Rùa biển là mắt xích cơ bản trong hệ sinh thái biển. Chúng giúp duy trì sức khỏe của thảm cỏ biển và rạn san hô, qua đó mang lại lợi ích cho các loài có giá trị thương mại như tôm, tôm hùm và cá ngừ.
Trên thế giới hiện ghi nhận 7 loài rùa biển, trong đó Việt Nam có 5 loài, đều được xếp vào nhóm động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu và đang được sự quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia trên thế giới.
Hiện tại, rùa biển lại đang đối mặt với sự suy giảm nghiêm trọng do hoạt động của con người và nguy cơ từ biến đổi khí hậu toàn cầu. 90% là nguy cơ tuyệt chủng của rùa biển; 40% - 50% là tỉ lệ con non sinh ra trên bãi biển có thể sống sót ra đến đại dương; và chỉ có 1/1000 rùa biển đến tuổi trưởng thành có thể sống sót để tìm về đúng nơi đã sinh ra rồi đẻ trứng và tạo ra một sự sống mới.
Ngoài ra, rùa biển tiếp tục bị khai thác một cách không bền vững cho cả mục đích tiêu dùng của con người và buôn bán các bộ phận của chúng. Một số người cũng giết rùa để làm thuốc và phục vụ các nghi lễ tôn giáo. Hàng chục nghìn con rùa biển bị mất theo cách này mỗi năm.
Trở về sau 12 ngày đêm trực tiếp tham gia công tác cứu hộ, bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo, nữ nghệ sĩ đã ấp ủ thực hiện một dự án nghệ thuật với sự đồng hành của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) để chung tay với công tác truyền thông bảo tồn rùa biển và môi trường biển.
Ngày 15/6 vừa qua, triển lãm "1001 rùa biển bằng gốm" của nghệ sĩ Cao Thanh Thà khai mạc sáng 15/6 tại Hà Nội gây ấn tượng đặc biệt với người xem bởi mỗi tác phẩm của chị đều là độc bản.
Lần đầu tiên tại Việt Nam có một triển lãm nghệ thuật với con số kỷ lục 1001 rùa biển bằng gốm. Thông qua triển lãm, nghệ sĩ Cao Thanh Thà gửi đến công chúng về câu chuyện phiêu lưu của rùa biển từ khi sinh ra đến khi được hòa mình vào đại dương, bắt đầu những ngày rong chơi trên dòng hải lưu và lênh đênh trên biển cả;
Trong đó có 1000 trứng, con non rùa biển và chỉ 1 rùa biển trưởng thành trở về nơi từng được sinh ra để đẻ trứng sau khi vượt qua những cơn xoáy ngầm nơi đại dương sâu thẳm với nhiều mối nguy hiểm và tiếp tục một sự sống mới.
Triển lãm này gồm 6 cụm nghệ thuật sắp đặt với các tên gọi: “Đại dương tươi đẹp - Không gian thực tại - Tương lai”, “Dòng hải lưu”, “Xoáy ngầm”, “Bình minh - Hoàng hôn - Bóng đêm”, “Trở về” và những hoạt động trải nghiệm, tương tác thú vị.
Đây không chỉ là một sự kiện nghệ thuật mà còn là lời kêu gọi hành động, khuyến khích mỗi cá nhân chung tay góp sức vào công cuộc bảo vệ môi trường biển. Mỗi tác phẩm nghệ thuật là một lời nhắc nhở về trách nhiệm của chúng ta đối với hành tinh và những loài sinh vật sống trên đó.
Th.S Mỹ thuật - Nghệ sĩ điêu khắc Cao Thanh Thà từng các dự án nghệ thuật cộng đồng hướng tới bảo vệ môi trường biển. Kể từ năm 2018, nữ nghệ sĩ đã tham gia nhiều dự án nghệ thuật trên khắp các vùng biển của Việt Nam. Trong đó có thể kể đến: Dự án trại sáng tác nghệ thuật từ rác thải và phao xốp tại Vịnh Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh năm 2018; Dự án “Đại dương nổi trên cạn” từ các loại rác thải trên đảo cho khu bảo tồn đảo Hòn Cau, Bình Thuận năm 2019;