điều chỉnh đó là tính mạng con người và quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ. Hành vi khách quan của các nghi phạm đã thể hiện mong muốn ý thức tước đoạt tính mạng nạn nhân khi sử dụng dao đâm lên tiếp vào cơ thể chị Đặng Thị Thùy Trang, trong đó có vùng trọng yếu trên cơ thể (vùng ngực). Pháp luật buộc công dân phải nhận thức được khi sử dụng dao đâm vào vùng trọng yếu trên cơ thể người khác là hành vi nguy hiểm đến tính mạng. Hậu quả không chết người xảy ra vẫn phải chịu trách nhiệm trong trường hợp phạm tội chưa đạt”, luật sư Thơm thông tin.

Theo luật sư Thơm, hành vi phạm tội của các nghi phạm đã cấu thành tội Giết người và Cướp tài sản. Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm g, n khoản 1 Điều 123 và Điều 168 BLHS 2015.

“Đối với tội cướp tài sản, các nghi phạm sẽ phải đối mặt hình phạt tương ứng với trị giá tài sản nhằm chiếm đoạt. Kết quả định giá tài sản trong tố tụng hình sự sẽ làm căn cứ xử lý tương ứng bị cáo theo định khung hình phạt được quy định tại Điều 168 BLHS 2015. Trường hợp các nghi phạm chưa chiếm đoạt được tài sản sẽ phải chịu trách nhiệm theo tình tiết định khung cơ bản được quy định tại Khoản 1 Điều 168 BLHS.

Đối với tội giết người, do nạn nhân không chết, hành vi phạm tội của các nghi phạm thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt được quy định tại Điều 57 BLHS với hình phạt cao nhất đến 20 năm tù giam”, luật sư Thơm nêu rõ.

Đối với nghi phạm Phạm Minh Kiên, nếu có căn cứ xác định thời điểm phạm tội đang ở lứa tuổi vị thành niên (từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi) thì mức hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội là không quá 18 năm theo Điều 101 BLHS Tù có thời hạn “Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”.

“Đây là vụ án Giết người, Cướp tài sản do các nghi phạm thực hiện. Hành vi phạm tội của nghi phạm đã xâm hại đến quyền được sống và quyền sở hữu tài sản của người khác một cách trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa phương và gây hoang mang trong dư luận xã hội nên cần thiết phải xử nghiêm minh bằng pháp luật hình sự mới có tác dụng trừng trị và răn đe, phòng ngừa tội phạm đang có xu hướng gia tăng ở các Tỉnh, Thành phố trong cả nước trong thời gian qua”, luật sư Thơm nêu quan điểm.

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 168. Tội cướp tài sản

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Làm chết người;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Định Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất